Chủ nhật, 17/11/2024, 06:43[GMT+7]

UBND tỉnh nghe và cho ý kiến về kết quả thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La; chính sách hỗ trợ kinh phí mua, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá cho ngư dân

Thứ 5, 11/06/2020 | 16:14:15
5,666 lượt xem
Sáng ngày 11/6, UBND tỉnh nghe và cho ý kiến về kết quả vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La, xã Thái Phương (Hưng Hà) và thực hiện các nhiệm vụ UBND tỉnh giao theo Thông báo số 28 ngày 18/5/2020; nghe và cho ý kiến về chính sách hỗ trợ kinh phí mua, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá cho ngư dân tỉnh Thái Bình.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Dự án hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2032 ngày 18/9/2013; chủ đầu tư là UBND huyện Hưng Hà; tổng mức đầu tư 76,9 tỷ đồng. Đến nay, phần xây dựng đã hoàn thành 99% nội dung công việc; đã hoàn thành lắp đặt thiết bị, thực hiện công tác chạy thử liên động không tải và chạy thử liên động có tải bằng nước sạch. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp chưa hoàn thiện xong hệ thống tiền xử lý của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa thể vận hành thử nghiệm dự án theo kế hoạch.

Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, kiến nghị của huyện Hưng Hà, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần tập trung cao độ giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại địa phương. Trước mắt, đưa vào vận hành thử hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La để đánh giá hiệu quả chất lượng, đồng thời đánh giá được việc các doanh nghiệp xử lý tiền nước thải trước khi đưa nước thải vào hệ thống xử lý tập trung. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phương án vận hành thực hiện theo phương án đã được phê duyệt; thời gian vận hành ngay sau khi các doanh nghiệp trở lại sản xuất. Trong khi chưa vận hành phải giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Khi vận hành thử, nếu hệ thống có vấn đề xảy ra phải dừng ngay. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao huyện Hưng Hà phối hợp với doanh nghiệp xây dựng phương án xã hội hóa, bảo đảm hiệu quả tốt khi hệ thống đưa vào vận hành. Các sở, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp với huyện Hưng Hà để nhanh chóng hoàn thiện dự án, góp phần xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại địa phương.

Về chính sách hỗ trợ kinh phí mua, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá cho ngư dân tỉnh Thái Bình, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có 189 tàu cá phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; tuy nhiên, đến nay mới có 30 tàu được lắp đặt. Nguyên nhân do ngư dân gặp khó khăn khi sản lượng hải sản khai thác đạt thấp, giá bán hải sản giảm…  Để hỗ trợ ngư dân vượt qua khó khăn, tạo động lực giúp ngư dân an tâm bám biển, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất chính sách hỗ trợ kinh phí mua, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá. 

Theo đó, về nguyên tắc hỗ trợ, mỗi tàu cá chỉ được hỗ trợ một lần. Về điều kiện hỗ trợ, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên và có đầy đủ giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản còn hiệu lực. Thiết bị lắp đặt phải là thiết bị mới 100% và phải được Tổng cục Thủy sản công bố. Về mức hỗ trợ, nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% chi phí mua, lắp đặt thiết bị cho một tàu cá nhưng không vượt quá 13.300.000 đồng/thiết bị/tàu. Chủ tàu cá thực hiện mua, hoàn thành lắp đặt thiết bị trên tàu từ ngày 1/1/2020  đến hết ngày 31/12/2020. Chính sách này nhằm tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với khai thác thủy sản trên biển từ hệ thống giám sát tàu cá. Đồng thời, duy trì ổn định hoạt động sản xuất thủy sản cùng cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với hải sản khai thác tại Việt Nam và hỗ trợ công tác phòng, chống thiên tai.

Phát biểu kết luận, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá cho ngư dân là hết sức cần thiết và phải thực hiện sớm. UBND tỉnh thống nhất chủ trương và giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện báo cáo, tờ trình để trình HĐND tỉnh; trong đó lưu ý các thông số kỹ thuật, điều kiện được hỗ trợ, nhất là không gây phiền hà cho ngư dân và tiến hành lắp đặt theo kế hoạch.

Mai Thư