Thứ 7, 16/11/2024, 11:00[GMT+7]

Duyên Hải Chăn nuôi cầm cự chờ "phao"

Thứ 4, 22/08/2012 | 07:06:44
1,726 lượt xem
Hiện nay, các hộ chăn nuôi ở Duyên Hải đang gặp rất nhiều khó khăn bởi giá thịt lợn hơi giảm 25 – 30 nghìn đồng/kg; trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi tăng 3 giá so với năm 2011; nhiều hộ đang cầm cự chờ giá lên... Với thực trạng trên, các hộ chăn nuôi đang phải bù lỗ từ 500 – 700 nghìn đồng/100 kg thịt lợn hơi.

Để duy trì 70 con lợn nái và 500 con lợn thương phẩm, gia đình anh Lê Văn Trạm phải chi phí 360 triệu đồng thức ăn/ tháng.

Hơn lúc nào hết, các hộ chăn nuôi cần chiếc “phao” kịp thời từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng; nếu các hộ không cầm cự nổi phải bán tháo và ngừng sản xuất thì sau có vốn vay cũng không có tác dụng nhiều.

Duyên Hải là một trong những xã có phong trào phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm mạnh nhất huyện Hưng Hà. Hiện toàn xã có 354 hộ chăn nuôi, trong đó có 15 trang trại, 70 gia trại... Giá trị sản xuất chăn nuôi hàng năm đạt trên 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay các hộ chăn nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn bởi giá thịt lợn hơi giảm 25 – 30 nghìn đồng/kg; trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi tăng 3 giá so với năm 2011; nhiều hộ đang cầm cự chờ giá lên, có những hộ muốn bán không bán được hoặc lợn chưa đến tuổi xuất chuồng… Với thực trạng trên, các hộ chăn nuôi ở Duyên Hải đang phải bù lỗ từ 500 – 700 nghìn đồng/100 kg thịt lợn hơi. Hơn lúc nào hết, các hộ chăn nuôi cần chiếc “phao” kịp thời từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng; nếu các hộ không cầm cự nổi phải bán tháo và ngừng sản xuất thì sau có vốn vay cũng không có tác dụng nhiều.

Duyên Hải có phong trào phát triển chăn nuôi khá mạnh từ năm 2003 trở lại đây, nhất là nuôi lợn theo hình thức trang trại, gia trại. Từ khi có chủ trương chuyển đổi diện tích lúa  kém hiệu quả sang chăn nuôi thì hàng chục héc-ta lúa úng trũng ở thôn Khả Tân, Khả Đông được thay thế bằng chuồng trại có quy mô khá lớn, đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ trang trại/ năm. Các trang trại được xây dựng bởi những bàn tay chai sạn, lầm lũi sớm hôm tích lũy từng đồng để mua từng viên gạch, con giống mà thành. Vất vả cực nhọc nên các hộ dân đều ý thức được nuôi sao cho an toàn và hiệu quả kinh tế, vì vậy trong những năm qua dịch bệnh ở các trang trại hầu như không xảy ra. Gần đây nhất là năm 2011, dịch bệnh bùng phát ở nhiều nơi, nhưng Duyên Hải vẫn an toàn nên các hộ dân đã thắng đậm, có chủ trang trại lãi gần 1 tỷ đồng. Tuy nhiên nghịch lý hiện nay là tổng đàn lợn, gà tăng 11%, nhưng giá trị lại giảm gần 3 tỷ đồng so với 6 tháng đầu năm 2011.

Anh Lê Văn Trạm, thôn Khả Tân cho biết: Trang trại của gia đình anh được xây dựng trên đất chuyển đổi lúa kém hiệu quả từ năm 2005, với diện tích 1.800 m2, trong chuồng thường xuyên có từ 400 - 500 đầu lợn, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng; đặc biệt là năm 2011, gia đình anh lãi trên 700 triệu đồng; cũng trong năm này anh đã xây thêm một trang trại rộng 3.600 m2 để nuôi lợn. Song sự đầu tư của anh Trạm đã không gặp may mắn, với số tiền gần 4 tỷ đồng cho hai trang trại, mỗi tháng anh phải chi phí tới 360 triệu đồng để nuôi trên 70 con lợn nái, 500 con lợn thương phẩm.

Theo tính toán của anh Trạm thì các hộ chăn nuôi như anh hiện đang lỗ nặng bởi 1 con lợn từ khi cai sữa đến khi nuôi lớn đạt khoảng 95 - 100 kg chi phí thức ăn và giống hết 4,5 - 4,7 triệu đồng, nhưng bán chỉ được 4 triệu đồng. Mặc dù trang trại của gia đình anh Trại được đầu tư với nguồn vốn rất lớn, gần 4 tỷ đồng, nhưng anh chưa được vay đồng nào từ các ngân hàng, với lý do trang trại chưa có “sổ đỏ” thế chấp. Mong muốn hiện nay của gia đình anh Trạm là được các ngân hàng cho vay vốn, bởi để duy trì đàn lợn trong 1 tháng anh phải có 30 tấn cám trị giá 360 triệu đồng; nếu không tiếp cận được các nguồn vốn vay kịp thời thì không chỉ trang trại của anh mà nhiều trang trại khác sẽ phải bán tháo và ngừng chăn nuôi; sau này có vay được vốn thì cũng rất khó để tái đàn.

Không chỉ chăn nuôi lợn gặp khó khăn mà các trang trại, gia trại gà ở Duyên Hải cũng đang phải đối phó với nhiều thách thức, khi giá thức ăn tăng cao, giá gà giảm, gà Trung Quốc xuất hiện nhiều nhưng không được kiểm soát chặt chẽ. Anh Nguyễn Hữu Xiền, thôn Khả Đông chuyển đổi 2000 m2 diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang làm trang trại nuôi gà từ năm 2004 đến nay; do ít vốn nên anh lấy ngắn nuôi dài và dần duy trì được đàn gà thường xuyên trong chuồng trại 8 nghìn con. Anh Xiền cho biết, trang trại được đầu tư xây dựng và số gà hiện có trị giá trên 1 tỷ đồng, nhưng anh chưa được vay vốn của ngân hàng nào, cũng do chưa có “sổ đỏ” thế chấp. Như các năm trước, gia đình anh xuất chuồng bình quân đạt 27 - 30 tấn gà/ năm, thu lời từ 250 - 300 triệu đồng. Nhưng hiện nay gặp khó khăn về đầu ra và nguồn vốn để duy trì đàn gà 8 nghìn con; mỗi ngày anh phải chi phí hết 4,5 triệu đồng tiền thức ăn; nếu chủ trang trại nào quản lý tốt và không có dịch bệnh thì hòa vốn, không thì sẽ bị lỗ. Năm 2001, giá gà có lúc lên tới 95 nghìn đồng/kg, nhưng hiện tại chỉ có 60 nghìn đồng/kg. Cũng theo anh Xiền, hiện nay gà Trung Quốc nhập lậu khá nhiều, ngay ở Duyên Hải cứ vài ngày lại có 1 ô tô chở gà này về bán, đây là gà đẻ công nghiệp do các trang trại, công ty bên Trung Quốc thải ra có giá rất rẻ nên gà của anh và các hộ khác rất khó cạnh tranh về giá, do đó thị trường bị co hẹp. Để các trang trại, gia trại yên tâm sản xuất, theo anh Xiền thì các ngành chức năng cần cho vay vốn đúng thời điểm như hiện nay, hoặc giảm thuế thức ăn giá súc, gia cầm và quản lý chặt chẽ tình trạng nhập lậu lợn, gà vào thị trường nội địa.

Không chỉ riêng ở Duyên Hải mà hiện nay các hộ chăn nuôi trong tỉnh cũng đang gặp những khó khăn tương tự. Ông Mai Xuân Chưởng, Trưởng phòng chăn nuôi - Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Trong tháng 8/2012, sản phẩm chăn nuôi liên tục giảm giá, đối với giá lợn ngoại từ 53 - 54.000 đồng/kg xuống còn 40 - 42 nghìn đồng/kg, lợn thịt F1 còn 30 -  32 nghìn đồng/kg, giảm khoảng 20%; hiện người chăn nuôi đang thua lỗ nặng, bình quân 1 kg lợn hơi lỗ khoảng 8 nghìn đồng, gà lỗ từ 6 - 7 nghìn đồng/kg. Nguyên nhân chủ yếu do từ đầu quý II đến nay xuất hiện thông tin về  một số hộ dân ở Đồng Nai sử dụng chất cấm để tạo lạc cho lợn nên ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng. Đồng thời do lạm phát nên người dân giảm chi tiêu và trong những tháng nắng nóng ít người sử dụng thịt lợn; các hộ dân tái đàn nhanh nên cung vượt cầu… Tuy nhiên, theo nhận định của ông Chưởng và nhiều hộ chăn nuôi thì đến những tháng cuối năm giá thịt lợn, gà sẽ tăng trở lại, người chăn nuôi sẽ có lãi. Song quan trong hiện nay các hộ chăn nuôi không có đủ vốn để cầm cự được đến lúc tăng giá, vì vậy rất cần “bàn tay” của các ngân hàng và các ngành chức năng ngay trong lúc này để cứu vãn người chăn nuôi qua cơn bĩ cực.

Bài, ảnh: Nguyên Bình

  • Từ khóa