Thứ 7, 16/11/2024, 10:57[GMT+7]

Tập trung phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa

Thứ 3, 28/08/2012 | 15:27:11
1,498 lượt xem
Vụ lúa mùa năm 2012 sẽ trỗ sớm hơn vụ mùa năm trước khoảng 5 - 7 ngày, hiện lúa sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ dánh hữu hiệu cao, cây cứng lá dầy, có khả năng cho năng suất cao hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, hiện nay trên đồng ruộng xuất hiện nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại, như sâu cuốn lá nhỏ, đục thân 2 chấm, rầy các loại, bệnh bạc lá, sọc vi khuẩn…

Nông dân xã Minh Quang (Vũ Thư) phun thuốc phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa. Ảnh: Minh Đức

Để bảo đảm an toàn cho lúa mùa đến hết vụ, các địa phương, bà con nông dân cần thực hiện tốt các chủ trương, biện pháp phòng trừ sâu bệnh theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp.

Theo điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV), sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 sẽ vũ hóa từ ngày 16/8 - 27/8/2012 và rộ nhất từ ngày 20 - 25/8. Cụ thể, Chi cục BVTV đã điều tra 148 điểm, kết quả cho thấy mật độ trung bình 50 - 100 trứng/m2, cá biệt có nới 180 - 240 quả/m2;  sâu non tuổi 1 từ 10 - 20 con/m2; đồng thời mật độ trứng sẽ tiếp tục gia tăng trong những ngày tới. Với diễn biến sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 hiện nay, diện tích cần phòng trừ khoảng 60 nghìn ha; đối với diện tích lúa trỗ trước ngày 5/9 và các diện tích có lá cứng, đanh vàng không phải phòng trừ; riêng huyện Tiền Hải, diện tích cấy sau ngày 25/7 và diện tích bị ngập úng cần theo dõi thêm và trừ cuốn lá nhỏ gối ở trung tuần tháng 9.

Đối với sâu đục thân 2 chấm, hiện đã phòng trừ được 22 nghìn ha, nơi phun tốt tỷ lệ dảnh bị hại chỉ còn  1 - 2%. Song, sâu đục thân 2 chấm lứa 5 sẽ tiếp tục vũ hóa từ đầu tháng 9, sâu non gây bạc bông cho trà lúa trỗ từ 15/9 trở đi, nhất là các huyện phía Bắc. Do có mưa và gió lớn trong thời gian qua nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn phát sinh gây hại, tỷ lệ bệnh trên diện rộng ở mức 5 - 10%, nơi cao 20 - 30%; bệnh sẽ gia tăng gây hại lúa mùa từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, nếu không được phun thuốc phòng trừ kịp thời thì nhiều diện tích lúa sẽ bị khô toàn bộ lá, dẫn đến mất khả năng quang hợp, không trỗ được bông…

Trước diễn biến của các loại sâu bệnh hiện nay, bà con nông dân không nên bón đạm đơn để nuôi đòng, hạt, không sử dụng các loại phân bón qua lá và kích thích sinh trưởng. Những diện tích đã nhiễm bệnh bạc lá, sọc vi khuẩn cần tổ chức phun phòng trừ ngay, tránh tình trạng đợi sâu cuốn lá nhỏ mới kết hợp phun thì hiệu quả phòng trừ sẽ không cao.

Riêng sâu cuốn lá nhỏ sẽ phát động thành chiến dịch phun cho trà lúa trỗ bông sau ngày 5/9; thời gian phun từ ngày 30/8 - 2/9, tùy tình hình sâu bệnh cụ thể của các địa phương có thể phun sớm hoặc muộn hơn 1 ngày. Riêng đối với huyện Tiền Hải cần kết hợp phun rầy để phòng trừ bệnh lùn sọc đen cho trà lúa trỗ bông sau ngày 20/9/2012.

                                                                        Nguyên Bình

  • Từ khóa