Thứ 7, 16/11/2024, 11:05[GMT+7]

Thời hoàng kim của con ngao có trở lại?!

Thứ 5, 30/08/2012 | 10:23:50
1,409 lượt xem
“Thương trường như chiến trường”, câu nói cửa miệng của các doanh nhân giờ đây bắt đầu ngấm vào các hộ nuôi và thương nhân kinh doanh ngao Tiền Hải khi giá ngao xuống còn 15 nghìn đồng/kg mà vẫn ế ẩm. Đâu là nguồn cơn, đâu là lối thoát cho loài vật nuôi đã từng một thời hoàng kim này...

Nông dân xã Nam Thịnh chuyển ngao giống sang bãi nuôi thương phẩm.

Một thời hoàng kim

  Huyện Tiền Hải có diện tích ao, đầm, vây NTTS nước mặn, lợ, ngọt là 4.423 ha. Thành công của mô hình nuôi ngao  mở ra một hướng đi mới về giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Trong nuôi ngao, khâu đầu tư lớn nhất là đầm bãi, để có 1 ha bãi đạt tiêu chuẩn phải mất cả trăm triệu đồng, bãi tốt lên tới tiền tỷ. Tiếp đến là đầu tư tiền giống, vây, cọc, lều, bạt, công thuê trông coi, thu hoạch... Chăm sóc ngao không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng cũng rất vất vả. Những vùng bãi cao, gặp ngày nắng nóng, triều rút, không thể để thời gian phơi bãi dài, người nuôi phải kéo đường điện dài mấy cây số để bơm nước tưới cho ngao hoặc dùng bạt che nắng cho chúng. Ngày mưa bão, do sợ bị mất cắp, nhiều hộ nuôi liều cả tính mạng, trốn tránh cơ quan chức năng, bám chòi canh coi. Đầu tư tiền của lớn, công sức vất vả đêm hôm nhưng nghề nuôi ngao vẫn thịnh và phát triển bởi cho thu nhập “siêu lợi nhuận”. ít người nuôi tiết lộ số liệu lãi về nuôi ngao, nhưng theo một số hộ kinh doanh ngao, nếu thuận thời tiết, ngao có thể lãi 70-100%/năm. Mỗi lứa ngao tùy theo kích cỡ mà thời gian nuôi từ 12 đến 15 tháng, mỗi hec ta cho thu hoạch khoảng 50 tấn, tương ứng giá trị 10 ha trồng lúa. Hàng chục hộ nuôi ở Nam Thịnh, Đông Minh đã phất lên từ ngao, bước lên hàng “đại gia”, ở Tiền Hải từng có một thôn cùng một lúc 4 “đại gia” lên Hà Nội đặt mua 4 chiếc Camry nguyên hộp trị giá tiền tỷ do trúng mùa ngao. Năm 2011, diện tích nuôi ngao của Tiền Hải là 1.380 ha, đạt sản lượng 32.000 tấn, cho giá trị theo giá hiện hành  704 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 3.500 lao động. Chúng tôi về xã Nam Thịnh, Chủ tịch UBND xã Trần Thị Thủy cho biết, năm 2011 kinh tế biển của xã  góp phần đưa giá trị sản xuất bình quân đầu người lên 68,6 triệu đồng/năm.

  Cần một hướng phát triển bền vững

    Thời gian gần đây, tiêu thụ ngao chững lại, gây tâm lý e ngại, hoang mang trong một số hộ nuôi. Tìm hiểu chúng tôi được biết do phía Trung Quốc không nhập hàng nên lượng ngao tồn đọng. Theo Kỹ sư Đỗ Mạnh Toàn, phòng NN&PTNN huyện, ngao kích cỡ trung bình có thời điểm lên tới 23.500 đ/kg, khi xuống giá chỉ còn 15.000đ/kg, mà cũng rất khó bán. Những hộ nuôi ở xã Đông Minh cho biết, sản lượng nuôi 6 tháng đầu năm nay toàn xã đạt khoảng 30 nghìn tấn, đã ứ đọng lại thêm nỗi lo thời tiết bất thường, môi trường dịch bệnh đe dọa. Xã có 2-3 đầu mối thu gom chuyển ngao bán sang Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) theo đường tiểu ngạch. Chủ hàng liên hệ qua điện thoại với mối hàng Trung Quốc, trao đổi số lượng, chủng loại, giá thành sau đó vận chuyển hàng đến cửa khẩu, thương nhân Trung Quốc đón hàng và giao tiền tại cửa khẩu. Liên hệ được với một chủ gom lớn, ông Th. (Đông Minh) xác nhận có việc đình trệ thu mua ngao tại cửa khẩu.

Cuối tháng 8  giá đã  nhích lên, khoảng 16 nghìn đồng/kg, nhưng yêu cầu chỉ nhập loại ngao kích cỡ dưới 70 con/kg chứ không chấp nhận các chủng loại như trước. Khi được hỏi về hình thức giao dịch, ông Th. trả lời chỉ là mua đứt, bán đoạn, không có hợp đồng ràng buộc.  Ông Th. cũng như những chủ gom hàng đều biết việc mua bán phụ thuộc nhiều vào phía Trung Quốc nhưng cũng chẳng có cách nào. Ông Đ. (Nam Trung) người đã từng buôn bán máy nổ, phụ tùng nông nghiệp Trung Quốc nhiều năm, nay chuyển sang buôn ngao nên sành sỏi hơn các bạn buôn khác, ông khẳng định phía Trung Quốc luôn làm chủ cục diện, nhất là phần giá. Các thương nhân Trung Quốc cũng bài bản, kinh nghiệm hơn phía ta, do bên ta xuất thân chủ yếu là nông dân đi làm kinh tế. Họ hay có chiêu mua giá thật cao, khi  Việt Nam tập trung sản xuất  mặt hàng đó là giảm mua, đình mua, khi thu mua trở lại rất khắt khe về chủng loại, chất lượng... trong khi trước đó những yếu tố này ít đề cập tới.

Không thể phủ nhận hiệu quả kinh tế mà con ngao mang lại trong phát triển kinh tế của huyện và người dân Tiền Hải, song những tín hiệu đầu đã phát ra cảnh báo trong việc quá phụ thuộc vào một thị trường. Theo số liệu, ngao Tiền Hải được xuất sang Nhật, EU, thị trường nội địa chủ yếu là miền Namon> nhưng chiếm tỷ trọng thấp. Thị trường Trung Quốc chiếm phần lớn, lại là thị trường có tính bất ổn cao. Các bài học xuất khẩu gạo, khoai lang, dừa, dứa và gần đây nhất là tôm hùm đều xảy ra theo một kịch bản chung là thao túng- mua một phần- ngừng mua- mua lại và ép giá. Đây cũng không phải lần đầu tiên con ngao bị ép giá ở thị trường Trung Quốc mà những năm 2005- 2006 việc này đã xảy ra đối với huyện Giao Thủy (Nam Định). UBND tỉnh đã có quy hoạch nuôi ngao cho hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải, dựa trên cơ sở đó Tiền Hải đặt mục tiêu phấn đấu diện tích nuôi ngao năm 2012 là 1.400 ha, đạt sản lượng 35.000 tấn. Để con ngao trở lại thời hoàng kim và giữ ổn định, bền vững cần có chiến lược cụ thể trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ theo hướng “nhiều giỏ”, tránh bị thao túng bởi một thị trường. Các doanh nghiệp và người nuôi ngao nên tỉnh táo, tránh ham cái lợi trước mắt, chạy theo nhu cầu ảo do thương nhân Trung Quốc tạo ra, khiến tình hình thêm bất ổn. Cùng với đó tăng cường liên kết giữa các cơ quan, ban ngành với doanh nghiệp và người nuôi ngao phối hợp hiệu quả chống lại sự thao túng thị trường. Từng bước xây dựng thương hiệu ngao Tiền Hải và tổ chức việc xuất khẩu theo đường chính ngạnh, tìm kiếm mở rộng các thị trường khác như EU và thị trường nội địa ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...

                                                                                       Bài, ảnh: Phan Lợi

  • Từ khóa