Thứ 7, 16/11/2024, 10:41[GMT+7]

Công ty Điện lực Thái Bình Giải pháp giảm tổn thất điện năng

Thứ 6, 31/08/2012 | 10:35:40
2,115 lượt xem
Xác định giảm tổn thất điện năng (TTĐN) là một trong những “mặt trận” quan trọng trong quá trình sản xuất kinh doanh, thời gian qua, Công ty Điện lực (PC) Thái Bình đã nỗ lực phấn đấu, triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm TTĐN.

Ảnh: Thành Tâm

Tuy nhiên, 7 tháng đầu năm 2012, tỷ lệ TTĐN của PC Thái Bình vẫn ở mức 10,74%, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2011 và cao hơn kế hoạch Tổng Công ty giao là 1,34%. Hiện PC Thái Bình đang quyết tâm đưa tỷ lệ TTĐN cả năm về 9,4%.

Về nguyên nhân tăng TTĐN, ông Trần Quốc Tuấn- Phó Giám đốc Công ty cho biết: tình hình suy giảm kinh tế đã tác động mạnh đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ khiến sản xuất bị đình trệ, sản lượng tiêu thụ điện giảm, thậm chí có công ty bị phá sản đã ngừng sử dụng điện. Lưới điện hạ áp nông thôn, đặc biệt là tại một số xã mới tiếp nhận như: Quỳnh Hội- Quỳnh Phụ, Vũ Ninh- Kiến Xương, Minh Châu- Đông Hưng... đã quá cũ, chưa cải tạo kịp thời, hệ thống đo đếm sử dụng lâu năm chưa sửa chữa, kiểm định; tình trạng trộm cắp điện dưới nhiều hình thức vẫn diễn ra khá phổ biến với trên 150 vụ trộm cắp, tăng 13% so với cùng kỳ, truy thu gần 400 triệu đồng; phụ tải điện sinh hoạt mùa hè tăng cao, trong khi lưới điện chưa đáp ứng.

Trước tình hình đó, Công ty đã xây dựng chương trình giảm TTĐN và đề ra các biện pháp cụ thể chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc. Giao chỉ tiêu TTĐN cho từng điện lực để các đơn vị căn cứ kế hoạch giao triển khai thực hiện, gắn kết quả thực hiện giảm TTĐN với tiền lương, thưởng của các đơn vị. Thành lập ban chỉ đạo, lập phương án, chương trình giảm TTĐN, phân công nhiệm vụ cụ thể từng cá nhân trong ban và các đơn vị liên quan thực hiện. Phân tích rõ nguyên nhân tăng, giảm và việc thực hiện tại các đơn vị để đề ra phương hướng tiếp theo. Thành lập phòng kiểm tra, giám sát mua bán điện của công ty, qua đó, phát hiện, ngăn ngừa các hiện tượng vi phạm trong sử dụng điện của các khách hàng.

Đồng thời, PC Thái Bình chỉ đạo các đơn vị tập trung lập kế hoạch sửa chữa, thực hiện các giải pháp kỹ thuật ngăn ngừa nguy cơ sự cố. Theo dõi các thông số vận hành lưới điện và tăng trưởng phụ tải để có kế hoạch vận hành, cải tạo lưới điện, hoán chuyển máy biến áp đầy, non tải một cách hợp lý, không để quá tải đường dây, quá tải máy biến áp trên lưới điện, không để các máy biến áp phụ tải vận hành tải lệch pha. Định kỳ hàng tháng đo dòng tải để cân pha khi cần thiết. Thường xuyên tính toán kiểm tra đảm bảo phương thức vận hành tối ưu trên lưới điện, duy trì điện áp trong giới hạn cao cho phép theo quy định hiện hành và khả năng chịu đựng của thiết bị. Theo dõi thường xuyên các nút trên lưới điện, tính toán vị trí và dung lượng lắp đặt tụ bù tối ưu để hoán chuyển, vận hành hợp lý các bộ tụ trên lưới. Kiểm tra bảo dưỡng hành lang lưới điện, tiếp địa, mối tiếp xúc, cách điện của đường dây, thiết bị, phát quang hành lang, thay sứ nứt vỡ...

Trong quản lý kinh doanh, các đơn vị thường xuyên đảm bảo chất lượng kiểm định công tơ đo đếm chính xác. Áp dụng phương pháp đo xa, giám sát thiết bị đo đếm từ xa cho các phụ tải lớn nhằm tăng cường theo dõi, phát hiện sai sót, sự cố trong đo đếm. Củng cố, nâng cao chất lượng đọc sổ ghi chỉ số công tơ nhằm mục đích phát hiện kịp thời công tơ kẹt cháy, hư hỏng ngay trong quá trình ghi chỉ số để xử lý kịp thời. Tăng cường công tác kiểm tra những khách hàng có sản lượng lớn, các cơ sở tư nhân, hợp tác xã điện năng, công ty cổ phần điện năng, các khách hàng đã vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm lấy cắp điện. Tại các xã mới tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn cần kiểm tra, rà soát các công tơ cháy kẹt, lập phương án sửa chữa thường xuyên để thay thế các hòm, công tơ không bảo đảm tiêu chuẩn.

Để giải quyết bài toán giảm TTĐN, những năm qua, Công ty đã tranh thủ mọi nguồn vốn vay: ODA, Ngân hàng Thế giới, ngân sách trung ương... thực hiện nâng cấp, cải tạo lưới điện nhằm phục vụ tốt yêu cầu cấp điện cho sinh hoạt, sản xuất- kinh doanh. Từ năm 2009 đến nay, Công ty đã đầu tư trên 700 tỷ đồng cải tạo, sửa chữa lưới điện hạ áp nông thôn và bảo đảm khoảng cách an toàn, phát quang hành lang lưới điện, lắp đặt mới công tơ đo đếm điện năng. Đồng thời, đang triển khai 2 dự án: REII đợt 3 cho 65 xã với nguồn vốn 175 tỷ đồng; REII đợt 5 cho 25 xã với trên 80 tỷ đồng. Kết quả của những biện pháp này đã góp phần làm chuyển biến rõ rệt chất lượng dịch vụ cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện ở nông thôn, mang lại hiệu quả xã hội lớn. Mỗi năm khách hàng nông thôn giảm được hàng chục tỷ đồng do không phải gánh chịu giá điện cao. Đặc biệt tỷ lệ TTĐN giảm, từ 30- 35% trước tiếp nhận, xuống còn 10- 15%. Tuy nhiên, tỷ lệ TTĐN của Thái Bình vẫn còn cao so với khu vực, cũng như kế hoạch mà Tổng Công ty giao. Chặng đường giảm TTĐN của PC Thái Bình tuy còn nhiều khó khăn, gian khổ, song với chủ trương đúng, biện pháp tích cực, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tổng công ty, chắc chắn trong thời gian không xa tỷ lệ TTĐN trên địa bàn Thái Bình sẽ có nhiều tiến bộ hơn.

                                    Minh Nguyệt

  • Từ khóa