Chủ nhật, 17/11/2024, 05:18[GMT+7]

Các địa phương, đơn vị ứng phó bão số 2

Chủ nhật, 02/08/2020 | 12:17:39
6,640 lượt xem

Nhân dân xã Dân Chủ khơi thông dòng chảy.

* Hưng Hà

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 2, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Hưng Hà yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm nội dung các công điện của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và huyện.

Nghiêm cấm các bến đò ngang sông hoạt động chở hành khách, hàng hóa qua sông kể từ 16 giờ ngày 01/8/2020 đến khi bão tan. Tổ chức lực lượng để hướng dẫn chủ phương tiện vận tải thủy neo đậu trên địa bàn vào nơi an toàn. Di dời toàn bộ số lao động nuôi trồng thủy sản, các lồng, bè cá ven sông vào nơi an toàn và hoàn thành trước 10 giờ ngày 02/8/2020. Chỉ đạo chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, nhà xưởng, xí nghiệp,... bảo đảm an toàn trong bão. Huyện Hưng Hà cũng chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành, đơn vị của huyện và toàn bộ cán bộ kỹ thuật làm công tác phòng, chống thiên tai năm 2020 phải trực tại vị trí được phân công để chỉ đạo xử lý sự cố có thể xảy ra. Có phương án tiêu thoát nước trong trường hợp mưa to kéo dài để bảo vệ nhà cửa, cây trồng. Đẩy mạnh tuyên truyền, tích cực vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân thường xuyên theo dõi các thông tin về bão trên hệ thống thông tin đại chúng và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, không chủ quan lơ là trong công tác ứng phó bão số 2 nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra.

Trạm bơm An Quốc, xã Quốc Tuấn vận hành hết công suất để chống úng.

* Kiến Xương

Huyện Kiến Xương có 104 tàu, thuyền hoạt động, đến nay tất cả các phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình, về nơi neo đậu an toàn, không có phương tiện nào hoạt động ở vùng nguy hiểm; có 1.047 hộ với 2.563 người sinh sống ngoài đê chính, 1.269 hộ với 1.552 người sống trong nhà yếu đã có phương án di dời khi cần thiết. Toàn huyện đã gieo cấy là 11.200ha lúa mùa, diện tích cây màu hè thu đã trồng là 1.200ha.

Để ứng phó với bão số 2, huyện Kiến Xương nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ 15 giờ ngày 1/8, kêu gọi, kiểm đếm, sắp xếp và hướng dẫn các tàu thuyền vào nơi tránh, trú an toàn không để xảy ra va chạm và chìm tàu tại nơi neo đậu. Các xã duyên giang di dời toàn bộ số lao động nuôi trồng thuỷ sản ngoài đê chính, số ngư dân trên các phương tiện đánh bắt đã neo đậu trên địa bàn vào nơi an toàn. Tất cả các xã, thị trấn còn lại có phương án di chuyển nhân dân ở các nhà yếu, nhà xuống cấp đến nơi an toàn. Ngành Nông nghiệp, các ngành liên quan và các địa phương chủ động tiêu nước, khơi thông dòng chảy, mở cống tiêu, đóng các cống tưới;, tranh thủ mở tối đa các cống có thể tiêu đề phòng mưa lớn, gây ngập úng lúa, hoa màu, các khu vực trũng thấp; bảo đảm an toàn lưới điện, kiểm tra hoạt động các trạm bơm sẵn sàng phục vụ tiêu úng. Có phương án bảo vệ các khu vực đê, kè xung yếu, các công trình đang thi công, chống tràn các vị trí đê thấp, đê bối tại các tuyến đê cửa sông; bảo đảm an toàn cho người và tài sản ở khu vực bờ bao ven cửa sông đề phòng bão đổ bộ trong điều kiện triều cường kết hợp nước dâng do bão gây tràn, vỡ bờ bao. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu.

Ngư dân Thái Thụy neo đậu tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn.

* Thái Thuỵ

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 2, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Thái Thụy đã chỉ đạo các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm nội dung các công điện khẩn của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, huyện. Đặc biệ là công tác kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú bão an toàn và di dời người dân sinh sống và làm việc tại các vùng nguy hiểm như ở các chòi ngao, khu nuôi trồng thủy sản tập trung ngoài đê biển vào nơi an toàn.

Tính đến 18h, ngày 1/8, ngành chức năng huyện đã kêu gọi được 478 phương tiện/1.762 lao động neo đậu vào nơi tránh trú bão an toàn (bằng 100% số lượng tàu thuyền đang hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn huyện); di dời trên 1.000 lao động trên các chòi ngao và tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và 2.949 người dân sinh sống ngoài đê chính vào những nơi an toàn.

Ngoài ra, các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn huyện đã chủ động thực hiện việc chằng chống nhà yếu, kho tàng, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, các công trình hạ tầng khác...; thực hiện việc đóng các cửa khẩu qua đê bảo đảm an toàn; có phương án xử lý, bảo đảm an toàn cho các công trình quan trọng trên địa bàn huyện.

Trong công tác tiêu úng huyện đã tiến hành kiểm tra, rà soát các công trình thuỷ lợi, chủ động tiêu nước triệt để trên hệ thống, đề phòng mưa lớn gây ngập úng lúa, hoa màu và vùng trũng thấp. Kiểm tra các trạm bơm, sẵn sàng bơm tiêu úng khi cần. Hiện tại trên địa bàn huyện chưa có diện tích lúa hoặc vùng trũng thấp bị ngập úng.

* Quỳnh Phụ

Trước ảnh hưởng của cơn bão số 2, tại huyện Quỳnh Phụ đã có mưa rào rải rác. Lượng mưa bình quân đo từ ngày 30/7 – 2/8 trung bình khoảng 25 mm, phân bố không đều. Mực nước hiện tại trên các sông trục ở mức thấp, khả năng tiêu trọng lực tốt trong giai đoạn từ ngày 2 –5/8. Trường hợp mưa dồn dập, kéo dài tùy theo tình hình thực tế huyện sẽ triển khai tiêu bằng động lực.

Quỳnh Phụ đã gieo cấy được 11.178 ha lúa mùa, 700 ha cây màu hè thu. Toàn huyện có 337 lồng cá tại các xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hoàng, Quỳnh Hoa, có trên 1.050 ha nuôi trồng thủy sản. Hệ thống đê, kè, cống trên địa bàn huyện tương đối ổn định, vật tư phục vụ phòng chống thiên tai đảm bảo về số lượng, chất lượng. Hiện tại không có công trình đê điều nào triển khai thi công…

Trước ảnh hưởng của bão số 2, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã triển khai các nhiệm vụ theo sự chỉ đạo của tỉnh; ban hành các công điện phòng chống bão. Trong đó, Quỳnh Phụ tổ chức thường trực theo quy định, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để có phương án đối phó và xử lý kịp thời các tình huống. Tập trung đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết về diễn biến của bão, chủ động phòng, tránh, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do bão gây ra. Các ngành, địa phương đã kiểm tra hoạt động của các trạm bơm để sẵn sàng phục vụ bơm tiêu úng khi có mưa lớn gây ngập úng lúa, hoa màu và các khu vực thấp trũng tại một số xã An Ninh, An Cầu, An Quý… Huyện yêu cầu các ngành, các địa phương hoàn thành mọi công tác chuẩn bị phòng chống bão trước 11 giờ ngày 2/8…

Các doanh nghiệp ở vùng thấp trũng chủ động nạo vét khơi thông cống, rãnh thoát nước phòng ngập úng.

* Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh

Ứng phó với bão số 2, Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh chỉ đạo Trung tâm tư vấn hỗ trợ đầu tư và dịch vụ khu công nghiệp, các công ty kinh doanh hạ tầng, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng chống; chủ động kiểm tra, rà soát, bổ sung vật tư, thiết bị, phương tiện và chuẩn bị lực lượng để sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có bão, lũ xảy ra. Thực hiện kiểm tra, đánh giá tình trạng an toàn của các hạng mục công trình xây dựng như: nhà làm việc, nhà xưởng sản xuất, kho... để có phương án sửa chữa kịp thời hoặc gia cố vững chắc nhằm nâng cao độ an toàn và sức chống đỡ khi có thiên tai, đồng thời kiểm tra, sửa chữa lại những tuyến cống rãnh thoát nước không đảm bảo; tổ chức nạo vét khơi thống cống rãnh để khi mưa lớn không xảy ra tình trạng ngập lụt. Thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ khi có bão để đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra; chủ động phân công, bố trí lực lượng thường trực tại đơn vị, doanh nghiệp để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra quyết tâm không để xảy ra mất an toàn tính mạng về người và tài sản.




Nhóm phóng viên