Thứ 7, 16/11/2024, 08:38[GMT+7]

Quỳnh Phụ Hiệu quả từ chính sách tín dụng “tam nông”

Thứ 6, 07/09/2012 | 10:12:21
1,208 lượt xem
Từ khi Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ được triển khai thực hiện, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn huyện Quỳnh Phụ có thêm điểm tựa vững chắc cho sự phát triển bền vững.

Vốn vay tín dụng giúp các nghề truyền thống của địa phương phát triển.

Quỳnh Phụ là huyện có tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cao, chiếm trên 90%. Vì vậy, ngay khi Nghị định 41 ra đời, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, các ban ngành có liên quan và chính quyền địa phương triển khai thực hiện. Nghị định 41quy định: Các cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp có thể được cho vay không có bảo đảm bằng tài sản tối đa đến 50 triệu đồng. Các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn được xem xét cho vay tối đa đến 200 triệu đồng; hợp tác xã, chủ trang trại được xem xét cho vay tối đa đến 500 triệu đồng. Đây chính là cú huých đối với nông dân, giúp họ thuận lợi hơn khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Sau 2 năm triển khai, đến nay 38/38 xã, thị trấn đã thành lập được 230 tổ vay vốn trực thuộc Hội Nông dân và 4 tổ do Hội Phụ nữ quản lý. Nguồn vốn tập trung chủ yếu cho đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. 6 tháng đầu năm 2012, doanh số cho vay lĩnh vực này đạt 46,5 tỷ đồng với 776 hộ vay; dư nợ hiện còn 68,8 tỷ đồng với gần 1.600 khách hàng, góp phần chuyển đổi gần 1.150 ha đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy - hải sản.

Đối với cánh đồng cho giá trị kinh tế cao, Ngân hàng NN&PTNT huyện đã cho vay 25,7 tỷ đồng với 676 lượt hộ gia đình. Trong lĩnh vực chăn nuôi, cho vay gần 120 tỷ đồng với 1.215 khách hàng, góp phần nâng tổng số trang trại toàn huyện lên 157 và trên 1.000 gia trại với tổng số đàn trâu bò trên 7.800 con, đàn lợn 133.100 con, gia cầm trên 1,57 triệu con. Trong phát triển nghề và làng nghề, doanh số cho vay cũng đạt gần 77 tỷ đồng với 765 khách hàng. Cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nguồn vốn của Ngân hàng, các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện dần được khôi phục, duy trì và phát triển bền vững, như: thêu, dệt cói, đúc đồng, chế biến lương thực thực phẩm, đồ gỗ mỹ nghệ...; đồng thời du nhập một số nghề mới, như: may công nghiệp, mây tre đan, giấy tiền, làm mi giả... góp phần giải quyết việc làm thường xuyên và trong lúc nông nhàn cho trên 22.000 người với thu nhập từ 1,2- 4 triệu đồng/người/tháng, đưa số làng nghề toàn huyện lên 34, trong đó có 3 xã nghề, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới và khởi sắc.

Đến nay, tổng số hộ gia đình tham gia vay vốn tín dụng tam nông là trên 5.150 hộ với số dư nợ gần 106,65 tỷ đồng, tăng 33,2 tỷ đồng so với cùng kỳ 2011, tốc độ tăng trưởng 45%. Trong đó, dư nợ của 230 tổ vay vốn do Hội Nông dân quản lý là 5.055 hộ với số dư nợ: 104.478 triệu đồng; Hội Phụ nữ là 96 hộ, số dư nợ là 2.163 triệu đồng. Doanh số cho vay từ khi thực hiện Nghị định 41 đến nay đạt 1.557,6 tỷ đồng, với 21.545 lượt khách hàng. Trung bình mỗi khách hàng được vay 70 triệu đồng.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị định 41 trên địa bàn Quỳnh Phụ cũng bộc lộ nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Duy Mỡi, Chủ tịch Hội Nông dân cho biết: “Hiện nay, để thúc đẩy hoạt động nông nghiệp phát triển thì nông dân trên địa bàn cần nguồn vốn vay rất lớn. Mặc dù thời gian qua, Nghị định 41 ra đời là để “cứu cánh” cho người dân nhưng nhiều nông dân vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn theo Nghị định. Bởi các đối tượng vay tuy không phải thế chấp tài sản nhưng phải nộp kèm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thực chất cũng là thế chấp tài sản. Do đó, các hộ dân chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ven bờ, nuôi trồng thủy sản từ cấy lúa kém hiệu quả, chủ trang trại thuê đất sản xuất, các hợp tác xã, tổ hợp tác không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nên không  thể  tiếp  cận  được  nguồn vốn vay".

Trên thực tế hiện nay, hầu hết đất nông nghiệp của các hộ nông dân trên địa bàn đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Các hộ dân sản xuất nông, thủy sản, trồng cây lâu năm, cây ăn quả đòi hỏi chi phí cao, thời gian thu hồi vốn dài, rất khó vay được vốn vì ngân hàng quy định phải có vốn đối ứng... Vì vậy, để triển khai Nghị định 41 hiệu quả hơn, thời gian tới, Quỳnh Phụ cần tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; các ban, ngành có liên quan cần phối hợp chặt chẽ hơn với ngân hàng, chính quyền địa phương trong việc kiểm tra năng lực sản xuất kinh doanh của người vay vốn, cũng như cương quyết hơn trong xử lý thu hồi nợ quá hạn để tái tạo nguồn vốn vay, góp phần giúp nhiều vùng đất nghèo hồi sinh, giúp những nông dân chân lấm tay bùn có cơ hội đổi đời.

Bài, ảnh: Minh Nguyệt

  • Từ khóa