Thứ 7, 16/11/2024, 08:34[GMT+7]

NUÔI NGAO Ở THÁI THỤY Cần tránh hệ lụy do phát triển quá nóng

Thứ 6, 12/10/2012 | 10:34:45
1,787 lượt xem
Những năm gần đây, nuôi ngao thực sự là nghề “nóng” của nhiều người dân ven biển huyện Thái Thụy bởi cho hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên hiện nay, giá bán ngao thương phẩm đã giảm mạnh, thị trường tiêu thụ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nếu người dân phát triển nuôi ngao quá nóng, ồ ạt, tự phát, không theo quy hoạch sẽ khó tránh khỏi những hệ lụy xấu.

Lấn chiếm đất nuôi ngao trái phép ở bãi triều khu vực xã Thái Thượng

 Ai nuôi ngao cũng giàu?

Thái Thụy có 27 km bờ biển, khu vực bãi triều khá bằng phẳng với diện tích khoảng 9.000 ha, trong đó vùng có khả năng nuôi ngao khoảng 5.000 ha. Năm 2006, UBND huyện quy hoạch vùng nuôi ngao bãi triều thuộc 3 xã Thái Ðô, Thái Thượng và Thụy Hải song chỉ có xã Thái Ðô đầu tư nuôi thành công với diện tích 212 ha giao cho doanh nghiệp Minh Phú và các hộ dân ở địa phương. Thực tế sản xuất những năm qua cho thấy: con ngao rất thích hợp với môi trường sống vùng bãi triều của Thái Thụy, tỷ lệ sống cao, ngao thương phẩm vỏ trắng sáng, béo mẩy. Nếu như năm 2008, tổng sản lượng thu hoạch ngao toàn huyện đạt 3.827 tấn,  thì năm 2011 sản lượng thu hoạch ngao tăng lên đạt 6.000 tấn và 9 tháng đầu năm 2012 sản lượng đạt 8.750 tấn. Mỗi ha nuôi ngao sau khi trừ chi phí bình quân người nuôi thu lãi từ 250 đến 300 triệu đồng. Nhiều hộ dân nhờ nuôi ngao vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho nhiều lao động khác ở địa phương. Hiệu quả là thế song việc đầu tư nuôi ngao không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”. Ông Tạ Ngọc Khôi, Chủ tịch UBND xã Thái Ðô cho biết: muốn nuôi ngao đạt năng suất, lãi cao phải có vốn lớn (từ 600 đến 700 triệu đồng/ha) cộng thêm kinh nghiệm chọn con giống, thời vụ nuôi thích hợp.

Thời gian nuôi mỗi lứa ngao khá dài: từ 18 đến 24 tháng trong khi các điều kiện về bãi nuôi chưa thực sự ổn định, lại thường xuyên chịu tác động của môi trường, thời tiết, dịch bệnh. Ở Thái Ðô, vụ nuôi năm 2009 - 2010 ngao bị chết hàng loạt do thời tiết nắng nóng, năm 2010 - 2011 một số hộ bị mất mùa do thay đổi bãi nuôi. Ngoài ra, giá cả, thị trường tiêu thụ cũng là những yếu tố tác động lớn đến hiệu quả nuôi. Hầu hết nguồn ngao thu hoạch do tư thương đứng ra thu gom bán cho các đầu mối xuất đi miền Namon>, Trung Quốc, EU, Nhật... Những năm trước, ngao thu hoạch đến đâu bán hết đến đó, có thời điểm mỗi kg ngao thương phẩm bán 23.000 đồng. Nhưng từ đầu năm đến nay, giá xuống thấp chỉ còn 15.000 đến 17.000 đồng/kg ngao thịt, giá ngao giống cũng giảm đáng kể . So với năm ngoái, nguồn thu từ mỗi ha ngao giảm 300 triệu đồng khiến nhiều hộ dân lo lắng. Ông Hoàng Xuân Hảo, chủ hộ nuôi ngao ở Thái Ðô cho biết: “Tôi đấu thầu 2 ha, mấy anh em chung vốn nuôi ngao, nếu thuận lợi mỗi năm gia đình có nguồn thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay giá ngao giống, ngao thịt đều xuống, chỉ có vài tháng mất khoảng 400 triệu đồng”.

Cần tránh những hệ lụy

Nuôi ngao không đơn giản, nhiều khi gặp rủi ro. Thế nhưng, lâu nay nhiều người dân vẫn nghĩ cứ cắm cọc, quây vây, đổ ngao xuống biển, đợi ít thời gian là có thể mang “vàng trắng” về nhà. Vì thế họ ào ào “tiến quân” ra biển chiếm đất nuôi ngao. Thời gian cao điểm tháng 3/2012, diện tích lấn chiếm đất bãi triều của Thái Thụy lên đến 900 ha. Sau khi tỉnh, huyện, các xã vào cuộc tích cực để giải quyết đến nay tình hình tạm lắng xuống, tuy nhiên việc lấn chiếm đất bãi triều vẫn diễn biến phức tạp ở Thái Thượng. Hiện tại, toàn bộ khu vực bãi triều của xã với diện tích 450 ha đã bị người dân lấn chiếm, tự ý cắm cọc, quây vây, dựng lều nuôi ngao.

Trong đó, diện tích vượt ra ngoài phạm vi quy hoạch 250 ha chiếm hết cả lối ra vào, khu vực giành cho khai thác tự nhiên, vùng cửa sông, diện tích phát triển rừng ngập mặn. Toàn xã có khoảng 200 hộ dân tham gia, thậm chí có hộ lấn chiếm đất để “sang tay” cho người khác. Những hộ vi phạm còn họp nhóm, kích động nhân dân khiếu kiện đông người vượt cấp, cản trở các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ cưỡng chế. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ðức Trọng cho biết: “Hậu quả của vụ việc  không chỉ gây mất tình hình an ninh trật tự khu vực bãi triều ven biển, tạo mâu thuẫn giữa những người khai thác tự nhiên với người lấn chiếm đất trái phép mà còn ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của đa số hộ dân và gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Hầu hết cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương đều đồng tình xử lý kiên quyết các hộ lấn chiếm đất bãi triều trái phép; đồng thời ủng hộ việc tổ chức đấu giá giao đất để bảo đảm công bằng giữa các hộ có nhu cầu nuôi. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm vụ việc thì ngoài sự nỗ lực của địa phương, Thái Thượng rất cần sự hỗ trợ tích cực của tỉnh, huyện và các ngành chức năng…”.

Giải pháp tổng thể

Ðể đẩy mạnh phát triển nuôi ngao, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển nuôi ngao vùng bãi triều ven biển tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Trong đó, tổng diện tích mặt nước vùng bãi triều của huyện Thái Thụy đưa vào nuôi ngao đến năm 2015 là 1.520 ha (diện tích thực nuôi là 3.320 ha) và quy hoạch thành 5 tiểu vùng giáp xã Thụy Trường, Thụy Hải, Thụy Xuân, Thái Thượng và Thái Ðô. Huyện tích cực thực hiện các biện pháp ổn định tình hình khu vực bãi triều, triển khai đề án nuôi ngao, hoàn thành lập quy hoạch chi tiết, cắm mốc phân định ranh giới tạm thời giữa các tiểu vùng đã hoàn thành việc đấu giá đất bãi triều nuôi ngao ở Thái Ðô, giao đất cho người dân để đầu tư nuôi ngao ở Thụy Trường. Thái Thụy phấn đấu đến năm 2015 sản lượng ngao thu hoạch đạt 45.500 tấn, nhưng để thực hiện được mục tiêu này cần có giải pháp tổng thể. Trước hết, cần tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm đất bãi triều trái phép, tổ chức đấu giá giao đất cho dân theo đúng quy hoạch. Khi lập, phê duyệt quy hoạch vùng nuôi cần tính đến yếu tố phù hợp với điều kiện thực tiễn, căn cứ vào nhu cầu thực tế của người dân, tránh tình trạng quy hoạch treo; đồng thời đầu tư xây dựng vùng sản xuất ngao giống tập trung phục vụ nhu cầu nuôi ngao thương phẩm cho bà con. Ngoài ra, huyện cần mở rộng các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến ngao xuất khẩu ngay trên địa bàn tạo đầu ra ổn định, nâng cao giá trị thu nhập. Bên cạnh đó, hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật, vốn, bảo vệ sản xuất, bảo đảm an ninh trật tự trên vùng nuôi, xử lý hậu quả khi gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh…

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa