Thứ 7, 16/11/2024, 08:20[GMT+7]

Chuyện về những nông dân làm giàu nhờ dám nghĩ, dám làm

Thứ 6, 19/10/2012 | 10:38:05
2,854 lượt xem
Họ đơn thuần chỉ là những người nông dân chân lấm tay bùn, quanh năm suốt tháng chỉ biết "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Nhưng nhờ dám nghĩ, dám làm, họ đã đưa các giống cây, con mới vào sản xuất, từ đó làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Đó là những hội viên Hội Nông dân xã An Bình, huyện Kiến Xương.

Vườn chuối tiêu hồng của trang trại ông Phí Khánh Toàn (An Bình, Kiến Xương)

Cùng cán bộ Hội Nông dân xã chúng tôi đến trang trại gia đình ông Phạm Ngọc Duẩn (thôn Bình Trật Bắc). Trên khu đất chuyển đổi 4.000 m2, ông Duẩn đã đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp, chủ yếu chăn nuôi lợn. Ban đầu, ông Duẩn nuôi theo phương pháp truyền thống song hiệu quả không cao. Năm 2010, qua một lần xem tivi, ông Duẩn đã tự tìm đến Lý Nhân (Hà Nam) để học hỏi mô hình nuôi lợn siêu nạc theo quy mô công nghiệp. Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm nên ông chỉ dám đầu tư mua 30 con lợn giống siêu nạc từ Trại giống An Lão (Hải Phòng) về chăn nuôi. Sau một vài lứa nuôi thử, thấy hiệu quả kinh tế cao và việc nuôi giống lợn này không quá khó, ông Duẩn đã quyết định xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Duẩn cho biết: việc chăn nuôi lợn siêu nạc nhàn hơn và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với chăn nuôi lợn truyền thống. Đối với lợn siêu nạc, tất cả việc cho lợn ăn và uống nước đều được thực hiện tự động, lợn siêu nạc cũng tăng trọng nhanh hơn và giá bán lợn thương phẩm luôn cao hơn so với giống lợn truyền thống. Nhờ chịu khó học hỏi kiến thức qua sách báo, tivi và tự đúc rút kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi nên đàn lợn nhà ông Duẩn luôn phát triển ổn định. Ông cho biết thêm: chăn nuôi lợn siêu nạc quan trọng nhất là phải tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ cho đàn lợn, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra dịch bệnh và giữ cho nhiệt độ của chuồng nuôi không nóng quá vào mùa hè, không lạnh quá vào mùa đông. Cùng với chăn nuôi lợn siêu nạc, hiện tại, gia đình ông Duẩn còn nuôI 100 con gà ta, 100 con vịt và thả các loại cá giống truyền thống. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông Duẩn thu lãi trên 100 triệu đồng. Nhờ dám nghĩ, dám làm, ông Duẩn đã mạnh dạn phát triển kinh tế hộ, xứng đáng đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” cấp huyện.
 
Rời nhà ông Duẩn, chúng tôi đến trang trại gia đình ông Phí Khánh Toàn nằm trên vùng bãi triều ven sông Trà Lý. Đoạn đường chỉ hơn 4km nhưng phải mất đến gần nửa tiếng đồng hồ chúng tôi mới ra đến nơi. ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về trang trại gia đình ông Toàn đó là một khu vườn rộng mênh mông bát ngát, cảm giác như không có điểm dừng. Chỉ một gian nhà cấp 4 được dựng lên, cộng thêm 3.000 m2 đào ao thả cá và ít diện tích xây chuồng để chăn nuôi, còn lại gần 2 ha ông Toàn dùng để trồng trọt, trong đó chủ yếu là trồng chuối với trên 3.000 khóm chuối tiêu và chuối lùn.

Năm 2011, qua tìm hiểu trên tivi và các trang báo mạng điện tử, ông Toàn đã biết đến cây chuối tiêu hồng cho thu hoạch sớm, năng suất cao, lại có tính thích nghi rộng. Nhận thấy loại cây này vừa dễ trồng, vừa được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ quanh năm, ông Toàn đã quyết định sang Khoái Châu (Hưng Yên) đưa 1.000 cây giống về trồng thử. Là gia đình đầu tiên trong xã đưa chuối tiêu hồng vào trồng nên ông Toàn đã phải tìm hiểu rất nhiều qua sách báo bởi đây là loại cây trồng có quy trình kỹ thuật khắt khe từ khâu chọn giống đến thời vụ trồng và kỹ thuật chăm bón. Mới trồng được 6 tháng nhưng đến nay, nhiều cây đã ra hoa kết quả, mỗi buồng từ 7-8 nải, dự kiến sẽ cho năng suất và hiệu quả cao.

Ông Toàn cho biết: tuy trồng với quy mô lớn nhưng cứ đến vụ thu hoạch, các thương lái tự tìm đến vườn thu mua chứ gia đình ông không phải mang ra chợ bán. Ngoài cây chuối là chủ lực, ông Toàn còn trồng thêm 200 cây vải, 200 cây quất; nuôi 100 con gà ta giống từ Lào Cai, 100 con vịt đẻ, ngan nội thuần chủng và các loại cá truyền thống. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm trang trại ông Toàn thu lãi gần 100 triệu đồng.

Đó là hai trong nhiều tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở An Bình. Được Hội Nông dân phát động tại Đại hội Hội Nông dân xã nhiệm kỳ 2006 -2011, thời gian qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi được hội viên nông dân trong toàn xã tích cực hưởng ứng.

Ông Nguyễn Công Uân - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: phong trào đã góp phần khích lệ động viên cán bộ, hội viên khai thác tiềm năng thế mạnh về vốn, đất đai, sức lao động, kiến thức khoa học kỹ thuật đầu tư cho sản xuất, quyết tâm vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng, xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp. Giai đoạn 2006-2011, toàn Hội có 2.500 lượt hộ gia đình hội viên đăng ký đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Qua bình xét hàng năm, tỷ lệ hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp năm sau cao hơn năm trước và đạt từ 75% trở lên so với đăng ký. 

                                                                    Bài, ảnh: Minh Hương

  • Từ khóa