Thứ 7, 16/11/2024, 08:21[GMT+7]

Thăng Long Duy trì gieo trồng cây vụ đông trong điều kiện khó

Thứ 6, 19/10/2012 | 10:48:20
1,527 lượt xem
Những năm trước đây xã Thăng Long (Đông Hưng) là địa phương có truyền thống gieo trồng cây vụ đông với diện tích lớn nhưng hai năm trở lại đây diện tích cây vụ đông đã giảm mạnh. Nguyên nhân thì nhiều song để tiếp tục giữ vững vị trí tốp đầu huyện, xã đã có nhiều giải pháp để khuyến khích nông dân thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra.

Chị Nguyễn Thị Đại thôn An Liêm trồng ngô trên diện tích lúa vừa gặt.

Ông Nguyễn Mạnh Thư, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: những năm trước đây cây vụ đông vốn là thế mạnh của xã với trên 100ha. Thời đó người dân luôn chủ động mở rộng diện tích cây vụ đông và coi đó là vụ sản xuất chính bởi thu nhập từ cây vụ đông luôn cao gấp trên 2 lần so với cấy lúa. Tuy nhiên thời gian gần đây họ đã không còn mặn mà nhiều với sản xuất nông nghiệp do giá các mặt hàng nông sản thấp, diễn biến bất thường của thời tiết, sâu bệnh nhiều và đầu ra sản phẩm gặp khó khăn. Đặc biệt, lực lượng lao động nông nghiệp trong xã ngày càng ít do các lao động trẻ khỏe hầu hết đi làm tại các công ty, xí nghiệp, số lao động còn lại chủ yếu là người già. Do đó đã không chỉ ảnh hưởng đến diện tích cây vụ đông mà trong sản xuất lúa cũng gặp không ít khó khăn.

Hiện giá thuê cấy, gặt khá cao, nếu người dân thuê thì không đủ vốn, thậm chí còn bị lỗ nhưng không thuê thì lại không có nhân lực để làm trong khi năng suất lúa vụ mùa cao nhất cũng chỉ đạt 60 tạ/ha. Xác định được những khó khăn đó, Đảng ủy, chính quyền xã Thăng Long đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh, tổ chức họp tới các chi bộ, các ban, ngành, đoàn thể và giao trách nhiệm, kế hoạch cho từng thôn thực hiện trồng cây vụ đông. Vì vậy mặc dù thấp hơn mọi năm nhưng vụ đông này xã cũng phấn đấu đạt 90ha với 6ha dưa bí, trên 20 ha đậu tương, trên 10 ha ngô, 1ha rau các loại, số còn lại là khoai tây, khoai lang. 

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Trần Công Ngận - Chủ nhiệm HTXDVNN xã cho biết: Để khuyến khích người dân mở rộng diện tích gieo trồng cây vụ đông, ngoài thực hiện tốt công tác tuyên truyền, mấy năm gần đây xã đã có chính sách hỗ trợ 100% giống ngô MB4 và 7.000 đồng/kg đậu tương, công bảo vệ sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Tích cực tuyên truyền nhân dân nhanh chóng thu hoạch lúa mùa, tận dụng nhân lực, máy móc tập trung thu mùa theo phương châm nhanh, gọn, gặt đến đâu trồng cây vụ đông ưa ấm ngay tới đó. Đến ngày 10/10, toàn xã đã gặt được 15/199ha lúa mùa. Những diện tích trồng dưa, bí các hộ dân đã tiến hành đặt bầu trước khi gặt 10 ngày và chuẩn bị trồng ngô ngay sau khi thu hoạch lúa. Do đó, tới thời điểm này Thăng Long đã trồng được trên 20ha cây vụ đông.

Tại cánh đồng thôn An Liêm, không khí thu mùa trồng cây vụ đông diễn ra sôi nổi nhất xã, người trồng ngô, người gieo đậu tương, người thì gặt lúa. Chị Nguyễn Thị Đại vừa trồng ngô vừa cho chúng tôi biết: vừa thu hoạch xong vài sào lúa BC15 là chị tiến hành trồng ngay cây vụ đông. Do năng suất lúa đạt thấp hơn các vùng khác, chỉ 1,7 tạ/sào nên trong thời gian không đi làm thuê này chị cố gắng trồng vài sào vụ đông bù lại phần nào giá trị của cây lúa. Vụ đông năm nay chị tranh thủ trồng 3 sào, trong đó 1,5 sào ngô, còn lại là đậu tương.

Với chị, trồng ngô vừa được xã hỗ trợ, chị tiến hành làm bầu ở nhà hoặc ở trên bờ ruộng tới khi gặt xong chỉ việc dùng gót chân tạo hố rồi đặt bầu, vun đất, sau đó mới làm luống nên rất nhanh và đơn giản, bán lại được giá. Nhưng do không có người, nhà chỉ có mình chị nên chỉ có thể trồng được vậy. Mặc dù so với cây đậu tương chị biết cây ngô cho thu nhập cao hơn nhiều lần nhưng cây đỗ tương là cây dễ trồng, giúp cải tạo đất, không mất nhiều công chăm sóc nên chị đã duy trì trồng trên 1 sào từ vài năm nay. Xác định trồng cây vụ đông cho thu nhập cao hơn cấy lúa, mỗi năm chị thu được 3-4 triệu từ cây vụ đông nên trong năm tới chị Đại sẽ mở rộng diện tích trồng những cây có giá trị cao như bí, các loại rau sớm.

Ở ngay thửa ruộng liền kề, bà Nguyễn Thị Thủy đã gần 60 tuổi đang cặm cụi gieo đậu tương, bà cho biết: đây không phải vùng trồng đậu tương tập trung nên ruộng không đủ độ ẩm để rắc mà phải đặt hạt vào gốc rạ. Có như vậy mới bảo đảm cho cây phát triển tốt. Tuy hiệu quả, năng suất không cao bằng một số địa phương lân cận nhưng nếu lúa chín kịp thời vụ, giá giống đậu tương rẻ, dễ trồng, chi phí thấp thì bà cũng cố gắng trồng 1 sào đậu tương để có việc cho đỡ buồn ở tuổi già.

Để khuyến khích người dân tiếp tục duy trì trông cây vụ đông, trong thời gian tới xã Thăng Long tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nông dân thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra, nhất là đối với cây ưa lạnh. Đồng thời xã  cũng mong cấp trên cần có cơ chế hỗ trợ giống khoai tây tự có cho dân và giống đậu tương dân đã mua để tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân.  

                                   Bài, ảnh: Thu Thủy

    


     

  • Từ khóa