Thứ 7, 16/11/2024, 06:51[GMT+7]

Trang trại chăn nuôi ở Đông Hưng Thiệt hại kép, thua lỗ nặng

Thứ 3, 06/11/2012 | 16:02:59
1,315 lượt xem
Tuy mỗi hộ chăn nuôi có quy mô khác nhau nhưng thời gian này họ lại cùng chung sự băn khoăn lo lắng bởi giá các mặt hàng nông sản giảm mạnh khiến nhiều hộ bị thua lỗ. Tới nay họ lại bị thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 8 làm cho nhiều hộ ở Đông Hưng rơi vào tình trạng khốn đốn, trắng tay. Thiệt hại là vậy song họ vẫn tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi trước muôn vàn khó khăn.

Một góc chuồng nuôi bị sụp đổ ở trang trại anh Vũ Đăng Định xã Đông Xuân

Ông Lã Quý Thắng - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Đông Hưng cho biết: hiện nay số trang trại, gia trại trong huyện ngày càng tăng về số lượng và quy mô đáp ứng yêu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Toàn huyện có 198 trang trại, tăng 164 trang trại, có 3.850 gia trại, tăng 2.030 gia trại so với năm 2004. Đã xuất hiện nhiều trang trại quy mô lớn, xuất chuồng trên 10.000 con gia cầm/năm, hàng nghìn đầu lợn/năm như trang trại Phúc Gia Trang (xã Trọng Quan), Vũ Năng Thành (xã Đông Xuân) và Công ty Đông Á (xã Đông Á). Tới thời điểm này, những hộ chăn nuôi đã thiệt hại kép, thua lỗ nặng do trong cùng một lúc vừa phải chống chọi với hạ giá vừa phải chịu thiệt hại về cơ sở vật chất chuồng trại và các con vật nuôi chết do bão số 8 gây ra. Có khoảng 20 trang trại chăn nuôi lớn bị thiệt hại, trong đó chủ yếu là các trang trại nuôi gà công nghiệp. Bởi thế hiện nay các hộ đang rơi vào trạng thái “ăn không ngon, ngủ không yên” khi bao nhiêu công sức, của cải nhà mình đã bị đổ xuống sông, xuống biển.

 

Dẫn chúng tôi về xã Đông Xuân - địa phương có trang trại nuôi gà công nghiệp quy mô lớn nhất huyện, anh Vũ Năng Thành chủ trang trại cho biết: mọi năm anh nuôi thường xuyên 2 vạn gà, 2.000 vịt, xuất 1.700 quả trứng/ngày, 40-50 con lợn và 1 ao cá, trung bình mỗi năm thu lãi trên 800 triệu đồng. Tuy nhiên từ đầu năm tới nay anh đã bị thua lỗ 700 triệu đồng do giá gà từ 53.000đồng/kg giảm còn 25.000đồng/kg. Chưa hết khổ sở vì giá gà xuống thấp thì cơn bão số 8 lại cướp đi  của anh 1.000m2 lán trại, san phẳng trên 100m2 chuồng lợn, trên 1.000 con gà đẻ, gần 400 con vịt bị chết, trên 100m2 tường bao bị sụp đổ hoàn toàn và ngập tràn ao cá diện tích trên 10.000m2 với khoảng trên 10 tấn cá, ước tính ban đầu anh thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. Từ ngày làm trang trại tới nay chưa bao giờ anh Thành nghĩ thiên tai lại ập đến khủng khiếp vậy.

 

Đêm 28/10, ngay sau khi bão ngớt, mở cửa nhà ra hiện hữu trước mặt chỉ thấy nước như một biển lớn mênh mông, nhìn từ ngoài đồng cũng như trong ao đều là nước. Nhà có 5 dãy chuồng nuôi đầu tư theo quy mô hiện đại khép kín thì chuồng nào cũng bị gió bão quật mất mái. Đàn vịt gần 1.000 con bị gió cuốn bay tan tác đi khắp nơi chỉ còn lại mấy trăm con, ao cá hiện cũng không biết còn lại bao nhiêu, gà chết ngổn ngang. Chỉ có may mắn một chút là trước bão vài ngày anh đã bán được 50 con lợn với giá 40.000đồng/kg và đó là khởi đầu của đợt tăng giá nên anh đã có lãi. Nếu làm lại hệ thống chuồng trại, anh dự tính sẽ mất khoảng 300 triệu đồng. Như vậy chỉ trong gần 1 năm, trang trại của anh đã bị thua lỗ hơn 1 tỷ đồng do rớt giá và mưa bão, trong khi anh vẫn đang phải vay ngân hàng tới 800 triệu đồng. Hiện nay anh đang tập trung xây sửa lại hệ thống chuồng trại để sau 10 ngày nữa sẽ đưa các con vật nuôi vào lại từ đầu để kịp phục vụ sản phẩm cho dịp tết.

 

Tại vùng chuyển đổi của xã còn có trang trại của anh Vũ Năng Định, cũng là hộ mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi. Đã hơn 2 năm nay, anh Định vay ngân hàng, anh em dòng họ 200 triệu đồng để đầu tư nuôi lợn, gà, cá, vịt trên diện tích hơn 5.000m2. Lúc đầu do ít vốn nên anh tập trung vào nuôi thường xuyên 40 đầu lợn, sau 1 năm có lãi tiếp tục đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi thêm gia cầm và đào ao thả cá. Tính tới thời điểm này anh mới chỉ thu được 1 lứa cá, vài chục đầu lợn, 2 lứa gà với khoảng 4.000 con nhưng do giá gà thấp nên lứa đầu hòa vốn, lứa 2 lỗ vốn, tới nay chưa kịp vào lứa 3 thì tất cả hệ thống chuồng trại trên 400m2 đã sụp đổ hoàn toàn, 3 con lợn bị ngập nước chết, hệ thống tường bao cũng bị đổ. Thời gian qua giá gia cầm giảm nên anh chỉ hy vọng vào hơn 2 tấn cá để lấy lại vốn, cách đây gần tháng có người tới trả 50 triệu đồng anh không bán đến nay bị mưa bão cuốn đi. Như vậy sau hơn 2 năm làm trang trại anh Định vẫn chưa có lãi, hiện tại còn phải lo trả lãi ngân hàng và tiếp tục vay khoảng 200 triệu đồng nữa vào việc xây dựng lại hệ thống chuồng trại. Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng với những người chăn nuôi như các anh không còn cách nào khác ngoài việc phải biết chấp nhận.

 

Hiện tại ở xã Đông Xuân còn có khoảng 30 gia trại cũng bị ảnh hưởng từ cơn bão này. Nhà nào cũng bị tốc mái chuồng nuôi, có gia súc, gia cầm chết, nhà ít cũng bị thiệt hại vài trăm con, nhiều 700 - 1.000 con vịt, có những gia trại bị chết 300 - 400 con gà. Hiện nay tất cả các hộ chăn nuôi ở Đông Hưng đều đang nỗ lực xây dựng lại hệ thống chuồng nuôi để kịp tái đàn trong dịp cuối năm.Tuy nhiên các hộ đều mong muốn nhà nước cần quan tâm hơn tới những hộ chăn nuôi, nên có cơ chế hỗ trợ khắc phục hậu quả sau bão, nhất là chăn nuôi trang trại lớn. Tạo điều kiện cho các hộ được vay thêm vốn để đầu tư xây dựng lại chuồng trại đồng thời giãn nợ cho các hộ để họ giảm bớt áp lực trả nợ ngân hàng trong những lúc khó khăn như hiện nay.

Bài, ảnh: Thu Thủy

  • Từ khóa