Xuân no ấm, đủ đầy
Về xã Minh Tân những ngày này, nhìn những cánh đồng hoa đào đang đua nhau khoe sắc, hòa mình vào không khí làm việc nhộn nhịp, khẩn trương của những người nông dân, chúng tôi không chỉ cảm nhận được tết Nguyên đán đã đến rất gần mà còn là một mùa đào thắng lợi, hứa hẹn đem lại nguồn thu nhập cao cho các chủ vườn.
Anh Trần Văn Được, thôn Đình Phùng cho biết: Gia đình trồng 2 mẫu đào với gần 1.000 cây, trong số 600 cây đào thế 4 - 8 năm thì có khoảng 100 cây đào thế 7 - 8 năm đã có khách thuê với giá 10 - 15 triệu đồng/cây. Đây trước là đất trồng lúa kém hiệu quả, tôi mạnh dạn chuyển đổi sang trồng đào. Nếu cấy lúa 1 sào chỉ thu được vài trăm nghìn đồng thì trồng đào thu được khoảng 30 triệu đồng, còn nếu cây đào to, lâu năm, dáng đẹp có thể thu được 100 triệu đồng/sào. Cây đào dù trồng, chăm sóc cả năm chỉ bán một lần vào cuối năm để mọi người chơi tết nhưng hiệu quả thì gấp mấy chục lần so với cấy lúa. Chính vì thế, diện tích trồng đào ở Minh Tân được mở rộng từ vài héc-ta lên 66,83ha. Từ những cánh đồng chuyển đổi này, hàng vạn gốc đào hoa đua nở trong tiết trời se lạnh chuẩn bị xuống phố mang hơi thở mùa xuân về với mọi người, mọi nhà.
Trên hành trình gọi tên những cánh đồng “trăm triệu”, chúng tôi lạc vào một thế giới rạng rỡ, ngập tràn các loại hoa mang thương hiệu “hoa Hồng Việt”. Hiện “hoa Hồng Việt” đã trở thành thương hiệu khá phổ biến của người dân Đông Hưng. Từ chỗ chỉ là sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, đến nay xã Hồng Việt đã chuyển đổi thành công gần 200ha vườn tạp và diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh, ươm cây giống các loại với sự tham gia của gần 2.000 hộ dân, chiếm 70% tổng số hộ của toàn xã. Nếu trước đây, người trồng hoa ở Hồng Việt chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết thì vài năm nay họ đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: thắp điện, che lưới, làm nhà khung, lắp hệ thống tưới nước tự động... để chăm sóc hoa, cho hoa nở đúng thời điểm bán sẽ được giá hơn. Tết năm nay, Hồng Việt sẽ cung cấp ra thị trường hàng chục vạn gốc hoa, cây cảnh, trong đó chủ yếu là quất, đào, hoa hồng, hoa đồng tiền, cúc mâm xôi. Cũng vẫn là những người nông dân đó, cũng mảnh đất xưa họ cấy cày nhưng ngày nay giá trị thu nhập đã tăng gấp 5 - 10 lần.
Chị Nguyễn Thị Luyến, thôn Quán Thôn cho biết: Với 1,2 mẫu ruộng chuyển đổi, tôi trồng khoảng 3.000 gốc hồng cổ Sa Pa, hồng nhung cổ, 1.000 cây quất mi ni và hàng nghìn cây giống các loại phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Để hoa hồng chơi được lâu hơn, bông to, thơm, tôi thường trồng hồng ghép và chăm sóc rất tỉ mỉ. Bình quân mỗi năm gia đình tôi thu từ trồng hoa, cây cảnh từ 200 - 250 triệu đồng.
Đến xã An Châu, chúng tôi bị hút vào màu xanh mơn mởn của những ruộng rau hữu cơ trên khắp các cánh đồng. Có thể nhận thấy rõ niềm hân hoan trên từng gương mặt bà con nông dân đang thu hoạch rau, củ, quả để đưa ra thị trường cung cấp cho người tiêu dùng. Không phải hoa hay cây cảnh mà chính rau vụ đông đã mang no ấm cho nông dân nơi đây. Đó chính là lý do nông dân An Châu “say” trồng cây vụ đông, đặc biệt có những hộ chỉ có một lao động, tuổi cao vẫn tích cực trồng vài sào đến hơn 1 mẫu.
Ông Nguyễn Đình Uẩn, thôn Kim Châu 2 cho biết: Năm nay, tôi chỉ có một mình, song do sản xuất vụ đông thời gian ngắn, hiệu quả gấp 3 - 5 lần cấy lúa nên tôi vẫn mượn thêm ruộng để trồng và tăng 2 sào so với vụ năm ngoái. Với tổng diện tích 1,4 mẫu tôi trồng bí, ớt, bắp cải, súp lơ, su hào... Năm nay, rau màu được mùa, được giá nên thu nhập của gia đình cũng tăng lên. Vậy là tết vẫn đủ đầy.
Cây vụ đông trên đồng đất An Châu (Đông Hưng).
Tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, phát triển những cây đặc sản, mở rộng diện tích trồng cây vụ đông, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất... là những giải pháp quan trọng huyện Đông Hưng đã triển khai để thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững.
Đồng chí Lã Quý Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi hàng nghìn héc-ta đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; có gần 500 tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất quy mô từ 1ha trở lên với tổng diện tích gần 900ha để sản xuất lúa hàng hóa, trồng rau màu có liên kết với doanh nghiệp. Đặc biệt, từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ ruộng đất trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung, vùng sản xuất sản phẩm đặc thù của địa phương như: vùng trồng hoa, cây cảnh, ươm cây giống ở các xã Hồng Việt, Minh Tân, Phú Lương; trồng hồng xiêm ở Lô Giang; trồng mít dai vàng ở Hà Giang; trồng chuối ven sông của các xã Minh Phú, Hồng Bạch; trồng cây vụ đông ở các xã An Châu, Đông Xá, Mê Linh... Trong đó, cây phát lộc ở xã Minh Tân đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp huyện.
Mùa xuân mới đã về. Tín hiệu vui từ những cánh đồng chuyển đổi, tích tụ mở ra hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững cho địa phương. Ở đó, những người nông dân sẽ làm chủ khoa học, kỹ thuật, trở thành những triệu phú, tỷ phú.
Ông Nguyễn Hữu Hậu, Chủ tịch UBND xã Minh Tân (Đông Hưng) Người dân thôn Đình Phùng, xã Minh Tân đưa cây đào về trồng từ những năm 1998 - 1999. Sau thấy trồng đào thu nhập cao, cấy lúa năng suất thấp, xã đã tạo điều kiện cho các hộ chuyển sang trồng đào. Đến nay toàn xã có 416 hộ tham gia trồng đào ở cả 5 thôn, riêng thôn Đình Phùng 100% số hộ tham gia trồng đào. Thu nhập 1ha đào khoảng 500 triệu đồng/năm. Cây đào cùng với sản phẩm phát lộc của xã Minh Tân được nhiều khách hàng trong cả nước ưa thích chọn mua để chơi những ngày tết. Do vậy, hàng chục năm nay cây đào đã trở thành cây làm giàu của người dân Minh Tân.Chị Lương Thị Miến, thôn Đông, xã Hồng Việt (Đông Hưng) Gia đình tôi chuyển đổi ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng đào, quất gần 20 năm nay. Để đạt hiệu quả cao, ngoài trồng đào thế, quất mi ni, mấy năm gần đây tôi còn đầu tư trồng đào rừng, quất thế. Năm nay gia đình tôi trồng hàng trăm cây đào, quất. Quất và đào đã được khách hàng đặt mua gần hết. Dù dịch bệnh nhưng nhu cầu trang trí nhà cửa đón tết của người dân vẫn cao, do vậy đào, quất vẫn được giá. Vụ này nếu bán hết gia đình có thể thu được trên 200 triệu đồng. |
Thu Hiền
Tin cùng chuyên mục
- Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tổ chức hội chợ nông nghiệp quốc tế đồng bằng Bắc bộ năm 2024 12.11.2024 | 17:31 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc thăm Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng 02.12.2023 | 19:09 PM
- UBND tỉnh: Nghe báo cáo triển khai dự án đường dây 500kV qua địa phận tỉnh Thái Bình 16.11.2023 | 17:24 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Hơn 260 doanh nghiệp huyện Hưng Hà tham gia khảo sát Bộ chỉ số DDCI 15.08.2023 | 16:03 PM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai