Thứ 7, 16/11/2024, 06:50[GMT+7]

Làm giàu từ nghề truyền thống

Thứ 6, 09/11/2012 | 09:26:49
2,724 lượt xem
Những năm trước đây, xã Mê Linh (Ðông Hưng) từng nổi tiếng với nhiều nghề truyền thống như làm bẫy chuột, dũa cưa, lưỡi câu, mi mắt giả. Ngày nay công nghiệp phát triển, các công ty, xí nghiệp thu hút nhiều lao động tham gia với thu nhập cao hơn khiến một số nghề truyền thống đã bị mai một, đặc biệt là lực lượng lao động tham gia làm nghề ngày càng giảm.

Mặt hàng bẫy chuột ở cơ sở sản xuất Nguyễn Văn Ðoan

Tuy nhiên, vẫn còn một số người gắn bó với nghề là chủ cơ sở sản xuất tạo thu nhập ổn định cho người dân trong lúc nông nhàn. Nổi bật nhất là cơ sở của anh Nguyễn Văn Ðoan chuyên sản xuất dũa cưa, bẫy chuột mà vừa qua sản phẩm này đã vinh dự được huyện Ðông Hưng chọn là một trong 5 sản phẩm làng nghề tiêu biểu năm 2012.

 

Anh Nguyễn Văn Ðoan cho chúng tôi biết: nghề làm dũa cưa, bẫy chuột đã có từ rất lâu, từ chỗ còn làm thủ công đến nay đã có máy móc thay thế một số công đoạn. Ngày còn bé, anh đã chứng kiến nhiều nhà trong xã làm nghề và đã mơ tới một ngày lớn lên mình có thể làm giàu từ nghề này. Vì thế cách đây hơn 20 năm, anh đã đi buôn bán sản phẩm dũa cưa, bẫy chuột ở khắp các nơi. Tới khi có vốn anh nghĩ ngay tới việc đầu tư mở cơ sở sản xuất, chuyên cung cấp nguyên liệu, máy móc và bao tiêu sản phẩm cho bà con trong xã. Nhận biết rõ nguồn nhân lực trong xã dồi dào nên anh đã tận dụng lúc nhàn rỗi của bà con để phát triển nghề rộng rãi.

 

Những năm gần đây, nguồn lao động trẻ, khỏe chủ yếu đi làm ăn xa nên số lao động làm nghề ngày càng giảm. Nếu như trước đây hầu hết người dân trong xã tham gia làm thủ công thì tới nay chỉ còn vài trăm hộ, trong đó còn 3 cơ sở sản xuất lớn duy trì phát triển nghề truyền thống. Tuy nhiên theo anh Ðoan, nguồn lao động giảm không ảnh hưởng nhiều tới sản lượng sản phẩm bởi anh đã đầu tư một số loại máy lắp đặt tại nhà dân nhằm đẩy năng suất lao động lên cao hơn. Lợi thế hơn ở nghề này là không phải cạnh tranh với bất cứ địa phương nào, cả miền Bắc chỉ có 2 nơi làm nghề này nên hàng ra đến đâu anh xuất hết ngay đến đó. Các nơi như Nghệ An, Thanh Hóa, Hưng Yên, Hải Dương đã quen dùng sản phẩm của anh và lấy hàng nhiều nhất trong khoảng từ tháng 8 đến tháng 2. Hơn nữa đây là sản phẩm không yêu cầu kỹ thuật tay nghề cao nên bất cứ ai đều có thể làm được. Bởi thế những hộ còn duy trì làm nghề này hiện nay đều có mức thu nhập ổn định. Ðặc biệt, mặt hàng này lại không bị mất giá như nhiều sản phẩm khác.

 

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, đã 7 năm nay anh mạnh dạn đầu tư 400 triệu đồng mua máy, cấp vốn, cung cấp nguyên liệu, tạo việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động trong xã với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay mỗi tháng anh xoay vòng trên 100 triệu đồng tiền vốn nhập 2 tấn sắt, 2 tấn cáp... Trung bình mỗi ngày, cơ sở làm ra 4.000 bẫy chuột và 1.500 dũa cưa với giá bán 3.000 đồng/bẫy chuột và 2.000-2.500 đồng/dũa cưa. Theo anh, mặt hàng bẫy chuột còn duy trì được lâu dài, nhưng mặt hàng dũa cưa sẽ ngày càng giảm. Hiện nay số lượng sản xuất dũa cưa đã giảm gần 8.000 sản phẩm/ngày so với trước đây. Tuy nhiên, với lượng hàng xuất đều đặn, giá bán ổn định như nhiều năm nay, anh Ðoan đã có mức thu lãi tương đối cao với khoảng trên 300 triệu đồng/năm. Từ việc mạnh dạn phát triển nghề truyền thống đã giúp anh trở thành hộ giàu của thôn. Cũng từ đó mà anh đã có thêm vốn để mở rộng phát triển thêm nghề buôn bán vật liệu xây dựng với quy mô lớn nhất xã.

 

Không chỉ làm giàu cho gia đình, cho các lao động vệ tinh mà anh còn tạo điều kiện cho một số chủ cơ sở sản xuất nhỏ trong thôn bằng cách cung cấp nguyên liệu để họ vừa có thể xuất hàng cho anh lại vừa bán ra ngoài thị trường. Với cách làm đó nhiều hộ đã có mức lãi tới 10 triệu đồng/tháng như hộ anh Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Thụ và Nguyễn Văn Hội.

Bài, ảnh: Thu Thủy

  • Từ khóa