Điệp Nông Vững chí sản xuất vụ đông
Đã thành truyền thống, vụ đông năm nào Điệp Nông cũng gieo trồng trên 500 ha, chiếm trên 95% tổng diện tích canh tác, trong đó cây đậu tương trên đất hai lúa là 350 ha, rau màu trong vườn 35 ha, ngô ngoài bãi gần 130 ha. Ông Trần Minh Chiêu, Chủ nhiệm HTXDVNN xã cho biết: Các vụ trong năm, các hộ dân đều gắn kết rất hài hòa, dù trong khó khăn nào thì cây vụ đông vẫn gieo trồng trong khung thời vụ. Đã thành nếp, nơi đây không phải tuyên truyền, đôn đốc nhiều, cứ đến vụ đông là nhà nhà tự giác triển khai sản xuất, HTX chỉ chuyên tâm vào hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, phòng trừ sâu bệnh, cung ứng giống, tổ chức nạo vét mương máng tưới, tiêu. Thực tế cho thấy, vụ đông năm 2011 nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, như lúa mùa thu hoạch muộn hơn so với nhiều năm từ 15 - 20 ngày, đầu vụ đông mưa lớn kéo dài rất khó cho gieo trồng đậu tương.
Nhưng, những khó khăn này không cản được bước chân người nông dân, tiến độ gieo trồng, cũng như việc mở rộng diện tích vẫn bảo đảm theo kế hoạch. Toàn xã đạt 500,5 ha, trong đó đậu tương 310 ha, ngô 140 ha, rau màu 35 ha… Phát huy truyền thống đó, vụ đông năm 2012 Điệp Nông bố trí 2 trà, trà sớm gồm đậu tương, bí đao, rau màu, khoai lang, ngô, ớt…; trà muộn trồng khoai tây và rau màu các loại. Đối với cây đậu tương, ngay sau thu hoạch lúa mùa, đến trung tuần tháng 10 toàn bộ diện tích đất hai lúa đã được phủ kín bằng phương pháp gieo gốc rạ; các loại ngô, rau màu, bí được làm bầu từ trung tuần tháng 9, đến đầu tháng 10 đã cơ bản đưa ra ruộng. Trước khi bão số 8 đổ bộ, toàn xã đã gieo trồng được 447 ha cây vụ đông ưa ấm, trong đó 126 ha ngô đã trỗ cờ phun râu, 35 ha rau màu đang cho thu hoạch, gần 300 ha đậu tương được 3-4 lá.
Trong các loại cây trồng thì đậu tương vẫn là cây chủ lực chiếm diện tích lớn, bởi gieo đậu tương có nhiều ưu điểm, như dễ gieo, không phải làm đất, tốn ít công lao động, chủ động được giống, kỹ thuật đơn giản… Đặc biệt, đậu tương còn giúp cải tạo đất và sau thu hoạch để lại lượng phân tự nhiên khá lớn bao gồm toàn bộ lá, rễ, đến vụ lúa xuân người dân tiết kiệm được 2-3 kg lân, đạm/ sào. Cũng chính vì những ưu điểm này nên dù khó khăn thế nào cây đậu tương không thể thiếu được trên đất hai lúa ở vụ đông. Song, vụ đông năm nay người dân lại thêm cực nhọc, toàn bộ diện tích đậu tương đã gieo trồng bị ngập chìm trong nước, rạ phủ kín mặt nước nếu không vớt kịp sẽ làm gẫy, đè nát cây non.
Chị Trần Thị Gấm, thôn Việt Yên I cho biết: Nhà tôi gieo trồng được 4 sào đậu tương, hiện đã được 3 - 4 lá, nhưng bão số 8 đã làm ngập hết, rạ nổi hết mặt ruộng nếu không vớt nhanh thì sau khi rút nước sẽ làm dập nát. Năm nào tôi cũng trồng 4 sào đậu tương vì chi phí rất thấp, không tốn nhiều công, lại hiệu quả kinh tế khá cao. Vụ này, nếu nước rút kịp thời, cây vẫn sẽ tiếp tục phát triển sinh trưởng. Ông Trần Minh Chiêu cho biết thêm, toàn bộ diện tích đậu tương bị thiệt hại khoảng 10-15%, hiện bộ rễ vẫn giữ được các đốt sần, nếu sau 3 ngày tiêu nước xong cây sẽ ra rễ mới.
Kinh nghiệm nhiều năm nay ở đây cho thấy, dù mưa to ngập úng thì toàn bộ diện tích đậu tương vẫn cơ bản phục hồi được, bởi hệ thống tưới tiêu được đầu tư khá tốt. Khi triển khai sản xuất vụ đông, HTXDVNN đều chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai làm thủy lợi đến từng thôn xóm, do đó ít khi bị ngập úng kéo dài xảy ra. Vụ đông năm 2012, toàn xã đã làm thủy lợi 56.000 m mương máng; trong đó giao chỉ tiêu cho từng thôn, như thôn Ngũ Đông nạo vét 4.200 m, thôn Ngũ Đoài nạo vét 4.000m, thôn Việt Yên I nạo vét 1.500m… Ngoài ra, Điệp Nông còn huy động cả hệ thống chính trị tham gia lao động xã hội chủ nghĩa, làm thủy lợi mặt ruộng vào đầu tháng 10, đồng thời phát động nhân dân cắt cỏ đầu bờ ruộng. Chính vì vậy, những diện tích bị ngập úng đã được tiêu nước nhanh chóng, người dân bớt lo lắng mỗi khi bão, lũ, mưa lớn xảy ra.
Hiện nay, toàn bộ diện tích vụ đông trên đất hai lúa ở Điệp Nông đã cơ bản thoát xong nước, những mầm xanh của sự sống đang bắt đầu vươn lên, báo hiệu một ngày mới tốt đẹp hơn. Để cây vụ đông tiếp tục sinh trưởng, phát triển tốt, trong những ngày này người dân đang tích cực chăm bón các chất hỗ trợ sinh trưởng, phun phòng bệnh nấm trên đậu tương, mốc sương cho các loại dưa bí…
Bài: Nguyên Bình
Ảnh: Thành Tâm
Tin cùng chuyên mục
- Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tổ chức hội chợ nông nghiệp quốc tế đồng bằng Bắc bộ năm 2024 12.11.2024 | 17:31 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc thăm Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng 02.12.2023 | 19:09 PM
- UBND tỉnh: Nghe báo cáo triển khai dự án đường dây 500kV qua địa phận tỉnh Thái Bình 16.11.2023 | 17:24 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Hơn 260 doanh nghiệp huyện Hưng Hà tham gia khảo sát Bộ chỉ số DDCI 15.08.2023 | 16:03 PM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai