Thứ 7, 16/11/2024, 06:28[GMT+7]

Nông dân An Châu Trồng mới cây vụ đông sau bão

Thứ 3, 13/11/2012 | 15:49:17
1,477 lượt xem
Với sự cố gắng của chính quyền địa phương và sự hăng hái trồng cây vụ đông của bà con trong xã, An Châu (Đông Hưng) quyết tâm gieo trồng trên 40ha để bù lại diện tích bị thiệt hại do cơn bão số 8 gây ra.

Những năm trước đây, vào thời điểm này người dân An Châu ai nấy đều vui mừng phấn khởi vì họ sắp có vụ thu hoạch lớn từ cây vụ đông. Nhưng vào thời điểm này trên các cánh đồng là những hình ảnh cây dưa, bí, rau màu tàn úa, thối ủng bị mưa gió làm dập nát. Những thiệt hại đó là hậu quả của cơn bão số 8 vừa ập đến cách đây ít ngày, khiến nhiều hộ rơi vào tình cảnh mất trắng, thua lỗ cả vốn lẫn lãi. Không chịu lùi bước, tới nay nhiều hộ trong xã bắt đầu gieo trồng thêm nhiều loại cây rau màu để bù lại những diện tích đã mất.

 

Ông Bùi Trung Thông - Chủ nhiệm HTXDVNN cho biết: Vụ đông năm 2012, xã đặt ra kế hoạch gieo trồng 160ha. Tuy nhiên do có nhiều khó khăn nên tới cuối tháng 10 toàn xã mới chỉ gieo trồng được 130ha. Diện tích vốn đã không đạt kế hoạch đặt ra tới nay lại càng khó khăn hơn. Trước khi cơn bão số 8 đổ bộ vào, người dân An Châu đã gieo trồng được 15ha khoai tây, 14ha ngô, 10ha khoai lang, 31ha bí, 14ha dưa và 46 ha rau màu các loại. Tất cả những loại cây trên đều đang trên đà phát triển xanh tốt, dự tính thu nhập từ 4-5 triệu đồng/sào súp lơ, su hào, 3-4 triệu đồng/sào dưa và gần 3 triệu đồng/sào bí đao... Tuy nhiên chỉ sau một đêm mưa bão, diện tích ngô khôi phục chỉ còn lại được 50%, 55% khoai tây bị ngập chết, 100% cây dưa và bí bị thiệt hại do ngập nước và dập nát hoàn toàn, 60% rau màu bị hỏng và chỉ còn khoảng 40% có khả năng khôi phục. Mặc dù trước khi bão về HTXDVNN cùng các ban, ngành, đoàn thể đã huy động hàng chục người có mặt tại đồng để khơi thông dòng chảy tránh tình trạng ngập úng nhưng do mưa nhiều và gió to nên cũng không đem lại hiệu quả là bao. Ngay sau bão, cán bộ HTX đã trực tiếp đi kiểm tra đồng ruộng vận động bà con giải tỏa dòng chảy, nhất là những nơi trồng dưa, bí nhiều như thôn An Nạp đã bị ngập chìm trong nước. Nhưng do đồng đất của xã dựa hoàn toàn vào tự tiêu không huy động được máy nên vùng thoát nước nhanh cũng mất 1 ngày, còn lại hầu hết tới ngày thứ 3 mới rút nước hoàn toàn.

 

Hậu quả toàn xã dự tính thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng từ thu nhập cây vụ đông. Có khoảng 25 hộ trồng 1 mẫu trở lên thiệt hại từ 30-40 triệu đồng/hộ. Xác định những mất mát đó không thể cứu vãn được nên HTX coi việc khôi phục, trồng mới cây vụ đông là nhiệm vụ hàng đầu. Tuyên truyền bà con chăm sóc những diện tích rau màu có thể phục hồi được, điển hình là cây ngô có thể đi dựng lại, chăm bón cây rau màu làm tăng khả năng phục hồi cho cây. Cùng với cơ chế hỗ trợ của cấp trên, phát động bà con trồng thêm cây vụ đông ưa lạnh, nhất là cây khoai tây, su hào, bắp cải, súp lơ, xà lách. Kết quả tới nay nhiều hộ đã mua giống rau màu ưa lạnh về trồng thay thế những chỗ rau màu đã bị hỏng, nhiều hộ trồng bí ngô để có thu nhập sớm. Dự tính toàn xã sẽ trồng thêm được 10ha khoai tây để bù lại những diện tích khoai tây chết do ngập nước. Ngoài ra, huyện đã có cơ chế hỗ trợ 14kg hạt giống cải xanh đến nay bà con đã trồng được 8ha. Tới ngày 08/11 đã có trên 300 hộ đăng ký trồng thêm cây rau màu ưa lạnh như su hào, bắp cải, súp lơ với diện tích 25ha do huyện hỗ trợ giống. Đa số các hộ trồng từ 3-4 sào, nhiều hộ trồng 8 sào đến 1 mẫu, điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Đồi trồng thêm 6 sào su hào, 1 sào bắp cải và 2 sào súp lơ; ông Nguyễn Văn Thịnh trồng 8 sào su hào, 1 sào bắp cải, 1 sào súp lơ...

 

Trong 3 thôn của An Châu thì An Nạp bị thiệt hại nhiều nhất do mất trắng toàn bộ 50ha dưa, bí. Tới khi bão vào, dưa đã ra quả được 1,5kg, cây bí đã ra quả đầu. Tất cả chỉ đợi 12-15 ngày nữa là bước vào mùa thu hoạch nhưng chỉ sau 1 đêm mưa bão các hộ dân trong thôn đã gần như mất trắng. Lúc trước cả cánh đồng dưa, bí quả nằm san sát như lợn con nay đã không còn nhìn thấy. Mất mùa mất luôn cả vốn, trung bình đầu tư vào 1 mẫu dưa, bí cũng mất 4-5 triệu đồng. Nhưng do thu nhập của người dân nơi đây chủ yếu là nông nghiệp, nhất là cây vụ đông nên họ vẫn hăng hái gieo trồng tiếp để bù vào những diện tích đã mất.

 

Ông Trần Văn Linh cho biết: nhiều năm nay nhà ông duy trì trồng hàng mẫu cây vụ đông, chủ lực là dưa và bí. Năm nay ông trồng 2,5 mẫu dưa, bí xanh và rau màu các loại; ông đã bị thiệt hại hoàn toàn diện tích dưa, bí và gần nửa diện tích rau màu, số còn lại lá bị dập còi cọc khó có thu nhập. Nếu tính như mọi năm trừ chi phí ông thu về khoảng 50 triệu đồng, nhưng tới nay không còn nguồn thu đó ông lại huy động nhân lực trong nhà nhanh chóng trồng thêm 1 mẫu bí ngô ngay sau bão. Đến nay cây bí đã đưa ra ruộng được ít ngày và chỉ hơn chục ngày nữa sẽ bán lá cho thu nhập cao. Hay hộ ông Đào Văn Diêm đã trồng trước bão 1,3 mẫu dưa, bí xanh, su hào, khoai tây; nếu được mùa dự tính thu lãi trên 30 triệu đồng nhưng xác định số tiền đó không còn nên ông đã nhanh chóng thu dọn đồng ruộng, làm đất đầu tư giống trồng ngay 6 sào su hào, bắp cải. Hiện nay diện tích rau màu của nhà ông Diêm đang lên xanh tốt, chỉ hơn tháng nữa ông sẽ có thu nhập từ 3-4 triệu đồng/sào.

 

Với sự cố gắng của chính quyền địa phương và sự hăng hái trồng cây vụ đông của bà con trong xã, An Châu quyết tâm gieo trồng trên 40ha để bù lại diện tích bị thiệt hại do cơn bão số 8 gây ra. Tuy nhiên các hộ dân nơi đây mong các cấp đẩy nhanh cơ chế hỗ trợ cây vụ đông, nhất là về giống các cây rau màu ưa lạnh để vừa kịp thời vụ vừa đạt được hiệu quả cao nhất.

 Thu Thủy - Thành Tâm 

 

 

  • Từ khóa