Thứ 7, 16/11/2024, 20:52[GMT+7]

Cấp mã số vùng trồng nông sản

Thứ 4, 31/03/2021 | 08:37:03
10,672 lượt xem
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang trở thành xu hướng tất yếu, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản trong thị trường nội địa và được xem là “tấm vé” thông hành với những mặt hàng xuất khẩu. Trong đó, mã số vùng trồng là điều kiện cần thiết, bắt buộc cho việc truy xuất nguồn gốc. Là một tỉnh có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp tuy nhiên hiện nay tại Thái Bình vẫn chưa có tổ chức, cá nhân nào được cấp mã số cho vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.

Lĩnh vực trồng trọt chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Trong ảnh: Thu hoạch cà rốt tại xã Điệp Nông (Hưng Hà).

Mã số vùng trồng được hiểu là một chứng nhận mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất. Đối với từng thị trường khác nhau, các quy định liên quan đến cấp mã số vùng trồng có thể khác nhau nhưng mục tiêu chung của việc cấp, quản lý và giám sát vùng trồng đã được cấp mã số là để bảo đảm truy xuất được đến từng vườn trồng, cơ sở đóng gói về các loại sinh vật gây hại đã phát hiện trên vườn trồng, các biện pháp quản lý sinh vật gây hại được sử dụng, đặc biệt là ghi nhận các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế đồng thời xây dựng cho tỉnh nhà những vùng sản xuất lúa gạo, rau màu, cây ăn quả có thế mạnh, đủ sức cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại, đủ điều kiện xuất khẩu, việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói là việc làm cần thiết.

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp nói chung, lĩnh vực trồng trọt nói riêng có bước phát triển khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa; cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, bảo đảm an ninh lương thực, từng bước đổi mới mô hình sản xuất. Tổng diện tích đất nông nghiệp của tỉnh hiện có khoảng 93.000ha; trong đó, diện tích đất trồng lúa đạt trên 77.000ha/vụ, sản lượng lương thực quy thóc đạt trên 1 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng của người dân trong tỉnh khoảng 35 - 40%, dư thừa khoảng 600.000 tấn/năm. Tổng diện tích đất trồng rau màu khoảng 68.000ha/năm, sản lượng 910.000 tấn/năm; tiêu thụ ra tỉnh ngoài khoảng 70% và một bộ phận nhỏ dành cho chế biến và xuất khẩu. Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt trung bình đạt khoảng 160 triệu đồng, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Sản phẩm sản xuất ra còn phụ thuộc vào thị trường, chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng trong nước. Thời gian qua, một số doanh nghiệp trong tỉnh đã tham gia vào xuất khẩu lúa gạo nhưng đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có tổ chức, cá nhân nào được cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói cho vùng sản xuất lúa gạo, rau màu, cây gia vị, cây ăn quả nên chưa truy xuất được nguồn gốc và tạo ra thương hiệu hàng hóa của tỉnh.

70% rau của Thái Bình tiêu thụ ra tỉnh ngoài.

Ông Nguyễn Thanh Nghị, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và phát triển công nghệ An Đình cho biết: Là một trong những doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo, mỗi năm An Đình liên kết với các HTX nông nghiệp sản xuất, thu mua hàng nghìn héc-ta lúa tại Thái Bình. Năm 2021 là năm thứ hai liên tiếp An Đình trúng thầu gói thầu xuất khẩu gạo sang Nhật Bản. Hướng tới các thị trường khó tính, vì vậy trong quá trình tổ chức sản xuất với HTX và nông dân trong tỉnh, chúng tôi luôn chú trọng thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất lúa gạo an toàn, bảo đảm dinh dưỡng, sức khỏe cho con người, từ khâu gieo trồng (giống, làm đất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) đến khâu thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch đều phải theo công nghệ tiên tiến nhất. Việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Theo tôi, đây không chỉ là đòi hỏi của xuất khẩu mà người tiêu dùng nội địa hiện nay cũng cần nguồn gốc rõ ràng khi chọn mua nông sản. Tuy nhiên, tại Thái Bình, doanh nghiệp chúng tôi hiện nay chưa được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.

Cũng giống như Công ty TNHH Đầu tư và phát triển công nghệ An Đình, Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Khang Long mong muốn các địa phương liên kết sản xuất lúa gạo với Công ty sớm được cấp mã số vùng trồng để mở rộng thị trường cho sản phẩm gạo. 

Ông Phạm Ngọc Hưng, Giám đốc Công ty cho biết: Là một trong những doanh nghiệp thu mua lúa tươi nhiều nhất trên địa bàn tỉnh, mỗi năm Công ty thu mua cho nông dân khoảng 6.000 tấn lúa tươi phục vụ chế biến. Tuy thị trường của Công ty mới dừng lại tiêu thụ nội địa nhưng đã có nhiều đơn vị, đối tác yêu cầu mã số vùng trồng. Mong rằng trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp nhanh chóng triển khai việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo.

Là tỉnh có nhiều thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp nhưng Thái Bình chưa có doanh nghiệp, đơn vị nào được cấp mã số cho vùng trồng lúa, rau màu, cây ăn quả.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thời gian tới, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá tiềm năng sản xuất lúa gạo và một số đối tượng cây trồng có lợi thế, có doanh nghiệp thu mua, chế biến để cấp mã số vùng trồng đồng thời tuyên truyền mạnh mẽ đến các địa phương, cơ sở đóng gói, chế biến các điều kiện, quy trình, tiêu chuẩn sản xuất để cấp mã số vùng trồng; quy vùng sản xuất đủ điều kiện cấp mã số vùng trồng cho một số cây trồng. Tập huấn cho cán bộ kỹ thuật địa phương về các tiêu chí liên quan đến kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói để phục vụ cấp và quản lý mã số. Vận dụng cơ chế, chính sách liên kết tiêu thụ sản phẩm của tỉnh trong việc cấp mã số vùng trồng với các dự án liên kết phù hợp nhằm động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng ký xin cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.

Ngân Huyền