Thứ 7, 16/11/2024, 18:52[GMT+7]

UBND tỉnh nghe và cho ý kiến về các dự thảo: Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Đề án Nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021 - 2030

Thứ 4, 02/06/2021 | 14:13:17
3,297 lượt xem
Sáng ngày 2/6, đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo các dự thảo: Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025; đề án Nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021 - 2030 tỉnh Thái Bình.

Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Trên cơ sở đánh giá, tổng kết thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; ý kiến đóng góp của các sở, ngành, đơn vị, địa phương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành giai đoạn 2021 – 2025 trong đó đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 2,0%/năm, xây dựng được 8 – 10 sản phẩm trồng trọt chế biến và chế biến sâu mang thương hiệu của tỉnh. Cơ giới hóa 100% khâu làm đất, 80% khâu thu hoạch, 40% khâu gieo cấy, 60% sản lượng thóc được áp dụng công nghệ sấy, cấp 15 – 20 mã số vùng trồng cho sản xuất trồng trọt. Toàn tỉnh có khoảng 1.200 trang trại chăn nuôi trong đó tỷ lệ trang trại đạt quy mô vừa và lớn chiếm 40%. Diện tích nuôi trồng thủy sản theo hình thức thâm canh, thâm canh công nghệ mới khoảng 3.000ha; 1.000 lồng nuôi cá trên sông; sản xuất giống thủy sản cung cấp được khoảng 50% nhu cầu giống thủy sản. Để đạt được mục tiêu trên, kế hoạch chỉ rõ 3 nhiệm vụ trọng tâm: cơ cấu lại theo nhóm sản phẩm, cơ cấu lại theo từng lĩnh vực, cơ cấu lại theo vùng; 03 giải pháp đột phá: thực hiện quy hoạch, quy vùng sản xuất hàng hóa; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ.

Hiện nay, tổng diện tích đất làm muối của tỉnh còn 4ha tại xã Thụy Hải (Thái Thụy) với 53 diêm dân tham gia sản xuất muối. Trên quan điểm nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối gắn với việc bảo tồn, phát triển nghề sản xuất muối cổ truyền nhằm giải quyết vấn đề lao động, nâng cao đời sống cho diêm dân, đồng thời phát triển kinh tế ở địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021 – 2030. Mục tiêu là tổ chức lại sản xuất nghề muối, sản xuất gắn với du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm hòa cùng mạng lưới các điểm du lịch của tỉnh, tăng quy mô diện tích cho các hộ có nhu cầu sản xuất muối khoảng 2 – 3 ha/hộ; đến năm 2025, sản lượng muối đạt 5.000 tấn/năm; đến năm 2030 sản lượng muối đạt 7.000 tấn/năm với các sản phẩm muối đặc thù để phối hợp và đồng hành phát triển với du lịch tâm linh.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu đầy đủ ý kiến các đại biểu tại cuộc họp, hoàn chỉnh các dự thảo; trong đó báo cáo tổng kết thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cần có đánh giá các mục tiêu đã và chưa đạt, chỉ rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo từ đó triển khai thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025. Cân đối lại tốc độ tăng trưởng ngành đề ra trong kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Đối với nhiệm vụ cơ cấu lại ngành theo nhóm sản phẩm cần căn cứ vào lợi thế, điều kiện cụ thể của từng địa phương, nhu cầu thị trường xây dựng nhóm sản phẩm chủ lực, trong đó phải có nhóm chủ lực quốc gia; khuyến khích, thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP. Cơ cấu lại ngành theo lĩnh vực cần bám sát định hướng từng lĩnh vực theo các nghị quyết đã ban hành; các huyện, thành phố tiếp tục nghiên cứu, tham gia ý kiến về cơ cấu lại sản xuất theo vùng. 

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành Nông nghiệp bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách cho nông nghiệp, hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực. Đối với dự thảo đề án Nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021 – 2030 tỉnh Thái Bình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉnh sửa phần nguồn vốn thực hiện đề án, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, đơn vị; phối hợp với các sở, ngành rà soát lại quy hoạch đất diêm nghiệp trong khu kinh tế Thái Bình theo đúng quy hoạch phát triển nghề muối đã được phê duyệt tại Quyết định số 1325/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 – 2030.

Lưu Ngần