Chủ nhật, 17/11/2024, 07:36[GMT+7]

Thụy Hải Diêm dân thăng trầm vì muối

Thứ 5, 26/08/2010 | 14:20:55
2,241 lượt xem
Thụy Hải là xã duy nhất của Thái Bình đến nay còn giữ nghề làm muối. Nơi đây có Phủ thờ bà Chúa muối, điểm rất đặc biệt mà trong cả nước chưa nơi nào có, chứng tỏ nghề làm muối đã rất hưng thịnh nên bà con mới thờ bà tổ của nghề. Thế nhưng, những năm qua, trước biến động của giá cả thị trường, ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết khiến nghề làm muối của Thụy Hải đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn.

Muối là nguồn thu nhập chính của diêm dân Thụy Hải.

Thụy Hải là xã duy nhất của Thái Bình đến nay còn giữ nghề làm muối. Nơi đây có Phủ thờ bà Chúa muối, điểm rất đặc biệt mà trong cả nước chưa nơi nào có, chứng tỏ nghề làm muối đã rất hưng thịnh nên bà con mới thờ bà tổ của nghề. Thế nhưng, những năm qua, trước biến động của giá cả thị trường, ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết khiến nghề làm muối của Thụy Hải đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn.

Thăng trầm nghề muối

Thụy Hải không có đất làm ruộng, người dân quanh năm sống bằng nghề nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản và làm muối. Từ năm 2004 đến nay, hơn 60 ha làm muối của xã đã chuyển sang NTTS. Thời điểm này, diện tích làm muối của địa phương chỉ còn vẻn vẹn vài chục ha ở hai HTX Duyên Hải và Đại Đồng.

Trong đó, diện tích làm muối của HTX Duyên Hải là 132, 4 sào nhưng suốt thời gian từ năm 2002 đến 2007, giá muối xuống quá thấp, làm ra không bán được nên xã viên bỏ ruộng hoang đi làm việc khác. Đến năm 2008 khi giá muối tăng lên, Đảng uỷ, HĐND ra Nghị quyết khôi phục lại nghề muối, thành lập Ban chỉ đạo  phối hợp với HTX tổ chức họp những xã viên đã từng  làm muối trước đây, giao lại ruộng cho dân. Kết quả có 32 xã viên tham gia sản xuất trên diện tích 76, 5 sào.

Còn lại, diện tích làm muối của Thụy Hải tập trung chủ yếu ở HTX Đại Đồng. Chủ nhiệm HTX Bùi Đình Tháp cho biết: HTX có 39, 7 ha làm muối, 300 hộ gia đình với 620 lao động tham gia sản xuất. Nghề làm muối của diêm dân Thụy Hải những năm qua cơ cực lắm. Suốt từ năm 1999 đến năm 2005, muối làm ra quá rẻ mạt không bán được, có thời điểm xã viên trả cả trăm sào cho HTX.

Cùng may, đến năm 2008, giá muối tăng lên, có thời điểm bán 1.600đ đến 1.700đ/kg rồi lên đến 2.500đ/kg nên nhiều hộ lại chí thú với nghề. Ví như năm 2009, với 148 ngày nắng trong năm, tổng sản lượng muối HTX sản xuất đạt 3.189 tấn, cho giá trị thu nhập 2, 8 tỷ đồng. Khoảng 99% diêm dân đầu tư cải tiến chạt lọc thay cho phương thức xe cát ra ruộng như trước đây nên đã giảm bớt một phần sức lao động cho bà con.

Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, sang đến năm nay giá muối rớt ruống chỉ còn 500 đồng /kg, nhiều diêm dân chán nản lại có ý định bỏ nghề.  ở vùng biển Thái Thụy, độ mặn của nước biển thấp hơn những nơi khác, số ngày nắng cũng ít hơn nên năng suất muối không cao. Nếu tính sản lượng muối nơi này làm ra so nhu cầu của người dân trong tỉnh thì cung cấp không đủ, nhưng đó chỉ là lý thuyết vì thực tế muối ở khu vực phía Nam vẫn được các tư thương ồ ạt nhập  về nhiều, giá rẻ hơn nên muối của Thụy Hải khó tiêu thụ.

Sản phẩm làm ra diêm dân phải tự đem ra chợ bán, bán cho tư thương hoặc bán cho các hộ chế biến hải sản, nhưng lượng tiêu thụ chẳng đáng là bao, muối làm ra từ đầu năm đến nay còn tồn đọng khá nhiều. Năm ngoái, một người con của quê hương đứng lên thành lập doanh nghiệp mang tên Duy Đạt thu mua muối cho bà con để tiêu thụ và chế biến bột canh, nhưng kết quả cũng không đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm có thương hiệu.

Nỗi vất vả, cực nhọc của diêm dân

Những nghề khác, người ta đi làm khi trời râm mát nhưng với diêm dân lúc nắng to nhất là lúc ra ruộng làm muối. Thậm chí để tranh thủ thời tiết nắng, nhiều người phải mang theo cơm ăn trên đồng giữa cái nắng như thiêu, như đốt, bát cơm trộn lẫn cả mồ hôi, nước mắt. Mọi công đoạn từ khi lấy nước vào, phơi cát, lọc nước, phơi nước, đến khi thu muối thường phải kết thúc trong ngày nên nghề muối hầu như vắt kiệt sức lao động của diêm dân.

Bình quân mỗi sào muối đầu tư thiết bị chạt lọc phải mất từ 2 đến 3 triệu đồng. Nay muối xuống giá, nhiều diêm dân “ dở khóc, dở cười” không biết tính thế nào. Có mặt tại cánh đồng muối Tam Đồng lúc 13 h trưa một ngày oi bức của đầu tháng 5 âm lịch, chúng tôi mới thực sự thấy được nỗi cực nhọc của bà con. Cái nắng 390 C  như đổ lửa không ngăn nổi bước chân của hàng trăm diêm dân kéo nhau ra đồng, hết tát nước, phơi cát rồi kéo muối.

Chị Nguyễn Thị Thu vừa mải mốt kéo cát ra phơi vừa kể: “ Tôi làm muối từ năm 16 tuổi. Tính đến nay đã hơn 30 năm, nhưng chưa bao giờ thấy nghề này an nhàn cả; muối được mùa thì rớt giá, còn được giá thì lại mất mùa. Hai vợ chồng hiện nay đang làm 5 sào muối, lúc nào muối đắt thì tập trung vào làm, muối rẻ thì đi làm việc khác nhưng vẫn phải giữ ruộng vì nó là miếng cơm manh áo của cả nhà.

Năm ngoái giá muối tăng, dù vất vả nhưng mỗi tháng cũng có thu nhập 1, 5 triệu đồng. Sang đến năm nay, mới bắt đầu vào vụ mà giá muối xuống thấp quá nên mới làm được tý đỉnh, chẳng biết làm ra có bán được không. ấy vậy mà mỗi sào tôi phải đầu tư 2 triệu đồng để cải tiến thiết bị. Cứ tình trạng này thì không biết đến bao giờ mới thu hồi được vốn, chứ nói gì đến việc lấy công làm lãi”.

Còn ông Lê Duy Luân chua chát mà rằng “ Nhà tôi làm 4 sào muối, năm ngoái bán được hơn 10 triệu đồng nhưng sang đến năm nay muối làm ra rồi bán chẳng được vẫn còn khoảng 3 tấn để ở nhà. Hai vợ chồng là lao động chính nhưng giờ còn lại mình tôi làm, vợ đi làm công trình thi công đê biển, thu nhập gần trăm nghìn ngày, hơn đứt nghề này”. 

Hướng đi nào cho nghề muối?

Chủ nhiệm Bùi Đình Tháp tâm sự thêm với chúng tôi: diêm dân Thụy Hải quanh năm làm bạn với “nắng khét, gió khan” dẫu biết rằng vất vả nhưng không phải ai cũng có thể bỏ ruộng muối mà làm việc khác được. Nếu người nông dân coi trọng mảnh ruộng thế nào thì diêm dân quý ruộng muối nhà mình thế ấy, bởi đây là chỗ dựa, túi gạo của cả gia đình, rẻ thì rẻ nhưng vẫn phải làm.

Hơn thế, việc giữ nghề với người dân còn mang một ý nghĩa tâm linh của những người con quê hương thờ bà Chúa muối.  Nhưng rõ ràng trong điều kiện như hiện nay để giữ được nghề lại là bài toán khó đối với các cấp quản lý, hộ kinh doanh và người sản xuất.

Vì thế, những người làm muối nơi đây mong muốn Nhà nước có cơ chế đầu tư xây dựng, cải tạo  thủy lợi cho vùng sản xuất muối, vì toàn bộ hệ thống hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, dẫn nước cũng như tổ chức sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Tỉnh, huyện thành lập quỹ “khuyến diêm” hỗ trợ người làm muối cải tạo công cụ lao động, lúc mất mùa, rớt giá, đồng thời có cơ chế tiêu thụ sản phẩm cho diêm dân, có như vậy mới hi vọng giữ được nghề truyền thống cũng như nét văn hoá tâm linh độc đáo của vùng quê ven biển nay.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa