Thứ 7, 16/11/2024, 18:35[GMT+7]

Tổng kết thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020

Thứ 6, 11/06/2021 | 14:33:41
2,293 lượt xem
Sáng ngày 11/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020.

Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Thái Bình, đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị.

Sau gần 6 năm triển khai chương trình hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 4/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020 (Quyết định số 50) đã góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi trong nông nghiệp, ngày càng tăng giá trị các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng lợi thế; thị trường các sản phẩm gia súc, gia cầm nhìn chung ổn định; từng bước chuyển đổi hướng sản xuất từ chú trọng năng suất, sản lượng sang chất lượng, giá trị, an toàn thực phẩm; các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi được cập nhật, ứng dụng và chuyển giao có hiệu quả. Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, tổng kinh phí hỗ trợ cho nông hộ chăn nuôi trên toàn quốc là 832,781 tỷ đồng. Đã hỗ trợ 7,776 triệu liều tinh lợn, tinh trâu, bò; tổng số trâu, bò đực được hỗ trợ là 1.948 con, lợn đực giống được hỗ trợ là 528 con, 146.000 gà, vịt giống bố mẹ. Từ năm 2015 đến nay, các tỉnh đã hỗ trợ 54.947 công trình khí sinh học, 112.174 mô hình sử dụng đệm lót sinh học.

Thực hiện Quyết định số 50 của Thủ tướng Chính phủ, tại Thái Bình đã hỗ trợ 914.848 liều tinh lợn các loại; hỗ trợ công tác phối giống nhân tạo cho bò tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ 15.867 liều tinh bò cho 7.730 lượt hộ chăn nuôi. Tổng kinh phí thực hiện Quyết định số 50 từ năm 2017 đến năm 2020 là 31,89 tỷ đồng. Chính sách đã tác động cải thiện khâu yếu nhất của chăn nuôi nông hộ là chất lượng con giống; quản lý tốt hơn giống lợn, bò; làm thay đổi nhận thức của nông hộ về công tác giống, nhất là công tác phối giống nhân tạo cho đàn bò. 

Tại hội nghị, Thái Bình và nhiều địa phương trong cả nước kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Thủ tướng Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 50 đến năm 2025, mở rộng thêm đối tượng được hưởng hỗ trợ là các trang trại quy mô nhỏ và vừa.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ đã tác động tích cực đến cuộc sống hàng triệu hộ chăn nuôi ở nông thôn, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt thông qua chương trình cải tạo và nâng cao năng suất đàn gia súc bằng hỗ trợ liều tinh và vật tư phối giống, hỗ trợ gia súc giống chất lượng cao; cải thiện diện mạo nông thôn thông qua hỗ trợ xử lý chất thải trong chăn nuôi. Theo quan điểm phát triển trong Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 10/6/2020, thì song song với đẩy mạnh chăn nuôi trang trại quy mô lớn, vẫn cần quan tâm chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi truyền thống gắn với phát triển chăn nuôi đặc sản, du lịch sinh thái. Những đề xuất của các địa phương, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp sẽ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu, tổng hợp để đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, xem xét ban hành chính sách mới về chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi nông hộ theo hướng bền vững và hiệu quả.

Ngân Huyền