Thứ 7, 16/11/2024, 06:36[GMT+7]

Quỳnh Phụ Dồn sức để có một mùa vụ bội thu

Thứ 6, 21/12/2012 | 16:26:20
1,152 lượt xem
Những ngày này, trên khắp các cánh đồng của huyện Quỳnh Phụ, nông dân tấp nập làm đất, nạo vét mương máng, đắp bờ vùng bở thửa, dồn đổi ruộng đất, chuẩn bị cho vụ sản xuất chiêm xuân.

Nông dân Quỳnh Phụ tham gia chiến dịch làm thủy lợi nội đồng

Mặc dù thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh liên tiếp xảy ra, chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, nhưng vụ lúa xuân 2012 của Quỳnh Phụ vẫn giành thắng lợi toàn diện. Năng suất bình quân đạt 72,63 tạ/ ha, đứng thứ 2 toàn tỉnh. Đây là tiêu đề thuận lợi để nông dân Quỳnh Phụ bắt tay vào sản xuất vụ xuân 2013.

 

Huyện Quỳnh Phụ phấn đấu gieo cấy 11.700 ha lúa xuân, với 100% các giống ngắn ngày trà muộn; năng suất bình quân 72 tạ/ha trở lên, sản lượng trên 84.240 tấn. Song, để đạt được con số này cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp. Theo đó, các địa phương đã xây dựng kế hoạch sản xuất liên hoàn theo hướng: xuân muộn - mùa sớm - cây vụ đông rộng. Tiếp tục đổi mới cơ cấu giống lúa, tăng tỷ lệ lúa lai, lúa chất lượng cao. Loại bỏ hình thức gieo mạ dược, áp dụng gieo mạ nền, mở rộng gieo vãi, gieo sạ hàng; trong đó lúa chất lượng cao chiếm trên 30%.

 

Rút kinh nghiệm từ đợt rét đậm, rét hại vụ xuân năm trước làm ảnh hưởng đến khung thời vụ sản xuất cả năm, vụ này trên khung thời vụ chung của tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp, phòng chuyên môn huyện Quỳnh Phụ chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ. Đồng thời, thường xuyên đôn đốc kiểm tra, thực hiện lịch thời vụ tại cơ sở và theo dõi diễn biến của thời tiết để kịp thời có giải pháp điều chỉnh, khắc phục những thiệt hại do thời tiết gây ra. Huyện chỉ đạo các xã gieo mạ từ ngày 25/01- 08/02/2013 để lúa trỗ an toàn vào tiết lập hạ. Khuyến cáo nông dân che phủ nilon trên 100% diện tích mạ gieo; đồng thời gieo tăng 5% mạ ở trà cuối, chuẩn bị thêm một số giống lúa ngắn ngày phòng khi thời tiết bất thuận gây chết mạ, chết lúa. Cấy khi mạ có 2,5 - 3 lá trở lên. Đối với diện tích gieo vãi, gieo sạ xuống giống từ 12- 15/02/2013. Toàn huyện phấn đấu kết thúc cấy lúa xuân vào 25/02/2013.

 

Những ngày này, trên khắp các cánh đồng của huyện Quỳnh Phụ, nông dân tấp nập làm đất, nạo vét mương máng, đắp bờ vùng bở thửa, dồn đổi ruộng đất, chuẩn bị cho vụ sản xuất chiêm xuân. Có mặt tại cánh đồng xã An Ninh, chúng tôi cảm nhận được không khí lao động hăng say, tấp nập. Toàn xã sẽ gieo cấy 490ha, 100% lúa ngắn ngày trà muộn chủ yếu là BC15, TBR-1, N87, QR1. Để đảm bảo khung thời vụ, sau khi thu hoạch lúa mùa, UBND xã đã triển khai chia ruộng ngoài thực địa cho nhân dân. Hiện, nông dân đang bắt tay ngay vào cày ải, phơi đất; nạo vét hệ thống kênh mương, đắp bờ vùng bở thửa để giữ nước. Sự phấn khởi được mùa trong năm 2012 là động lực thúc đẩy bà con nông dân đầu tư thâm canh cho sản xuất vụ xuân 2013. Bên cạnh đó, quy hoạch vùng sản xuất và huy động nguồn lực đầu tư vào sản xuất khá thuận lợi khi An Ninh đang triển khai quyết liệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Toàn xã quyết tâm đạt năng suất lúa xuân trên 70 tạ/ha để đạt sản lượng 3.400 tấn.

 

Cũng như An Ninh, các xã còn lại của huyện cũng đang vào guồng chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân. Đến nay, hầu hết các xã của huyện Quỳnh Phụ đã hoàn thành chiến dịch làm thủy lợi, một số địa phương thực hiện xong việc chỉnh trang đồng ruộng, chia ruộng ngoài thực địa cho nhân dân. Các HTX dịch vụ nông nghiệp chủ động lấy nguồn giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có chất lượng, giá cả hợp lý, cung ứng đủ cho nhân dân. Để đảm bảo cung cấp nước tưới tiêu cho đồng ruộng, ngoài các công trình thủy lợi được đầu tư tu sửa, làm mới, huyện chỉ đạo các xã vận động nông dân đóng góp ngày công lao động quản lý và duy tu, bảo dưỡng cũng như sửa chữa các công trình bị hư hỏng.

 

Bên cạnh đó, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện cũng đã triển khai phương án tưới tiêu đến các địa phương, chủ động lấy nước sớm để phục vụ thau chua, thay nước, vận hành các trạm bơm và điều tiết nước hợp lý, không làm ảnh hướng đến cây trồng vụ đông. Trạm Bảo vệ thực vật thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo các đối tượng sâu bệnh hại trên cây trồng, tổ chức cho nông dân phòng trừ kịp thời, góp phần đem lại hiệu quả cao; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn nông dân vệ sinh đồng ruộng, cải tạo chất đất bằng bón lót phân hữu cơ, diệt trừ các mầm bệnh.

 

Bài, ảnh: Đức Dũng

 

 

  • Từ khóa