Thứ 7, 16/11/2024, 06:28[GMT+7]

Tăng trưởng GDP cả năm 5,03%

Thứ 3, 25/12/2012 | 08:03:14
1,141 lượt xem
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2012 theo giá so sánh 1994 ước tăng 5,03% so với năm 2011.

Lạm phát cả năm 2012 chỉ là 6,81% - thấp gần xấp xỉ mức của năm 2009.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2012 theo giá so sánh 1994 ước tăng 5,03% so với năm 2011. Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng năm nay thấp hơn mức tăng 5,89% của năm 2011 nhưng "hợp lý". "Trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn, cả nước tập trung thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì mức tăng như vậy là hợp lý và thể hiện xu hướng cải thiện qua từng quý", báo cáo này cho hay. Cụ thể, GDP quý I và II chỉ tăng lần lượt 4,64% và 4,8%, quý III và quý IV tăng 5,05% và 5,44%.

 

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2012 tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 6,81% so với tháng 12/2011. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2012 tăng 9,21% so với bình quân năm 2011. Như vậy, lạm phát năm 2012 đã được kiềm chế dưới một con số và gần xấp xỉ mức lạm phát 6,52% của năm 2009 và thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,75% của năm 2010 và 18,13% của năm 2011.

 

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 12/2012 ước tính tăng 5% so với tháng trước. Tính chung cả năm 2012, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,8% so với năm 2011. Tổng cục Thống kê nhìn nhận, sản xuất công nghiệp năm nay gặp khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa được hồi phục. Sức mua trong nước và nhu cầu xuất khẩu giảm nên mức tăng thấp so với một số năm trở lại đây. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm đang bắt đầu có chuyển biến tích cực, theo đó chỉ số sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng dần, chỉ số tồn kho giảm dần.

 

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho hay, 2012 là năm có tỷ trọng vốn đầu tư so với GDP đạt thấp nhất kể từ năm 2000 trở lại đây. Cả năm nay, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện đạt 989,3 nghìn tỷ đồng - chiếm 33,5% GDP và tăng 7% so với năm trước.

 

Giá trị sản xuất xây dựng năm 2012 tăng thấp so với năm 2011 (2,1%) khi chỉ đạt 229,6 nghìn tỷ đồng. Nguyên nhân là chính sách thắt chặt đầu tư công của Chính phủ tiếp tục được thực hiện, lãi suất ngân hàng mặc dù được điều chỉnh giảm nhưng các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay. Tổng cục Thống kê còn chỉ ra nguyên nhân từ thị trường bất động sản với việc nhiều dự án phải dừng thi công hoặc giãn tiến độ.

 

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 12 ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 15% so với năm 2011. Tính chung cả năm 2012, xuất khẩu đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3%. Trong khi đó, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 12 ước tính đạt 10,6 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước và tăng 13% so với năm 2011. Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu năm nay tăng cao chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

 

Mặc dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng số liệu từ Tổng cục Thống kê lại cho biết, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm năm 2012 giảm. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2012 là 2,8%, trong đó khu vực thành thị là 1,58%, khu vực nông thôn là 3,35%. Năm 2011 các tỷ lệ tương ứng là: 2,96%; 1,58%; 3,56%.

 

Theo giải thích của cơ quan này, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm là do lao động thời vụ tăng. Theo đó, tỷ lệ lao động phi chính thức năm 2012 tăng so với một số năm trước, từ 34,6% năm 2010 tăng lên 35,8% năm 2011 và 36,6% năm 2012. "Điều này cho thấy mức sống của người dân còn thấp, hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển mạnh nên người lao động không chịu cảnh thất nghiệp kéo dài mà chấp nhận làm những công việc không ổn định với mức thu nhập thấp và bấp bênh", báo cáo nhận định.

 Theo vnexpress.vn

  • Từ khóa