Thứ 7, 16/11/2024, 18:00[GMT+7]

Bất thường thị trường gạch đất nung

Thứ 5, 08/07/2021 | 09:29:55
7,583 lượt xem
Thị trường gạch đất nung đang đứng trước tình trạng cung vượt cầu. Hệ quả là xuất hiện sự cạnh tranh khốc liệt, giá cả giảm sâu, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm sản lượng, thậm chí dừng hoạt động.

Công ty Cổ phần Gốm xây dựng Đại Thắng đầu tư nhiều rô bốt và máy móc tự động hóa phục vụ sản xuất nhưng vẫn không thể cạnh tranh về giá với gạch đất nung ở tỉnh ngoài đưa vào.

Giá gạch diễn biến ngược 

Từ đầu tháng 1 đến hết tháng 5/2021, thị trường ghi nhận sự tăng giá chóng mặt của nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép, gạch ốp lát, cát, đá... với mức tăng từ 20 - 40%. Nguyên nhân được cho là cung không đáp ứng đủ cầu và giá nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng.

Trong bối cảnh đó, mặt hàng gạch đất nung lại có diễn biến đảo chiều. Không những giá gạch không tăng mà còn giảm đến mức dưới giá thành phẩm. Cụ thể, đầu tháng 1/2021, giá gạch đất nung trên thị trường dao động từ 9 - 10,5 triệu đồng/ vạn viên; đến giữa tháng 3, sau hai lần giảm, giá gạch còn 8 - 8,2 triệu đồng/vạn viên. Nhiều đại lý cho biết, dù giá giảm sâu như vậy nhưng tốc độ bán hàng vẫn rất chậm, doanh số bán hàng thấp, chi phí lưu bến bãi cao nên kinh doanh không có lãi. 

Ông Nguyễn Xuân Trường, đại lý kinh doanh vật liệu xây dựng tại xã Tân Bình (thành phố Thái Bình) chia sẻ: 6 tháng đầu năm, nhu cầu xây dựng các công trình dân dụng của người dân vẫn sôi động; tuy nhiên, hoạt động kinh doanh mặt hàng gạch đất nung ế ẩm vì trên thị trường có quá nhiều đại lý, hộ kinh doanh nhỏ lẻ tham gia kinh doanh. Thị trường cũng xuất hiện sản phẩm gạch đất nung của các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. 

Doanh nghiệp gạch lỗ nặng 

Công ty Cổ phần Gốm xây dựng Đại Thắng (xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư) có hai lò nung với công suất hơn 50 triệu viên/năm. Từ đầu tháng 2 đến nay, do sản lượng tiêu thụ giảm, lượng gạch tồn kho bình quân khoảng 3 triệu viên, cao điểm lên tới 5 triệu viên nên doanh nghiệp buộc phải tạm dừng hoạt động 1 lò nung. 

Ông Nguyễn Quốc Trung, Giám đốc Công ty cho biết: Mặc dù Công ty đã đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm rô bốt, máy móc tự động hóa nhằm cắt giảm nhân công, tăng năng suất để hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nhưng vẫn không “chọi” được với giá gạch từ các tỉnh khác tràn vào. Giá thành sản phẩm của doanh nghiệp làm ra ở mức 7 triệu đồng/vạn viên, thế nhưng giá bán cho các đại lý và công trình chỉ từ 6,5 - 7 triệu đồng/vạn viên. Càng sản xuất càng lỗ, năm 2019 Công ty lỗ 5 tỷ đồng, năm 2020 lỗ 7 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2021 ước lỗ 2 tỷ đồng. 

Tương tự như doanh nghiệp Đại Thắng, Công ty Vật liệu và xây dựng Đất Nước (xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương) đang vật lộn để duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm cho 60 lao động. 

Bà Phạm Thị Dung, Giám đốc Công ty chia sẻ: Chúng tôi đã dùng mọi biện pháp để cắt giảm chi phí như sử dụng xỉ than, trấu, mùn cưa trộn lẫn với than để đốt nung và tinh giản nhân sự nhưng với giá bán như hiện nay chỉ từ 6,4 - 6,8 triệu đồng/ vạn viên, nếu Công ty duy trì sản xuất thì mỗi năm lỗ khoảng 2 tỷ đồng, khó có thể cầm cự được. 

Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Tiền Phong (thành phố Thái Bình) - một trong những doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng lớn trên địa bàn tỉnh cũng đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh gạch đất nung. 

Ông Lê Văn Thản, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Gạch đất nung của các doanh nghiệp trong tỉnh khó có thể cạnh tranh về giá với gạch ở ngoài tỉnh vì không có lợi thế nguồn nguyên liệu tại chỗ như than, đất. Thêm vào đó, các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh gạch trong tỉnh thực hiện nghiêm túc các chính sách về thuế, phí, trong khi các doanh nghiệp ở ngoài tỉnh đưa gạch vào địa bàn cung cấp cho các đại lý nhỏ lẻ bán sẽ khó kiểm soát thuế giá trị gia tăng vì đa phần người dân mua bán không lấy hóa đơn VAT. Đây cũng là cơ hội để gạch ở ngoài tỉnh tràn vào bán với giá thấp hơn so với gạch sản xuất trong tỉnh. 

Cần một lời giải 

Tồn kho, sản xuất, kinh doanh thua lỗ, nhiều doanh nghiệp phải “tắt lửa, rấp lò”, thậm chí là “khai tử” như nhà máy gạch Vũ Hội (Vũ Thư), nhà máy gạch Đống Năm (Đông Hưng)... Theo chủ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gạch trên địa bàn tỉnh, nếu tình hình kinh doanh như hiện nay còn kéo dài, hàng loạt doanh nghiệp sẽ phá sản, giải thể vì thua lỗ. Khi đó ngân sách sẽ mất đi một nguồn thu thuế doanh nghiệp; hàng nghìn người lao động mất việc làm trong khi khó có cơ hội chuyển đổi việc làm vì lao động đã trên 50 tuổi và không có nghề khác. 

Điều lo lắng của các doanh nghiệp là khi sản xuất nội tại không còn hoặc chiếm một phần nhỏ, thị trường gạch đất nung trên địa bàn tỉnh sẽ rơi vào tay các doanh nghiệp tỉnh ngoài; rất có thể người tiêu dùng sẽ phải hứng chịu thiệt hại nếu họ thao túng giá. Trước dự báo đó, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong tỉnh rất mong các cơ quan chức năng có biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ thị trường gạch đất nung, nhất là về giá cả và việc chấp hành các quy định về thuế, phí để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng. 

Để vượt qua khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới công nghệ và máy móc tự động hóa, cắt giảm nhân lực nhằm giảm chi phí, tăng năng suất lao động những mong có thể tiếp tục giảm giá thành sản phẩm, đủ sức cạnh tranh với gạch đất nung từ ngoài tỉnh đưa vào. Đặc biệt, không ít doanh nghiệp chuyên sản xuất gạch đất nung đã nghiên cứu đầu tư chuyển hướng sang sản xuất sản phẩm mới. 

Ông Nguyễn Quốc Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần Gốm xây dựng Đại Thắng cho biết: Nhằm bảo đảm việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống cho người lao động và khai thác máy móc đã đầu tư, chúng tôi nghiên cứu đưa vào sản xuất một số dòng sản phẩm như ngói các loại, gạch bát, gạch trang trí hoa văn cổ... Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm mới cũng gặp không ít khó khăn do nhu cầu của người tiêu dùng đối với mặt hàng này không nhiều và việc tiếp cận thị trường cũng không đơn giản một sớm một chiều có thể thành công được. 

Khắc Duẩn