Ngành Nông nghiệp Trụ cột bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012
Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 6.767 tỷ đồng, tăng 4,31%. Với kết quả này, ngành Nông nghiệp đã đạt và vượt kế hoạch tỉnh giao, tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột bảo đảm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh năm 2012.
Năm 2012, ngành Nông nghiệp thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch trong điều kiện nhiều khó khăn thách thức, như đầu vụ xuân rét đậm, rét hại kéo dài, mưa lớn gây ngập úng ở vụ mùa; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp và giá sản phẩm chăn nuôi biến động bất lợi… Song, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của nông, ngư dân nên ngành Nông nghiệp đã hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao. Khi bước vào thực hiện sản xuất vụ xuân, nhiều khó khăn đã xảy ra ngay ở đầu vụ do thời tiết ít hanh, mưa ẩm nhiều nên những diện tích đất thấp, chua trũng và chân đất không gieo trồng cây vụ đông cày lật chậm. Do đó, đất vụ xuân hầu như không được ải, cho nên điều kiện hóa lý tính của đất không được cải thiện, chua mặn và các độc tố không được khử. Đồng thời, một số địa phương chỉ đạo không kiên quyết, còn để nông dân gieo mạ dài ngày nên khi gặp nền nhiệt thấp trong tháng 12/2011 và tháng 1/2012 làm cho 200 ha mạ chết, phải gieo lại.
Ngoài ra, các tháng trong vụ xuân có bức xạ thấp nhất trong 10 năm gần đây, số giờ nắng từ tháng 2 đến tháng 6 thấp hơn trung bình nhiều năm 116 giờ; trong khi đó giai đoạn lúa trỗ đến chín lại gặp nhiều ngày nắng nóng, gió tây, mưa to nên đã ảnh hưởng đến quá trình tích lũy dinh dưỡng vào hạt. Do bức xạ thấp ở những tháng đầu vụ và độ ẩm cao đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ phát triển. Toàn tỉnh, hàng nghìn héc ta phải tổ chức nhiều đợt phòng trừ bệnh đạo ôn hại lá và sâu cuốn lá nhỏ…
Trước những bất lợi ở vụ xuân, Sở Nông nghiệp & PTNT đã có những đề xuất, tham mưu với tỉnh đúng, kịp thời để chỉ đạo các địa phương khắc phục, thực hiện sản xuất có hiệu quả. Vì vậy, năng suất lúa xuân bình quân đạt 71,62 tạ/ha; trong đó một số huyện có năng suất cao, như Đông Hưng 72,75 tạ/ha, Quỳnh Phụ 72,63 tạ/ha, Hưng Hà 72,52 tạ/ha. Vụ lúa mùa cũng không kém phần gian nan vất vả, áp lực về thời vụ khá căng thẳng do lúa xuân thu hoạch muộn hơn trung bình nhiều năm, đồng thời lao động thiếu, giá công lao động cao, giá nông sản rẻ. Đặc biệt, lúa mới cấy ở đầu vụ gặp mưa lớn đã bị ngập trên 5.900 ha, trong đó 10 ha phải cấy dặm lại và 5.450 ha phải chăm sóc bổ sung; đồng thời đợt mưa lớn ở đầu tháng 9 đã làm gần 5.000 ha lúa trỗ bị đen hạt, một số ít diện tích bị bạc lá tỷ lệ lép lửng cao; cơn bão số 8 cuối tháng 10 làm trên 6.000 ha lúa bị đổ, dập nát giảm năng suất. Tuy nhiên, sau khi cấy dặm lại và chăm sóc bổ sung, đồng thời mật độ sâu bệnh thấp nên nhìn chung các trà lúa đều sinh trưởng, phát triển khá đồng đều, đẻ nhánh tập trung, do đó năng suất vẫn đạt trên 58 tạ/ha. Tính tổng thể trên lĩnh vực trồng trọt thì diện tích gieo trồng giảm, nhưng xét về giá trị sản xuất thì vẫn đạt khá cao, gần 3.400 tỷ đồng, tăng 0,82% và vượt kế hoạch tỉnh giao.
Cùng với trồng trọt, chăn nuôi cũng trải qua một số biến cố về dịch bệnh, giá sản phẩm giảm, giá đầu vào tăng… khiến nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng. Trên đàn gia súc, bệnh lở mồm long móng (LMLM) đã xuất hiện ở 9 xã của 5 huyện: Vũ Thư, Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Đông Hưng và Thành phố. Tổng số lợn ốm vì bệnh LMLM là 1.125 con; trong đó số lợn chữa khỏi 406 con, phải tiêu hủy 719 con. Đồng thời bệnh tai xanh đã xuất hiện tại xã Bắc Hải (Tiền Hải) với tổng số 81 con của 12 hộ, số lợn ốm điều trị khỏi là 57 con, tiêu hủy 24 con. Ngoài ra, đàn gia cầm cũng xuất hiện cúm H5N1 ở Kiến Xương và Tiền Hải, các ngành chức năng đã tiến hành tiêu hủy trên 4.160 con gia cầm. Các loại bệnh mà đàn gia súc, gia cầm ở một số địa phương xuất hiện đều là những bệnh khá nguy hiểm cho ngành chăn nuôi.
Với sự nỗ lực của Chi cục Thú y, cùng với các địa phương nên dịch bệnh được khoanh vùng, tổ chức phòng chống kịp thời nên mức độ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi là không đáng kể. Chính vì vậy hình thức chăn nuôi trang trại tiếp tục phát triển khá mạnh, toàn tỉnh hiện có 690 trang trại đạt tiêu chí doanh thu 1 tỷ đồng/năm; trong đó có 59 trang trại áp dụng quy trình công nghệ cao, sản phẩm chăn nuôi an toàn. Do làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh và có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hộ chăn nuôi khi giá sản phẩm xuống thấp và khuyến khích chăn nuôi trang trại tập trung quy mô lớn, vì vậy giá trị sản xuất đã đạt 2.178 tỷ đồng, tăng 5,98% so với năm 2011.
Trên lĩnh vực thủy sản, do thực hiện tốt lịch thời vụ và tăng cường công tác thú y, quản lý ao đầm nên các đối tượng nuôi phát triển khá ổn định. Năm 2012, diện tích nuôi thủy sản đạt 14.434 ha, tăng 7% so với năm 2011. Các vùng nuôi nước ngọt được chú trọng đầu tư cải tạo, nhất là 16 vùng nuôi thủy sản tập trung; đồng thời đã xuất hiện hình thức nuôi mới là cá lồng trên sông Hồng, với 64 lồng, chủ yếu là cá có giá trị kinh tế cao, như cá lăng, diêu hồng... Nuôi nước mặn, nước lợ phát triển khá mạnh các đối tượng chính, như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao; sản lượng tôm đạt 2.100 tấn, diện tích nuôi ngao đạt trên 2.000 ha, sản lượng đạt 59.500 tấn. Cùng với việc nuôi thủy sản, các ngư dân đã chú trọng đầu tư đóng mới 16 phương tiện và nâng cấp tàu thuyền hiện có để bám biển khai thác, sản lượng khai thác thủy sản 49.600 tấn, tăng 5,87%. Tổng giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 972,4 tỷ đồng, tăng 11,96% so với năm 2011.
Trải qua bao khó khăn từ trồng trọt, đến chăn nuôi, nhưng các mặt công tác của ngành Nông nghiệp đều đạt khá toàn diện. Qua đây, có thể thấy việc lãnh đạo, chỉ đạo và các giải pháp kỹ thuật về cơ cấu giống, thời vụ, phòng chống dịch bệnh, định hướng vật nuôi… của ngành Nông nghiệp đã có sự linh hoạt, đúng, trúng trong xu hướng phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay. Đồng thời việc tham mưu các chính sách hỗ trợ được kịp thời nên tỉnh có những quyết định sớm tạo điều kiện cho các huyện, thành phố chủ động điều hành, sát với yêu cầu thực tiễn của từng địa phương. Năm 2013, ngành Nông nghiệp phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 7.051,2 tỷ đồng tăng 4,2% so với năm 2012. Để tạo được những mốc son mới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, thủy sản toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghệ hiện đại; đồng thời gắn kết giữa sản xuất, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm… góp phần xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại.
Nguyên Bình
Tin cùng chuyên mục
- Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tổ chức hội chợ nông nghiệp quốc tế đồng bằng Bắc bộ năm 2024 12.11.2024 | 17:31 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc thăm Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng 02.12.2023 | 19:09 PM
- UBND tỉnh: Nghe báo cáo triển khai dự án đường dây 500kV qua địa phận tỉnh Thái Bình 16.11.2023 | 17:24 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Hơn 260 doanh nghiệp huyện Hưng Hà tham gia khảo sát Bộ chỉ số DDCI 15.08.2023 | 16:03 PM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai