Thứ 7, 16/11/2024, 17:47[GMT+7]

Thành phố Thái Bình: Bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế

Thứ 2, 19/07/2021 | 09:41:28
5,419 lượt xem
Với sự vào cuộc của chính quyền các cấp, sự chung tay của doanh nghiệp và người dân, thành phố Thái Bình đã thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2021.

Sản xuất tại Công ty TNHH Bông Thái Bình (cụm công nghiệp Phong Phú).

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước, thành phố Thái Bình đã và đang thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, biện pháp phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch xâm nhập, lây lan vào địa bàn. Bên cạnh đó, kiên trì thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. 

Ông Đinh Gia Dũng, Chủ tịch UBND thành phố chia sẻ: Những kết quả đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã tiếp thêm sức mạnh để thành phố kiên trì thực hiện mục tiêu kép, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Sự chỉ đạo, điều hành với các giải pháp sát thực, phù hợp được triển khai kịp thời, từ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp và người dân đã mang lại hiệu quả. Hoạt động của các doanh nghiệp cơ bản bảo đảm và dần được khôi phục. Các ngành sản xuất phục hồi và tăng trưởng trở lại với mức tăng khá. Tổng giá trị sản xuất ước đạt gần 17.300 tỷ đồng, tăng 7,66% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, công nghiệp, xây dựng tăng 8,79%, thương mại, dịch vụ tăng 5,19%, nông nghiệp, thủy sản tăng 0,57%.

UBND thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch cụ thể, theo từng cấp độ để vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa bảo đảm sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Sản xuất công nghiệp từng bước phục hồi và tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 9.946 tỷ đồng, tăng 10,07% so với cùng kỳ. Thành phố đã đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư 4 dự án với số vốn đăng ký trên 562 tỷ đồng; 3 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư với số vốn đăng ký 240 tỷ đồng; đề xuất gia hạn sử dụng đất cho 12 dự án. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt gần 6.880 tỷ đồng, tăng 7,24% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu ước đạt 489,6 triệu USD, tăng 9,3%; giá trị nhập khẩu ước đạt 348,45 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ.

Công tác tài chính, ngân sách được quan tâm chỉ đạo, thực hiện điều hành chi ngân sách trong phạm vi dự toán được giao, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định; kịp thời cấp kinh phí thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bầu cử, phòng, chống dịch và bảo đảm an sinh xã hội. Chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp thu ngân sách, cân đối thu, chi ngân sách thành phố; tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát kê khai thuế, xử lý nợ đọng thuế; tập trung rà soát, phát hiện khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, khích lệ và động viên doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kép, từ đó tạo đà tăng trưởng kinh tế đồng thời đóng góp cho nguồn thu ngân sách. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 803 tỷ đồng, đạt 52% dự toán, bằng 110,9% cùng kỳ.

Dây chuyền sang chiết gas của Công ty Cổ phần Việt Xô gas Thái Bình.

Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp; vì vậy, để hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra, những tháng cuối năm 2021 thành phố sẽ tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; tổ chức gặp mặt, đối thoại, giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi về giải quyết thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng để thu hút các dự án đầu tư. Thực hiện hiệu quả các chương trình khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động, phát triển thị trường, đổi mới công nghệ. Triển khai đề án phát triển thương mại, dịch vụ thành phố Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng thương mại, dịch vụ; tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tập đoàn lớn nghiên cứu, đầu tư các dự án phát triển thương mại, dịch vụ phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch liên quan. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tập trung phát triển mạnh thị trường, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp, thủy sản vẫn được chú trọng, nhất là phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Đồng thời, phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch dịch vụ để thúc đẩy tiêu thụ, kích thích sản xuất hàng hóa. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Minh Nguyệt