Thứ 7, 16/11/2024, 04:51[GMT+7]

Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Thái Thụy Hiệu quả thực hiện 6 chương trình tín dụng

Thứ 5, 03/01/2013 | 09:01:32
1,414 lượt xem
Từ ngày 1/6/2003, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Thái Thụy chính thức đi vào hoạt động, đến nay đã có trên 30.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, gần 15.000 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn, trên 3.000 hộ thoát nghèo, 7.000 lao động có việc làm, góp phần xóa 313 ngôi nhà dột nát, xây dựng gần 5.000 công trình vệ sinh, 4000 công trình cung cấp nước sạch.

Cơ sở sản xuất đồ mộc cao cấp của anh Nguyễn Nhâm Chức tại chợ Dành (Thụy Văn) tạo việc làm cho 10 thợ, được vay 20 triệu đồng vốn giải quyết việc làm của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện.

Nhận thức rõ nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần tích cực thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước trước mục tiêu an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, 17 cán bộ Phòng giao dịch huyện đã phối hợp chặt chẽ với các hội đoàn thể và Ban giảm nghèo của  các xã, thị trấn nhằm quản lý, sử dụng có hiệu quả tổng nguồn vốn 331,2 tỷ đồng để cho vay 6 chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ dành cho khu vực nông thôn Thái Thụy. Để người dân thông hiểu cơ chế chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước,  bảo đảm sự công bằng khách quan trong việc rải ngân, thực hiện 3 đúng (đúng đối tượng, đúng địa chỉ, sử dụng vốn đúng mục đích), thời gian qua, được sự giúp đỡ nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền địa phương, phòng giao dịch đã tổ chức, bố trí cán bộ trực giao dịch tại 48 điểm trực giao dịch lưu động tại 47/47   xã và tại hội sở của PGD. Tại mỗi điểm trực giao dịch đều niêm yết công khai quy trình, thủ tục, đối tượng vay vốn, địa chỉ, mức vay của những người vay vốn. Hàng tháng, các tổ trưởng tổ vay vốn đến điểm trực giao dịch tại UBND xã để trả lãi, trao đổi thông tin với cán bộ tín dụng ngân hàng.

Hiện nay, phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện  thực hiện ủy thác cho vay các chương trình tín dụng qua 4 hội đoàn thể và 573 tổ tiết kiệm và vay vốn. Tổng dư nợ các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác chiếm 99,9% tổng dư nợ. Một trong 6 chương trình có tốc độ tăng trưởng dư nợ cao hiện 4 đoàn thể quản lý là chương trình cho vay 11.359 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; trong đó Hội Phụ nữ quản lý 39% tổng dư nợ, Hội Nông dân 38%, Hội Cựu chiến binh 16%, Đoàn Thanh niên quản lý 7% tổng dư nợ. Hàng trăm hộ gia đình có 2-3 con em ăn học cao đẳng, đại học được ngân hàng cho vay vốn  như trường hợp gia đình ông Ngô Văn Dương (Thụy Sơn) có 3 con cùng học đại học, cao đẳng hiện đang được vay 80 triệu đồng để chu cấp tiền học phí và sinh hoạt cho các con. Nhiều xã có dư nợ vay vốn chương trình tín dụng học sinh, sinh viên rất cao như là Thụy Trường 5,7 tỷ đồng, Thụy Phong, Thị trấn Diêm Điền trên 5 tỷ đồng...

Chị Nguyễn Thị Vóc, Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Thụy Văn hiện đang quản lý  nguồn vốn ủy thác trên 4 tỷ đồng chương trình cho vay học sinh, sinh viên khẳng định: 5 năm qua, triển khai chương trình này, người dân trong xã không phải canh cánh nỗi lo vay mượn tiền cho con ăn học, không còn cảnh các cháu bỏ học giữa chừng hoặc quá khó khăn phải đi làm thêm, xao nhãng việc học, phải lưu ban. Như chị Nguyễn Thị Tiến thôn Văn Tràng có 2 con cùng học đại học, được ngân hàng cho vay dư nợ 60 triệu đồng. Nếu không có khoản tiền đó, phải đi vay ngoài lãi mẹ đẻ lãi con, nguy cơ lại rơi vào diện hộ nghèo.

Do phát huy xã hội hóa, dân chủ hóa hoạt động ngân hàng, đi đôi với tăng cường sự quản lý, giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, hiệu quả hoạt động của ngân hàng có bước tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước từ 10 - 20%. Tổng dư nợ ước đến 31/12/2012 đạt 331,2 tỷ đồng với 23.455 hộ còn dư nợ. Chương trình cho vay học sinh, sinh viên 193,5 tỷ đồng, cho vay vốn giải quyết việc làm 10,2 tỷ đồng, cho vay nước sạch, vệ sinh môi trường 46,5 tỷ đồng, chương trình cho vay đối tượng con em gia đình chính sách đi xuất khẩu lao động 0,3 tỷ đồng; vốn hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở 2,8 tỷ đồng, còn lại là vốn cho vay hộ nghèo, cận nghèo. Nhìn chung, người được thụ hưởng vốn ưu đãi sử dụng vốn có hiệu quả, có ý thức trả nợ khi đến hạn. Nợ quá hạn chiếm tỷ lệ rất thấp (0,03% tổng dư nợ).

Tuy nhiên, lượng vốn tín dụng ưu đãi hiện nay so với thực tế nhu cầu của người dân vẫn còn khoảng cách khá xa. Vốn vay một công trình vệ sinh hoặc nước sạch  ở mức 4 triệu đồng/công trình. Nhiều xã do đối tượng có nhu cầu vay cao nên nguồn vốn này lại được rải ra và xé lẻ mức 2-3 triệu đồng/công trình để thêm nhiều người được vay. Vốn cho vay học sinh, sinh viên mức 1 triệu đồng/tháng còn thấp so chi phí thực tế.

Chúng tôi có dịp cùng cán bộ tín dụng về cơ sở sản xuất đồ mộc cao cấp của anh Nguyễn Nhâm Chức tại chợ Dành (Thụy Văn) - nơi tạo việc làm cho 10 thợ, anh được vay mức 20 triệu đồng vốn giải quyết việc làm. Tính ra, chỉ đủ tiền mua 1 - 2 khối gỗ, không thấm tháp gì so với nhu cầu của cơ sở.

Hy vọng năm 2013, cùng với nguồn vốn của Ngân hàng CSXH Trung ương, tỉnh và huyện quan tâm dành một phần từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách hàng năm hình thành quỹ giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Bài, ảnh: TỐ Hoa

  (NHNN Chi nhánh tỉnh)

 

  • Từ khóa