Thứ 7, 16/11/2024, 04:47[GMT+7]

Nuôi cá trắm đen: Lớn nhanh - lãi lớn

Thứ 6, 04/01/2013 | 08:01:16
15,149 lượt xem
Huyện Thái Thụy có khoảng 2.000 ha ao, đầm nước ngọt và vùng chuyển đổi từ cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Thời gian qua, trong khi một số hộ gia đình còn loay hoay với việc lựa chọn đối tượng nuôi thế nào cho phù hợp thì ông Phạm Văn Thụy ở xã Thụy Sơn lại đầu tư mô hình nuôi hàng ngàn con cá trắm đen cho hiệu quả kinh tế cao được nhiều người dân trong vùng đến học tập kinh nghiệm.

Ảnh: Nguồn internet

Khi chúng tôi đến thăm mô hình, cũng là lúc ông Thụy đã xuất bán cơ bản lượng cá trắm đen ra thị trường. Ông chia sẻ: hai vợ chồng ra đầu tư tại vùng chuyển đổi cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản của xã Thụy Sơn từ năm 1998; đã từng nuôi rất nhiều loại cá truyền thống nhưng một số đối tượng nuôi do nhiều nguyên nhân đã bị thoái hóa, dễ bị nhiễm bệnh nên năng suất không cao, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Sau khi tìm hiểu một số mô hình nuôi thủy sản, nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, ông đặc biệt quan tâm đến con cá trắm đen. Bởi hiện tại, cá trắm đen được nhiều người dân ưa chuộng, nhu cầu cần lớn nhưng ít hộ nuôi đơn lẻ mà chủ yếu nuôi xen ghép với các loại cá khác.

Ở Thái Thụy, lượng don khai thác hàng năm rất lớn, giá rẻ và đây chính là nguồn thức ăn dồi dào cho cá. Năm 2011, ông  nuôi thử nghiệm 200 con trắm đen, không ngờ thắng lớn, sau 1 năm nuôi bình quân mỗi con đạt từ 4 đến 5kg, bán với giá 140 đến 150 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi mấy chục triệu đồng. Năm 2012, được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hỗ trợ một phần vốn, tập huấn kiến thức KHKT, gia đình quyết định đầu tư xây dựng mô hình nuôi 3.333 con trắm đen trên diện tích 5.000m2 ao. Trước khi thả cá, ao nuôi được tháo cạn, tu sửa bờ mái, dọn vệ sinh, nạo sạch lớp bùn, rắc vôi bột, phơi đáy ao từ 3 đến 5 ngày để tiêu diệt các loại mầm bệnh, sau đó lấy nước sạch vào bảo đảm độ sâu từ 1,5 đến 1,8m.

Tháng 4/2012, ông Thụy sang  trại giống ở Namon> Định mua cá giống về thả. Do lần đầu tiên nuôi trắm đen với quy mô lớn như vậy nên suốt quá trình nuôi ông thực hiện nghiêm quy trình chăm sóc, phòng dịch cho cá; trong đó nguồn thức ăn cho cá chủ yếu từ tự nhiên: don kết hợp cua, ốc bảo đảm tươi sống. Hàng ngày, hai vợ chồng ông Thụy giành phần lớn thời gian bên ao để theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của cá, điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, tránh để dư thừa vừa lãng phí thức ăn lại gây ô nhiễm nguồn nước nuôi. Tháng thứ nhất, cho cá ăn lượng thức ăn bằng khoảng 20% trọng lượng cơ thể, những tháng sau giảm dần và đến tháng thứ 4, thứ 5 trở đi cho cá ăn bằng 12% trọng lượng cơ thể. Định kỳ, ông kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá bằng cách kiểm tra ngẫu nhiên 10 con tính trọng lượng và chiều dài trung bình của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Cùng với đó, nguồn nước trong ao nuôi cũng được thay thường xuyên và duy trì mức từ 1,5 đến 1,8m, khi cá lớn trên 2kg duy trì mực nước sâu 2m.

Kết quả, cá trắm đen trong ao nuôi của ông Thụy sinh trưởng và phát triển nhanh: từ kích cỡ ban đầu của con giống 250g/con, sau 6 tháng nuôi thả bình quân mỗi con đạt trọng lượng 2,3kg/con. Cá thu hoạch đến đâu, bán hết ngay đến đó. Do nuôi với mật độ dầy hơn nên trọng lượng cá không bằng năm ngoái nhưng ông Thụy tính sơ sơ: 3.333 cá giống trắm đen nuôi thả trên 5.000m2 ao, trừ tỷ lệ hao hụt, đến khi thu hoạch sản lượng đạt 5,747 tấn, năng suất bình quân 11,494 tấn/ha.

 Mặc dù năm nay, giá bán cá trên thị trường thấp hơn năm ngoái nhưng vẫn được 100.000đ/kg nên tổng thu nhập đạt gần 575 triệu đồng, sau khi trừ chi phí giống, thức ăn, công chăm sóc… mô hình vẫn lãi 325 triệu đồng. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý nếu hộ nào quyết định đầu tư nuôi cá với quy mô lớn, vào thời điểm tháng 7 sang tháng 8 là giai đoạn chuyển mùa cần cho cá ăn thêm thuốc phòng bệnh để tăng sức đề kháng; nếu có nhu cầu lưu giữ  để thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán phục vụ nhu cầu của người dân thì cần thực hiện các biện pháp giữ ấm và chăm sóc cá để lưu giữ qua đông.

Ông Thụy cho biết thêm: từ khi đầu tư trên mô hình chuyển đổi, chưa bao giờ nuôi cá lại thắng lớn và lãi cao như vậy. Dự kiến, năm 2013 gia đình sẽ mở rộng diện tích nuôi cá trắm đen, tăng số lượng lên từ 5.000 đến 7.000 con. Ngoài nuôi cá trắm như ông Thụy, được biết ở Thái Thụy những năm gần đây một số gia đình cũng đã thành công với các mô hình nuôi cá lóc bông, cá vược, cá rô phi đơn tính… góp phần mở ra hướng nuôi đối tượng thủy sản mới cho địa phương. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những mô hình đơn lẻ, nếu muốn nhân rộng huyện cần có cơ chế chính sách đồng bộ khuyến khích hỗ trợ về giống, vốn, tập huấn KHKT để nông dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích nuôi trồng góp phần tăng thu nhập, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa