Thứ 5, 14/11/2024, 11:11[GMT+7]

Ngành Tài chính - Điều hành ngân sách linh hoạt những tháng cuối năm

Thứ 3, 03/08/2021 | 09:31:19
4,307 lượt xem
Mặc dù mới hết tháng 7/2021 nhưng tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) đã đạt 86,8% dự toán, tổng chi ngân sách địa phương đạt hơn 60% dự toán. Tuy nhiên, trong bối cảnh thực hiện nhiệm vụ còn gặp nhiều khó khăn nên để hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2021 đạt hơn 14.090 tỷ đồng và chi ngân sách địa phương đạt hơn 12.201 tỷ đồng, trong những tháng cuối năm, ngành Tài chính chủ động xây dựng phương án điều hành ngân sách linh hoạt, từ đó tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.

Công ty Cổ phần Sợi Eiffel (khu công nghiệp Gia Lễ, huyện Đông Hưng) cam kết nộp đủ hơn 9 tỷ đồng tiền thuế được gia hạn theo Nghị định số 52 vào ngân sách nhà nước sau khi hết thời hạn gia hạn.

Một trong những khó khăn lớn nhất đối với công tác thu ngân sách trong những tháng cuối năm đó là dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, việc thực hiện Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 sẽ làm chậm khoảng 520 tỷ đồng phải nộp ngay vào NSNN, từ đó tạo ra áp lực lớn cho công tác thu NSNN những tháng cuối năm.

Xác định rõ khó khăn, những tháng cuối năm, ngành Tài chính tập trung triển khai các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác thu ngân sách trên địa bàn. Là một trong những đơn vị đóng góp tích cực vào tăng thu cho NSNN, đến hết tháng 6/2021, tổng thu nội địa do ngành Thuế quản lý đạt hơn 4.466 tỷ đồng, đạt 66,5% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 51,3% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 44,9% tổng thu ngân sách địa phương. 

Ông Đỗ Hồng Nam, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Tuy 6 tháng đầu năm 2021 Thái Bình là 1 trong 50 tỉnh, thành phố bảo đảm dự toán thu ngân sách do ngành Thuế thực hiện đạt trên 50% nhưng không vì thế mà ngành Thuế Thái Bình chủ quan trong công tác thu ngân sách những tháng cuối năm. Thông qua hội nghị sơ kết thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã nghiêm túc kiểm điểm những tồn tại, hạn chế trong công tác thu ngân sách, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp khắc phục nhằm thu triệt để các nguồn thu trên địa bàn. Cùng với đó, ngành Thuế tích cực triển khai các cơ chế, chính sách, đặc biệt là các cơ chế, chính sách mới; chú trọng cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế nhằm tạo môi trường thuận lợi, rõ ràng, minh bạch cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với nhà nước; chủ động rà soát để thu kịp thời các khoản thuế được gia hạn theo Nghị định số 52 vào NSNN, không để xảy ra tình trạng người nộp thuế lợi dụng chính sách hỗ trợ của nhà nước để trốn thuế, chây ỳ và nợ đọng tiền thuế; đồng thời, chủ động phối hợp với các huyện, thành phố nắm bắt các thông tin để thu kịp thời tiền sử dụng đất vào ngân sách đối với các dự án đã hoàn thành việc đấu giá quyền sử dụng đất.

Sản xuất tại Công ty TNHH Sao Vàng chi nhánh Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

Không chỉ chú trọng xây dựng các giải pháp tăng thu cho NSNN, trong những tháng cuối năm, ngành Tài chính còn tập trung kiểm soát hoạt động chi bảo đảm triệt để tiết kiệm nhưng vẫn đáp ứng kịp thời các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế và nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội. Từ kết quả chi ngân sách những tháng đầu năm cho thấy, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên từ nguồn thu ngân sách trên địa bàn, ngành Tài chính tập trung chi cho phát triển kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó đặc biệt chú trọng kiểm tra, rà soát tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đối với từng dự án, trên cơ sở đó kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các dự án sớm được giải ngân nguồn vốn. Chính vì thế, đến hết tháng 6/2021, Thái Bình là tỉnh đứng thứ hai cả nước (sau Hải Phòng) về giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản với số tiền đạt hơn 2.451 tỷ đồng, đạt 75% dự toán. Với quan điểm đó, trong những tháng cuối năm, ngoài việc ưu tiên kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19, ngành Tài chính tiếp tục điều hành chi đầu tư xây dựng cơ bản trong phạm vi kế hoạch vốn được giao, kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có hiệu quả, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cùng với đó, toàn ngành xây dựng phương án huy động các nguồn lực theo quy định trong trường hợp thu ngân sách địa phương giảm so với dự toán được giao để bảo đảm cân đối ngân sách năm 2021.

Với sự chủ động và tích cực triển khai các phương án điều hành ngân sách linh hoạt, hy vọng rằng kết thúc năm 2021, ngành Tài chính sẽ hoàn thành ở mức cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - ngân sách, từ đó tạo bước đệm quan trọng để tiếp tục phấn đấu hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025.

Đến hết tháng 7/2021:
  • Tổng thu NSNN ước đạt hơn 12.712 tỷ đồng, đạt 86,8% dự toán, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, thu nội địa ước đạt hơn 5.217 tỷ đồng, đạt 76% dự toán, tăng 43,2% so với cùng kỳ năm 2020; thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt 930 tỷ đồng, đạt 84,5% dự toán, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020.
  • Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt hơn 7.330 tỷ đồng, đạt hơn 60% dự toán; trong đó, chi phát triển kinh tế ước đạt hơn 3.249 tỷ đồng, đạt 99,78% dự toán, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2020; chi tiêu dùng thường xuyên ước đạt hơn 3.988 tỷ đồng, đạt gần 46% dự toán, đạt 100% so với cùng kỳ năm 2020.


Minh Hương