Thứ 7, 16/11/2024, 04:28[GMT+7]

Năm 2022, các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước đạt 7,91%

Thứ 3, 14/09/2021 | 15:25:15
1,757 lượt xem
Sáng ngày 14/9, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hội nghị trực tuyến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi Bắc Bộ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022. Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Bình.

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Bình.

Từ đầu năm đến nay, mặc dù chịu tác động không nhỏ của dịch Covid-19 nhưng các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Hồng đã có nhiều sáng tạo trong kiểm soát dịch, nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, không để đại dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi liên kết toàn cầu và làm đứt gãy nền kinh tế.

8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số địa phương tăng cao như: Hải Phòng 20,63%, Vĩnh Phúc 15,23%, Hà Nam 14,9%, Thái Bình 12,3%; tổng thu ngân sách nhà nước của vùng đạt 356.000 tỷ đồng, chiếm 33,5% tổng thu cả nước; kim ngạch xuất khẩu đạt 72 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2020; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 52,9%, cao hơn khoảng 10% so với mức bình quân chung của cả nước, trong đó các địa phương có tốc độ giải ngân cao như: Quảng Ninh 102,4%, Hải Phòng 91,68%, Thái Bình 85,8%, Hà Nam 85,75%. Ước đến hết năm 2021, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước của khu vực đạt khoảng 7,04%.

Năm 2022 được nhận định sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng vẫn phát triển ổn định hơn, dự kiến tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước đạt 7,91%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 1.166 nghìn tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước hơn 518.000 tỷ đồng, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 99,7%...

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Bình.

Tại hội nghị, đại diện một số địa phương phát biểu làm rõ hơn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời, đề xuất các kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và giải ngân vốn đầu tư công như: quan tâm bố trí vốn triển khai thực hiện một số dự án trọng điểm mang tính kết nối vùng, sớm thông báo kế hoạch vốn năm 2022 làm cơ sở để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện…

Phát biểu kết luận, đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết và trách nhiệm của các địa phương bởi thông qua các ý kiến này sẽ là cơ sở để Bộ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp nhằm xây dựng chương trình phục hồi kinh tế ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Đối với việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022, đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý các địa phương một số vấn đề khi thực hiện như: đánh giá toàn diện, phân tích các mặt được, chưa được và làm rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan đối với tình hình triển khai thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công 8 tháng, ước thực hiện cả năm 2021; rà soát, căn cứ vào các chỉ tiêu của Tổng cục Thống kê dự kiến trong 9 tháng năm 2021 để xây dựng các kịch bản tăng trưởng cho phù hợp với tình hình chung của đất nước và khả năng phát triển của địa phương; rà soát, cắt giảm, điều chuyển những dự án giải ngân chậm sang cho những dự án giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn trong năm 2021; căn cứ nhu cầu thực tế và tình hình giải ngân, khả năng triển khai của từng dự án để bố trí nguồn vốn cho phù hợp, tránh tình trạng phải đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân…

Minh Hương