Thứ 7, 16/11/2024, 04:32[GMT+7]

Đông Hưng Kinh tế trụ vững trước khó khăn

Thứ 3, 15/01/2013 | 08:45:20
1,128 lượt xem
Năm 2012, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như diễn biến phức tạp của thời tiết, sâu bệnh, giá các mặt hàng tiêu dùng tăng, giá nông sản thực phẩm giảm mạnh đã tác động không nhỏ tới sản xuất và đời sống của người dân, tuy nhiên kinh tế của Đông Hưng vẫn có bước tăng trưởng khá.

Xưởng may của chị Nguyễn Thị Thục xã Phú Lương (Đông Hưng) tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Tổng giá trị sản xuất ước thực hiện 2.444 tỷ đồng, tăng 7,59%; trong đó lĩnh vực nông nghiệp đạt 846 tỷ đồng, tăng 2,27%, lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 758,4 tỷ đồng, tăng 8,4%, thương mại - dịch vụ đạt 573,2 tỷ đồng, tăng 11,39% so với năm 2011.

Để có được kết quả trên, Đông Hưng đã vượt qua khó khăn không nhỏ của thời tiết ở cả vụ xuân, vụ mùa và vụ đông. Do sức ép thời gian từ vụ mùa sang vụ đông ngắn, lại kèm theo mưa kéo dài ở thời điểm thu hoạch lúa mùa cùng với thời vụ gieo trồng cây màu ưa ấm, huyện đã vận động nhân dân chuyển từ trồng cây ưa ấm sang cây ưa lạnh. Nếu như các năm trước đây, cây ưa ấm thường chiếm 70-80% diện tích thì vụ đông năm 2012 Đông Hưng tập trung chủ lực vào cây khoai tây và bí xanh số 2. Nhờ có chính sách hỗ trợ giống cho bà con nên Đông Hưng đã hoàn thành đủ diện tích cây vụ đông, theo kế hoạch đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong sản xuất vụ lúa xuân, Đông Hưng tiếp tục có bước chuyển đổi cơ cấu giống và phương thức thâm canh. Với tổng diện tích gieo cấy 12.200 ha, trong đó giống ngắn ngày đạt trên 90%; tỷ lệ gieo sạ đạt 4.000 ha. Tuy nhiên, đây là vụ lúa diễn ra không được thuận lợi do điều kiện bất thường của thời tiết, tình trạng rét đậm, rét hại nhiều ngày khiến trên 50ha mạ dài ngày bị chết, diện tích còn lại chậm phát triển. Trước thực trạng đó, huyện đã tuyên truyền, chỉ dẫn nông dân  khắc phục hậu quả mạ chết, lúa chết, đẩy nhanh tiến độ gieo cấy theo đúng kế hoạch.

Ngoài ra, huyện chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp thâm canh, kịp thời phát hiện bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu gây hại trên đồng ruộng không để lây lan ra diện rộng. Trong vụ lúa mùa,  toàn bộ 12.100 ha lúa của huyện cũng bị ảnh hưởng do mưa kéo dài nhiều ngày dẫn tới lúa chín chậm hơn so với kế hoạch. Nhưng với sự chỉ đạo tích cực, kịp thời từ huyện tới các địa phương nên toàn bộ diện tích được thu hoạch nhanh chóng tạo quỹ đất cho vụ đông ưa ấm. Do đó lĩnh vực trồng trọt vẫn duy trì năng suất lúa cả năm bình quân đạt 135,75 tạ/ha.

Lĩnh vực chăn nuôi cũng là năm người nông dân trong huyện gặp nhiều khó khăn do giá nông sản liên tiếp giảm, nhất là giá thịt lợn, trong khi giá cám tăng cao. Nhiều hộ nông dân đã không còn mặn mà với chăn nuôi, thậm chí còn bỏ trống chuồng. Trước thực trạng đó, các cấp chính quyền đã tập trung tuyên truyền nông dân duy trì chăn nuôi, thực hiện tái đàn đồng thời cũng có kiến nghị với cấp trên về việc bình ổn giá giúp nông dân yên tâm đầu tư vào chăn nuôi. Do đó mặc dù đàn gia súc giảm nhiều so với năm 2011 nhưng trong những tháng cuối năm các hộ dân tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, tổng đàn gia cầm có chiều hướng gia tăng, đưa giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 6,08%.

Trong lĩnh vực công nghiệp - TTCN bị ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, giá cả thị trường không ổn định, nhất là ảnh hưởng từ cơn bão số 8 nên nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng điêu đứng, sản xuất ngưng trệ. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là một số ngành hàng truyền thống như sản xuất vật liệu xây dựng, thêu thảm, gia công cơ khí, gia công đồ gỗ mỹ nghệ. Tuy nhiên với sự chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp tổng thể động viên hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhanh chóng khắc phục hậu quả của bão sớm ổn định sản xuất. Nhiều ngành hàng vẫn tiếp tục tăng trưởng như dệt may, mây tre đan, móc hộp xuất khẩu, bật lửa ga. Doanh thu của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các cụm công nghiêp trên địa bàn đạt khoảng 1.302,5 tỷ đồng. Các làng nghề vẫn giữ vững và phát triển tạo việc làm tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động trên địa bàn. Trong năm, toàn huyện có 118 doanh nghiệp hoạt động thương mại - dịch vụ, trên 16.000 cơ sở dịch vụ thương mại cá thể. Một số dịch vụ như vận tải hàng hóa, hành khách, viễn thông, khám chữa bệnh tăng hơn so với cùng kỳ.

Năm 2013, Đông Hưng phấn đấu tổng giá trị sản xuất đạt 2.627,7 tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm 2012, trong đó ngành nông nghiệp đạt 867,3 tỷ đồng, ngành công nghiệp - XDCB đạt 1.164,4 tỷ đồng và thương mại - dịch vụ đạt 641 tỷ đồng. Với mục tiêu trên, Đông Hưng sẽ tập trung quy hoạch vùng sản xuất gắn liền với quy hoạch nông thôn mới, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu giống lúa, mùa vụ, thực hiện cơ chế hỗ trợ cho những xã thực hiện cánh đồng mẫu. Tiếp tục thực hiện tốt cơ chế khuyến khích đầu tư của huyện, có biện pháp cụ thể để thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp, duy trì ổn định, phát triển sản xuất trong các làng nghề, chú trọng phát triển các ngành dịch vụ...

Bài, ảnh: Thu Thủy

  • Từ khóa