Thứ 7, 16/11/2024, 04:42[GMT+7]

An Thanh Đổi thay từ đồng ruộng

Thứ 5, 24/01/2013 | 08:30:09
1,215 lượt xem
Thăm cánh đồng thôn Thượng, xã An Thanh (Quỳnh Phụ), chúng tôi như ngợp trước cánh đồng thẳng cánh cò bay, giao thông thủy lợi nội đồng vươn tới từng đầu ruộng. Niềm vui được sản xuất trên những thửa ruộng liền bờ, liền khoảnh đã trở thành hiện thực đối với người nông dân nơi đây. Ai cũng phấn khởi ra đồng để chỉnh trang ruộng đồng chuẩn bị cho một vụ sản xuất mới.

Tiến hành đo đạc, chuẩn bị chia ruộng cho nhân dân ở thôn Thượng

Đang san sửa cho thửa ruộng giáp đường trục liên xã, bà Nguyễn Thị Lan, thôn Thượng phấn khởi nói với chúng tôi: Lúc đầu nghe xã, thôn phổ biến sẽ thực hiện dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), đa số người dân chúng tôi chưa đồng lòng vì lo sẽ bốc phải thửa ruộng xấu hơn trước; nhưng khi được tuyên truyền về lợi ích sau DĐĐT, bà con chúng tôi đã hiểu và rất đồng thuận. Nhìn những thửa ruộng rộng lớn, nhà nông chúng tôi như được “đổi đời”, không còn cảnh gánh mạ, phân gio bước trên bờ thửa bé tí teo mới đến ruộng nhà mình.

Trước đây, gia đình tôi cấy 7 sào ruộng, được chia thành 5 mảnh ở những nơi cách xa nhau. Mỗi lần ra thăm đồng hay phun thuốc sâu, làm cỏ, bón phân cũng mất cả ngày trời. Nhưng nay gia đình tôi chỉ còn lại 1 thửa, bờ vùng bở thửa đều rộng nên máy móc sẽ xuống được tận ruộng, không còn phải gặt bằng tay như trước. Hơn nữa, lại giảm được thời gian, chi phí sản xuất, phá nhiều bờ ngăn, tiết kiệm đất đai để sản xuất những giống lúa hàng hóa.

Vụ xuân 2013 này, bà dự kiến sẽ cấy 100% giống lúa BC 15 theo sự chỉ đạo của Hợp tác xã nông nghiệp. Bởi, đây không chỉ là giống lúa cho năng suất cao, ít sâu bệnh mà cấy BC15 sẽ được Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình thu mua làm giống với giá cao hơn thị trường từ 25 - 30%. Thôn Thượng là thôn duy nhất của xã An Thanh thực hiện DĐĐT 100% diện tích đất nông nghiệp. 3 thôn còn lại (Minh Đức, Đông, Thanh Mai) không thực hiện DĐĐT diện tích đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch KCN Cầu Nghìn mở rộng.

Mặc dù có diện tích phải dồn đổi lớn nhất (chiếm trên 50%) nhưng với sự đồng thuận trong dân nên chỉ sau 3 tháng, thôn Thượng đã hoàn thành công tác DĐĐT. Ông Nguyễn Duy Chống - Trưởng thôn cho biết: Cả thôn có 326 hộ, trước đây ruộng đất mỗi nhà vài ba mảnh dẫn đến sản xuất manh mún. Biết việc DĐĐT sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho mỗi người dân, nhưng để mở được “cánh cửa” lòng dân là việc không dễ. Đây là việc lớn, việc chung của cả thôn. Và “chìa khóa” để thực hiện thành công DĐĐT chính là sự đoàn kết, đồng thuận, quyết tâm trong Đảng, trong dân.

Vì vậy, các cán bộ trong thôn xác định, chỉ có đem ra bàn bạc công khai, dân chủ thì mới sớm hoàn thành. Theo đó, thôn đã chia thành 3 tổ để triển khai họp trong dân. Sau khi người dân đã đồng thuận thì tiến hành quy hoạch ruộng đất trên bản đồ, các gia đình được chia thửa (diện tích của mỗi hộ không thay đổi) qua hình thức lấy phiếu bốc thăm, hộ nào nhà ở liền kề ruộng được phân ngay thửa đó. Từ chỗ mỗi hộ có 4 - 8 thửa, nay chỉ còn 1 - 2 thửa, số hộ có một thửa chiếm gần 40%. Trước DĐĐT, toàn thôn Thượng có trên 1.570 thửa, nay chỉ còn 460 thửa. Diện tích thửa ruộng lớn nhất là 8,5 sào, nhỏ nhất cũng gần 2 sào.

Đồng chí Vũ Quang Tặc, Bí thư Đảng ủy xã An Thanh chia sẻ: Việc DĐĐT là việc làm khó, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của toàn dân nên không thể nóng vội. Đảng bộ xã đã xác định mục tiêu trong nghị quyết Đảng bộ xã là: “Dồn điền đổi thửa để phục vụ xây dựng nông thôn mới” và phát động phong trào “Toàn Đảng, toàn dân tham gia góp đất, hiến đất xây dựng nông thôn mới”. Trên tinh thần đó, Đảng ủy xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp cùng thực hiện, có sự phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ, đảng viên, dựa trên những nguyên tắc, quy trình và giải pháp chặt chẽ, vì quyền lợi người sử dụng đất; bảo đảm tất cả các thửa ruộng chia cho từng hộ đều giáp đường giao thông nội đồng và có hệ thống thủy lợi đến tận đầu ruộng canh tác.

Theo đó, vận động các gia đình cán bộ, đảng viên gương mẫu làm trước. Tất cả đều được tổ chức công khai, minh bạch, từ tổ chức hội nghị nhân dân, vận động các hộ tự nguyện nhận phần đất khó, bốc thăm chọn vị trí ruộng, đến tổ chức chia ruộng trên thực địa và ra quân làm thủy lợi nội đồng. Những ngày ra quân làm thủy lợi nội đồng, không chỉ có người dân mà có cả các tổ chức, đoàn thể, trống rong, cờ mở để nhân dân thấy đây không phải việc của “mấy ông cán bộ”, mà là của toàn dân. Tuy vậy, khi tiến hành chia đất ngoài thực địa, một số người vẫn phản đối. Toàn xã có 6 đơn kiến nghị. Đặc biệt tại thôn Đông phải đo lại đến 3 lần, nguyên nhân chủ yếu do tiểu ban thực hiện còn sai sót, trong quá trình làm sổ sách còn thiếu dẫn đến 15 hộ không có ruộng khi chia đất ngoài thực địa. Chính vì vậy, thôn Đông đã phải đo lại 3 lần mới hoàn chỉnh. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ xã xuống thôn, đặc biệt là sự đoàn kết, nhất trí trong dân nên An Thanh đã hoàn thành công tác DĐĐT và chỉnh trang đồng ruộng. Số thửa giảm từ 3,3 thửa xuống còn 1,76 thửa/hộ. Toàn xã đã đào đắp trên 53.000m3 bờ vùng, bờ thửa.

Vụ xuân 2013 là vụ đầu tiên bà con nông dân xã An Thanh tiến hành sản xuất trên thửa ruộng mới, có được sau khi thực hiện DĐĐT. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để mở rộng diện tích cấy lúa giống cho Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân. Hơn nữa, sau DĐĐT xã An Thanh đã có quỹ đất để xây dựng các công trình phúc lợi theo tiêu chí nông thôn mới.

Bài, ảnh: Minh Nguyệt

  • Từ khóa