Thứ 7, 16/11/2024, 04:56[GMT+7]

Gieo mạ khay và sử dụng máy cấy ở Vũ Hòa

Thứ 2, 28/01/2013 | 07:53:08
3,675 lượt xem
  Cùng với Lê Lợi và Thanh Tân, Vũ Hòa là xã đi đầu của huyện Kiến Xương đưa máy cấy vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao năng suất lao động, giảm nhân công, chi phí giống. Bên cạnh đó, HTX DVNN  Vũ Hòa đã nhanh nhạy triển khai mô hình dịch vụ mạ khay, cung cấp mạ tới các hộ có nhu cầu.

Những khay mạ được chăm sóc trong vườn ươm

Từ năm 2012, Vũ Hòa  thử nghiệm cấy 2 ha bằng mạ khay với các giống lúa ngắn ngày cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội so với các phương thức gieo truyền thống khác. Vụ xuân 2013, HTX DVNN mạnh dạn đầu tư 1 chiếc máy cấy, và sản xuất mạ khay phục vụ bà con. Anh Nguyễn Văn Tuấn, Chủ nhiệm HTXDVNN cho biết: Đây là năm đầu tiên HTX mở dịch vụ cung ứng mạ khay cho các hộ dân nhưng được bà con đồng tình ủng hộ hưởng ứng cao, lượng đặt hàng lớn. Hiện tại, HTX có khoảng 7 - 10 nhân công tham gia sản xuất khoảng 5.000 khay mạ đủ để gieo cấy khoảng 30 ha trong khung thời vụ sản xuất chung. Xã viên đăng ký khá đông nhưng do năm đầu HTX chưa đầu tư thêm cơ sở vật chất nên chỉ đáp ứng được một phần. Hiện, HTX gieo mạ khay bằng các giống lúa Nhật Bản, BC15, Bắc thơm 7. Mỗi sào cấy khoảng 6 khay, với giá bán hiện tại 12.000 đồng/khay. Như vậy chi phí giống khoảng 72.000 đồng/sào, so với giống mua ngoài thì giá thành tương đương; nhưng người dân không phải mất công cho các khâu: làm đất, gieo mạ, phòng trừ sâu bệnh; còn khâu vận chuyển lại đơn giản, tiện lợi hơn. Mạ khay không chỉ dùng cho máy cấy mà có thể dùng cấy tay (khoảng 6.000 giảnh/khay). Một ưu điểm nữa khi dùng mạ khay đó là tiết kiệm được lượng thóc giống do tỉ lệ nảy mầm rất cao.

Trong sản xuất mạ khay yêu cầu khắt khe từ khâu tuyển chọn giống tới khâu làm đất. Giống được chọn phải là F1, nguyên chủng thì mới có những khay mạ đạt chất lượng. Có giống tốt còn phải thực hiệm nghiêm các quy trình trước khi gieo: xử lý làm sạch, tẩy độc nhằm giúp hạt giống đề kháng được các bệnh. Đất dùng gieo mạ là đất thịt trung bình, để khô 1 – 2 tháng tạo độ hoai mục sau đó được làm nhỏ, sàng qua lưới, trộn hỗn hợp mùn cưa/ trấu nghiền, lân, đạm, kali, vi sinh và thuốc kích thích rễ, ủ đống từ 10 – 13 ngày rồi cho vào khay, độ dày đất khoảng 20 cm, cho đất dàn đều và phẳng ở khay. Mỗi khay gieo từ 150 – 200g  tùy từng loại giống. Nếu thời tiết thuận lợi, xử lý đúng quy trình thì từ 16 – 18 ngày có thể đưa mạ ra ruộng cấy. Anh Nguyễn Văn Tuấn, Chủ nhiệm HTX cho biết thêm: ý tưởng thực hiện dịch vụ mạ khay được sự quan tâm, giúp đỡ của huyện (hỗ trợ 2000 khay gieo mạ), xã ủng hộ, tạo mọi điều kiện khuyến khích nhân dân tham gia, người dân thì nhiệt tình hưởng ứng. Sau thành công của vụ xuân 2013, tới đây, HTX đề nghị với UBND xã cho mở rộng diện tích vườn ươm mạ để tăng quy mô, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bà con.

Vụ xuân này, Vũ Hòa cũng mở rộng diện tích gieo sạ hàng với khoảng 25 – 30% diện tích. Trên những thửa ruộng ô bàn cờ vuông vắn, tiếng máy cày, máy bừa đang hối hả lật từng lượt đất, chuẩn bị cho gieo cấy. Và chỉ ít ngày nữa thôi, “tay cấy sắt” sẽ thay con người làm nên một vụ lúa bội thu.

        Lưu Ngần

  • Từ khóa

Do trong sang - 6 năm trước

Toi muon mua khay gieo mạ sdt 0982878568

Tải thêm