Thứ 7, 16/11/2024, 04:21[GMT+7]

Hưng Hà Vững chãi “cây cổ thụ” làng nghề

Thứ 6, 01/02/2013 | 09:29:24
1,306 lượt xem
Vào những ngày cuối năm, không khí ở các làng nghề dệt khăn truyền thống ở Thái Phương, dệt chiếu cói ở Tân Lễ, Thị trấn Hưng Nhân lại nhộn nhịp như xưa. Các làng nghề dệt may ở Hưng Hà đã trải qua một năm có nhiều biến cố, âu cũng là lẽ thường tình của quy luật cung, cầu.

In hoa văn trên sản phẩm chiếu cói truyền thống ở xã Tân Lễ (Hưng Hà). Ảnh: Ngọc Linh

Năm 2012, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ sản xuất ở hầu hết các địa phương trong tỉnh bị bao trùm bởi sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, trong nước lạm phát cao, bất ổn của nền kinh tế vĩ mô. Do đó, một số doanh nghiệp đã phải giải thể, ngừng sản xuất; những doanh nghiệp, hộ sản xuất trụ được cũng giảm năng lực sản xuất và doanh thu… Trong bối cảnh chung ấy, một số doanh nghiệp, làng nghề ở Hưng Hà cũng bị ảnh hưởng khá nặng nề, sản phẩm làm ra khó bán, tiêu thụ chậm, lao động có ít việc làm. Song, Hưng Hà có các làng nghề truyền thống hàng trăm năm nay, như cây cổ thụ bám sâu vào lòng đất mẹ đã nhanh chóng vươn lên phục hồi sản xuất, trụ vững trước những bất ổn của thị trường, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng CN-TTCN của huyện. Tổng giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 1.812,2 tỷ đồng, tăng 8,79% so với năm 2011.

Hình ảnh một số làng nghề dệt khăn ở Hưng Hà khi chúng tôi về trong những tháng đầu năm 2012 vẫn còn in đậm, bóng dáng công nhân trong các công ty, xí nghiệp chỉ còn lác đác, những chiếc máy dệt nằm im ỉm… Ông Hoàng Minh Chính, Trưởng phòng Công thương lúc đó lo lắng tâm sự: Hàng dệt may cơ bản phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, trong khi đó các nước đang rơi vào thời kỳ suy thoái và khủng hoảng nợ công tràn lan nên xuất khẩu đã giảm mạnh, khoảng 21% so với những tháng đầu năm 2011; trong khi đó các doanh nghiệp dệt may chủ yếu là nhỏ và vừa nên rất khó khăn trong việc khai thác thị trường xuất khẩu mới, thị trường truyền thống thì đơn đặt hàng giảm, do đó đã tồn kho trên 2.500 tấn khăn, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh của các làng nghề.

Ðặc biệt, giá trị sản xuất ngành dệt may của Hưng Hà luôn chiếm 50% giá trị sản xuất CN-TTCN trong toàn huyện, do đó đã tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng kinh tế chung. Cũng trong dịp này, chúng tôi được ông Trần Viết Chính, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT mời dự cuộc họp tháo gỡ vốn vay cho các doanh nghiệp dệt may. Tại đây, nhiều vấn đề được các chủ doanh nghiệp dãi bày và kiến nghị về giảm lãi suất, gia hạn thời gian vay. Theo các doanh nghiệp thì các tháng đầu năm việc xuất khẩu hàng dệt may giảm từ 40 - 50% sản lượng; đồng thời giá cũng giảm mạnh, từ 6 USD/ kg khăn xuống còn 3,8 – 4 USD/kg. Các doanh nghiệp chủ yếu mới thành lập nên năng lực cạnh tranh thấp, ít vốn, chưa có khả năng ra nước ngoài tìm kiếm thị trường; trong khi đó vẫn phải duy trì sản xuất để bảo đảm việc làm cho người lao động, cũng như giữ chân họ gắn bó với công ty.

Vì vậy, việc cứu vãn 54 doanh nghiệp dệt may trong huyện đã đặt lên vai các cấp ủy, chính quyền và một số ngành liên quan như ngân hàng, thuế. Qua đây không chỉ giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của huyện mà còn duy trì, phát triển các làng nghề đã có hàng trăm năm nay. Theo đó, Hưng Hà đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất thông qua một số cơ chế chính sách hỗ trợ mua máy dệt khăn mới; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong việc xét duyệt dự án thành lập các doanh nghiệp mới để làm đầu tầu dẫn dắt cho các làng nghề phát triển... Ðặc biệt, trong buổi thảo luận với các doanh nghiệp về những khó khăn vướng mắc, ông Trần Viết Chính, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT đã thông báo quyết định giảm lãi suất tiền vay của các đơn vị dệt may bắt đầu từ tháng 7 đến 25/12/2012, từ 13%/ năm xuống 11%/ năm.

Nhờ có sự vào cuộc kịp thời của các cấp, các ngành và nỗ lực của những người yêu nghề, cùng các doanh nghiệp đã vươn lên tiếp tục duy trì sản xuất có hiệu quả. Các hộ dân, doanh nghiệp đã tiếp tục đầu tư máy móc, chấn chỉnh lại sản xuất, do đó 44 làng nghề và 4 xã nghề vẫn giữ vững tiêu chí được UBND tỉnh công nhận trước đó. Hiện nay, trên địa bàn toàn huyện Hưng Hà có 5.208 máy dệt khăn, tăng 227 máy; máy dệt chiếu cói nilon 231 máy, tăng 83 máy so với năm 2011. Tổng giá trị sản xuất của các làng nghề đạt 1.332,36 tỷ đồng (giá thực tế), tăng 9,3% so với năm 2011. Cùng với các làng nghề truyền thống, một số nghề mới du nhập về cũng phát triển khá ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao, như nghề sản xuất men rượu, men vi sinh, bánh mứt kẹo doanh thu bình quân đạt 10 – 15 tỷ đồng/ 1 cơ sở.

Ngoài ra, năm 2012 Hưng Hà còn tiếp nhận thêm 12 dự án đầu tư vào huyện, với tổng số vốn đăng ký 66,4 tỷ đồng; trong đó 8 dự án đang hoàn thiện hồ sơ thuê đất và san lấp mặt bằng, 4 dự án đã đi vào hoạt động. Nhìn chung các doanh nghiệp và làng nghề ở Hưng Hà có sự gắn bó mật thiết với nhau, bởi những doanh nghiệp dệt may chủ yếu từ hộ sản xuất đi lên. Chính vì vậy, dù trong hoàn cảnh khó khăn nào thì việc gắn bó không bị tách rời, tạo thành một khối thống nhất để duy trì và phát triển nghề và làng nghề thêm bền vững.

Vào những ngày cuối năm, không khí ở các làng nghề dệt khăn truyền thống ở Thái Phương, dệt chiếu cói ở Tân Lễ, Thị trấn Hưng Nhân lại nhộn nhịp như xưa. Các làng nghề dệt may ở Hưng Hà đã trải qua một năm có nhiều biến cố, âu cũng là lẽ thường tình của quy luật cung, cầu. Cái chính là những người con của làng nghề đã không nản chí trước khó khăn, vẫn bám nghề và tìm giải pháp vươn lên để nghề truyền thống của ông cha tiếp tục phát triển, góp phần nâng cao cuộc sống, làm giàu cho quê hương.

Nguyên Bình

 

  • Từ khóa