Chủ nhật, 17/11/2024, 07:41[GMT+7]

Sôi động nghề chế biến gỗ ở An Đồng

Thứ 2, 30/08/2010 | 08:12:14
3,748 lượt xem
Thực hiện Nghị quyết số 01 của Tỉnh uỷ về phát triển nghề và làng nghề, đến nay An Đồng đã có 3/6 thôn được UBND tỉnh cấp bằng công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề. Đây cũng là xã có số lượng làng nghề được công nhận nhiều nhất huyện Quỳnh Phụ. Trong đó chỉ riêng nghề chế biến gỗ đã có tới gần 40 cơ sở, mỗi năm mang lại giá trị sản xuất hàng chục tỷ đồng và tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại xã An Đồng (Quỳnh Phụ). Ảnh: Ngọc Trâm

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Sĩ Kha- Phó Bí thư Đảng uỷ xã cho biết, mặc dù nằm xa trung tâm huyện nhưng An Đồng lại là xã có ngành nghề thủ công phát triển rất sôi động. Ngay từ thập niên 80 của thế kỷ trước, xã đã phát động phong trào đi học nghề và đưa nghề về làng.

Tuy nhiên, chỉ từ sau khi Tỉnh uỷ có Nghị quyết số 01 kết hợp với hàng loạt các cơ chế của xã như cho thuê đất, quy hoạch điểm công nghiệp, tạo thuận lợi về thủ tục vay vốn tín dụng…thì nghề và làng nghề ở An Đồng mới thực sự phát triển nhanh và bền vững. Trong số hơn 40 ngành nghề thủ công hiện có, An Đồng rất tự hào với hai nghề mang đặc trưng riêng đó là nghề vận tải thuỷ với đội tàu lớn nhất huyện (toàn xã có 18 tàu, mỗi chiếc có trọng tải từ 500- 600 tấn) và nghề chế biến gỗ. Các nghề này tuy không phổ biến đến từng hộ gia đình, nhưng  chúng tạo ra giá trị sản xuất rất lớn và người lao động có thu nhập tương đối cao. Ông Kha cho biết thêm, chế biến gỗ là nghề thủ công truyền thống của địa phương nhưng trước đây chủ yếu là làm tại nhà và chỉ sản xuất đồ gỗ dân dụng.

Mấy năm trở lại đây do nhu cầu ngày càng lớn và đa dạng của thị trường về mặt hàng gỗ các loại thì các xưởng gỗ mới được đầu tư mở rộng, tuyển thêm lao động và sản xuất cả các mặt hàng gỗ mỹ nghệ. Hiện tại xã có 2 doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ và dân dụng là Đức Long và Long Đĩnh. Chủ hai cơ sở nói trên là anh em sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống làm nghề mộc đã hơn hai chục năm. Lúc đầu cả hai đều làm tại nhà, sản xuất quy mô nhỏ, làm thủ công là chính, mặt hàng làm ra chủ yếu phục vụ tiêu dùng tại chỗ. Sau đó do nhu cầu ngày càng tăng của thị trường và được xã tạo điều kiện về mặt bằng, hai anh đã đứng ra thành lập doanh nghiệp, đầu tư xây dựng nhà xưởng và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Đến thời điểm này, doanh nghiệp Đức Long đã đầu tư xây dựng nhà xưởng rộng trên 3.000 m2 với đầy đủ các khu chức năng như kho gỗ, xưởng tạo dáng, khu lắp ráp và đánh bóng, khu phun sơn... Sản phẩm của công ty rất đa dạng gồm cả đồ gỗ mỹ nghệ và đồ gỗ dân dụng kiểu âu- á như: bàn nghế các loại, sập gụ, tủ chè, kệ ti vi, giường, cánh cửa, cầu thang, đồ thờ cúng, tranh gỗ nghệ thuật... Trao đổi với chúng tôi, chủ doanh nghiệp cho biết, sản phẩm của công ty hiện đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước; hàng làm ra tới đâu tiêu thụ hết tới đó. Do đầu ra ổn định nên doanh nghiệp Đức Long đang tạo việc làm cho khoảng 100 lao động, chủ yếu là người địa phương với mức thu nhập trung bình từ 1,5- 3 triệu đồng/ người/ tháng. Ngoài 2 doanh nghiệp nói trên, ở An Đồng còn tới gần 40 cơ sở chế biến gỗ có quy mô nhỏ lẻ, sản xuất tại hộ gia đình và nằm phân tán ở hầu khắp các thôn. Trong đó riêng thôn Tây Lễ Văn có tới 80 lao động tham gia làm nghề mộc, giá trị sản xuất mỗi năm lên tới gần 5 tỷ đồng. Hầu hết các cơ sở chế biến gỗ ở An Đồng đều nhận làm đa dạng các sản phẩm dân dụng theo yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên cũng có một số cơ sở chỉ sản xuất một mặt hàng. Điển hình như xưởng mộc của gia đình anh Đỗ Văn Rĩnh, thôn Đông Lễ Văn chuyên sản xuất trụ cầu thang, cơ sở này đang tạo việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập gần 3 triệu đồng/ người/ tháng.

Không chỉ phát triển về bề rộng, đây còn là nghề có tỷ lệ cơ giới hoá rất cao, người lao động đòi hỏi phải có tay nghề và những kỹ năng nhất định. Ngoại trừ một số hoạ tiết hoa văn đòi hỏi phải làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, còn lại hầu hết các công đoạn đều được làm bằng máy như: cưa, bào, khoan, đánh bóng, phun phủ sơn... Nhờ vậy năng suất lao động được đẩy lên rất cao, kết hợp với các chi tiết hoa văn làm thủ công tạo ra các sản phẩm có độ tinh xảo cao, mẫu mã đa dạng, kiểu dáng phong phú từ đồ giả cổ đến hiện đại đáp ứng nhu cầu tiêu dùng khác nhau của thị trường.

Nghề chế biến gỗ cùng với các ngành nghề thủ công khác ở An Đồng đang tạo việc làm ổn định cho khoảng 1.300 lao động, thu nhập bình quân từ nghề đạt từ 600 nghìn đến 2,5 triệu đồng/ người/ tháng. Ngành nghề phát triển còn góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh kế trung bình của xã giai đoạn 2005- 2010 ở mức 13,4%/ năm.   

Vũ Mạnh

  • Từ khóa