Thứ 7, 16/11/2024, 02:23[GMT+7]

Công nghiệp- TTCN Tiền Hải Hướng tới một năm phát triển ổn định

Thứ 3, 19/02/2013 | 07:50:56
926 lượt xem
Tiền Hải là một trong hai “trung tâm” công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN – TTCN) lớn nhất tỉnh. Năm 2012, CN - TTCN nơi đây chịu hai tác động bất lợi cho SX - KD, nhưng bằng sự nỗ lực của các doanh nghiệp và sự chỉ đạo sát sao của huyện nên tổng giá trị sản xuất (GTSX) vẫn đạt 1.629,5 tỷ đồng; tuy chỉ bằng 90% kế hoạch cả năm nhưng vẫn tăng trưởng 10% so với năm trước.

Tạo khuôn cho sản phẩm sứ gia dụng.

Đến nay, khu CN khí đốt Tiền Hải với diện tích 250ha hiện có 45 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Tiền Hải còn có 2 cụm CN Hoàng Long và Cửa Lân, cũng có hàng chục dự án đăng ký đầu tư, nhiều xí nghiệp, nhà máy hoạt động. 35 xã, thị trấn của huyện còn có 27 làng nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đến nay, năm 2012 là năm khó khăn nhất đối với CN - TTCN.

Tại khu CN, bên cạnh khó khăn về cạn kiệt nguồn khí đốt, phải thay đổi và đầu tư sang công nghệ sử dụng nhiên liệu từ than hóa khí làm giá thành tăng cao, khủng hoảng tài chính, kinh tế khiến các sản phẩm sứ, thủy tinh không xuất khẩu được. Ở trong nước, thị trường bất động sản đóng băng nên tốc độ xây dựng phát triển chậm, sứ vệ sinh ứ đọng lớn. Có thời điểm lượng hàng tồn kho tới hơn 30%, vốn “nằm chết” vẫn phải chịu lãi suất tiền vay, đúng là “cháy nhà hai đầu”.

Tại các làng nghề, phần do tác động suy thoái, một phần do chất lượng hàng hóa thấp không tiêu thụ được,  tiền công thấp làm nhiều lao động bỏ việc nên chỉ còn 15 làng duy trì được sản xuất, 7 làng hoạt động cầm chừng, 5 làng “chết hẳn”. Khó khăn chồng khó khăn khi cơn bão số 8 đổ bộ trực tiếp vào Tiền Hải gây thiệt hại nặng cho 100% nhà máy, xí nghiệp của huyện. Nhiều đơn vị chịu tổn thất nặng nề như Công ty sứ Đông Lâm thiệt hại khoảng 25 tỷ đồng, Đại Cường 23,1 tỷ đồng, Mikado 22,2 tỷ đồng, Hảo Cảnh 14,6 tỷ đồng. Tổng thiệt hại do bão gây ra cho các doanh nghiệp Tiền Hải tới hàng trăm tỷ đồng. Được sự hỗ trợ của tỉnh, của huyện và bằng nội lực của các cơ sở sản xuất CN là chính, các doanh nghiệp đã “quyết liệt cầm cự” chờ thời cơ phát triển, nên cũng có những ngành hàng như gạch ốp lát Ceramic đạt sản lượng 16 triệum2, tăng 6,7%; sứ vệ sinh đạt 2,2 triệu sản phẩm, tăng 10%. Một số cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản đạt tăng trưởng so với năm 2011 từ 3,8% đến 7,8%. Tại khu vực làng nghề, nhiều chủ doanh nghiệp năng động, sáng tạo vượt qua được khó khăn như doanh nghiệp Tây An vẫn đạt doanh số 12 tỷ đồng/ năm; DN Phương Anh đạt 22 tỷ đồng, duy trì việc làm cho hàng ngàn lao động tại nhà và đóng góp được gần 2 tỷ đồng vào NSNN. Duy trì được SX và tăng trưởng nên Tiền Hải vẫn giữ được ổn định xã hội. Thu nhập của lao động tuy ở mỗi doanh nghiệp, ở từng ngành hàng có khác nhau, nhưng người lao động vẫn yên tâm; phối hợp, cộng tác với chủ doanh nghiệp tìm giải pháp vượt qua khó khăn trước mắt, hy vọng vào năm 2013 sáng sủa hơn.

Năm 2013, Tiền Hải đặt ra mục tiêu GTSX CN - TTCN đạt 2.133 tỷ đồng, tăng 15,6% so với năm 2012. Ngoài kỳ vọng, Tiền Hải có cơ sở để tin tưởng khi đưa ra mục tiêu trên. Đó là các doanh nghiệp đã chịu đựng khó khăn nhiều năm đứng trụ đến nay, ít nhiều đã rút ra được những kinh nghiệm tổ chức sản xuất và tìm kiếm thị trường. Nhờ chú trọng xúc tiến đầu tư, Tiền Hải đã có thêm nhiều doanh nghiệp và năm 2013 có một số nhà máy, xí nghiệp đi vào hoạt động. Một số doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, năm 2013 sẽ cho ra sản phẩm mới… Về khách quan, các doanh nghiệp (cả trong và ngoài khu CN) đang hy vọng dự án đưa khí đốt từ ngoài khơi vào bờ sớm hoàn thành, đẩy lùi khó khăn về nhiên liệu và hạ được giá thành sản phẩm. Năm 2013, các cơ sở sản xuất công nghiệp cũng mong vào gói cứu trợ của Chính phủ, nên đều cố gắng duy trì và tìm kiếm thị trường trước mắt và tương lai.

Với vai trò quản lý nhà nước và tham mưu cho huyện về CN - TTCN, Phòng Công Thương đã có một số giải pháp như: Phối hợp với Sở Công Thương, với Ban quản lý các khu công nghiệp thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu CN và 2 cụm CN. Khuyến khích các doanh nghiệp đã đăng ký thực hiện phương châm “đi tắt, đón đầu” đầu tư chiều sâu sử dụng công nghệ tiết kiệm khí đốt; công nghệ “sản xuất sạch hơn”. Phòng cũng làm tốt công tác tham mưu cho huyện hỗ trợ Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Namon> để sớm “kéo khí vào bờ”. Tăng cường cán bộ xuống cơ sở sản xuất và làng nghề nắm vững tình hình SX – KD, tham mưu cho huyện và đề nghị với tỉnh có biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, phối hợp với Trung tâm Khuyến công và các cơ sở dạy nghề đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động, tiếp thu thêm những nghề mới có đầu ra ổn định, phù hợp với điều kiện địa phương.

Phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn tìm các giải pháp nhằm duy trì và phát triển làng nghề. Phòng đề nghị với các ngành thuế, ngân hàng và các ngành liên quan, khi triển khai cơ chế hỗ trợ của Chính phủ nên kịp thời phối hợp làm tốt các quy trình, thủ tục… góp phần cùng với toàn ngành CN – TTCN thực hiện được mục tiêu GTSX và tốc độ tăng trưởng năm 2013 đề ra.

Bài, ảnh: Phan Lợi

  • Từ khóa