Thứ 7, 16/11/2024, 02:26[GMT+7]

Hiệu quả mô hình gieo sạ ở Thái Thành

Thứ 3, 19/02/2013 | 07:56:11
2,024 lượt xem
Một năm với không ít khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, nhưng vượt lên những thách thức ấy Thái Thành đã gặt hái được những thành công lớn. Trong đó phải kể đến sự bứt phá của mô hình lúa gieo sạ, gieo vãi.

Gieo sạ vụ xuân ở xã Đông Vinh (Đông Hưng). Ảnh: Ngọc Linh

Chúng tôi về Thái Thành (Thái Thụy) những ngày bà con nông dân nơi đây chuẩn bị bước vào sản xuất vụ xuân 2013. Trong sự bận rộn cuối năm, cùng thời điểm vừa thực hiện đào đắp giao thông thủy lợi nội đồng, dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp song niềm vui được mùa vẫn hiện hữu trên từng nét mặt nông dân nơi đây. Một năm với không ít khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, nhưng vượt lên những thách thức ấy Thái Thành đã gặt hái được những thành công lớn. Trong đó phải kể đến sự bứt phá của mô hình lúa gieo sạ, gieo vãi.

Nếu như vụ xuân năm 2010, Thái Thành chỉ thí điểm 16 héc-ta gieo sạ ở thôn Phúc Tân, thì năm 2012 toàn xã đã nhân rộng được 250 héc-ta. Trong tâm trí nông dân thôn Phúc Tân nói riêng, xã Thái Thành nói chung vẫn nhớ như in vụ đầu tiên đưa vào thí điểm mô hình này. Đợt rét lịch sử kéo dài tới 38 ngày trong vụ xuân năm ấy đã làm nhiều diện tích lúa sau cấy bị chết rét, nhưng 16 héc-ta khảo nghiệm phương thức mới vẫn hiên ngang trước cái rét thấu xương. Mặc dù thời gian thu hoạch có chậm lại, song mô hình gieo sạ đã khẳng định được tính ưu việt ngay từ vụ đầu tiên. Năng suất lúa tăng 30 kg/sào so với lúa cấy truyền thống, đó là chưa kể tới công cấy và nhiều chi phí sản xuất khác giảm được rất nhiều.

Diện tích gieo sạ, gieo vãi của Thái Thành liên tục được mở rộng trong từng năm, bên cạnh việc thuyết phục người dân bằng hiệu quả sản xuất, phải kể đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, sự điều hành trực tiếp của Ban quản trị Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, cùng cán bộ khuyến nông. Tiêu biểu trong việc mở rộng diện tích gieo sạ ở Thái Thành là thôn Phúc Tân. Tới nay thì diện tích gieo sạ của thôn chiếm tới 90% diện tích canh tác. Thực tế cho thấy với phương thức gieo cấy truyền thống, một ngày mỗi người tối đa chỉ cấy được 1 sào, còn đối với phương thức gieo sạ bình quân mỗi người có thể sạ được 4 – 5 sào/ngày, những người có kinh nghiệm gieo vãi thì được cả mẫu ruộng. Phương thức gieo sạ còn có thể tiết kiệm chi phí sản xuất gần 300.000 đồng/sào, đặc biệt phương thức này phù hợp với tình trạng thiếu hụt lao động nông thôn như hiện nay. Cũng do mạnh dạn tiếp thu mô hình gieo sạ gieo vãi, năm 2012 bình quân năng suất lúa toàn xã đạt 127 tạ/héc-ta.

Để mở rộng diện tích gieo sạ trên 50% ở vụ xuân năm 2013, cùng với xây dựng đề án sản xuất, bố trí cơ cấu giống phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, xã Thái Thành đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp. Đây là điều kiện thuận lợi để nông dân nơi đây áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa nông nghiệp, đặc biệt là mở rộng diện tích gieo sạ, gieo vãi. Ban quản trị Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp nêu cao vai trò điều hành tạo sự nhất quán, đồng bộ trong triển khai thực hiện đề án. Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng sau dồn đổi, ông Phạm Hùng Khiên – Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thái Thành cho biết: “Để thuận lợi cho việc gieo sạ vụ xuân này, Hợp tác xã phát động nhân dân đồng loạt ngâm ủ và gieo trong khung thời vụ từ ngày 6 đến 14/2. Một tháng trước khi nông dân bắt tay vào gieo cấy lúa xuân, Hợp tác xã đã cung ứng 8 tấn giống các loại, 5 tấn phân bón NPK Đầu Trâu; hoàn thành nạo vét 10.000m3 thủy lợi mặt ruộng, tu bổ một số cầu cống, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trong sản xuất.

Một mùa xuân mới đang về trên miền quê Thái Thành, tin rằng với kinh nghiệm thâm canh, sự cần cù năng động của người dân nơi đây, Thái Thành sẽ là một trong những đơn vị điển hình của huyện về sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững.

Hoàng Hương

(Đài Phát thanh Thái Thụy)

  • Từ khóa