Thứ 7, 16/11/2024, 07:31[GMT+7]

Nông dân làm giàu nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật

Thứ 5, 03/02/2022 | 10:10:11
5,170 lượt xem
Những năm qua, nhiều nông dân Thái Bình với truyền thống cần cù, chịu khó, tư duy dám nghĩ, dám làm đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập.

Chị Hương tất bật thu hoạch cam bán cho thương lái.

Chị Hương trồng cam sạch
Với nhiều người, sau khi đi xuất khẩu lao động trở về sẽ chọn một ngành nghề ít bụi bặm để khởi nghiệp; thế nhưng, chị Nguyễn Thị Hương, thôn Phú Thứ, xã Vũ Hội (Vũ Thư) lại chọn sản xuất nông nghiệp làm hướng đi chính. Dốc toàn bộ vốn liếng hơn 2 tỷ đồng tích góp được, chị Hương quyết định thuê lại hơn 2,7ha đất cấy lúa kém hiệu quả đầu tư xây dựng mô hình trang trại tổng hợp với những loại cây trồng chủ lực như cam đường canh, ổi, táo, hồng xiêm, bưởi đồng thời thả nuôi một số loại cá truyền thống. Để bảo đảm chất lượng nông sản, chị sử dụng nguồn phân chuồng ủ với trấu, chế phẩm vi sinh, bột đỗ tương, phân bón từ cá đem ủ trong một năm rồi bón cho cây. Mỗi lần bón, chị cắt tỉa cành, tiến hành đảo rễ cho cây cam và bón phân xung quanh để bộ rễ của cây phát triển đồng đều, hấp thụ tốt dinh dưỡng của đất. Cách làm này giúp cây cam đường canh của gia đình chị có năng suất cao hơn từ 20 - 25%, chất lượng được bảo đảm, quả ngon, ngọt. Chị Hương cho biết: 700 gốc cam đường canh, 400 gốc ổi, 70 gốc táo giúp gia đình tôi thu về từ 35 - 40 tấn hoa quả các loại mỗi năm, sau khi trừ chi phí còn lãi từ 800 - 900 triệu đồng. Thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục thuê thêm đất để mở rộng sản xuất, không chỉ đầu tư hệ thống tưới tự động mà còn xây dựng kho lạnh bảo quản nông sản để có thể xuất khẩu.

Mô hình trồng cam đường canh của chị Nguyễn Thị Hương, thôn Phú Thứ, xã Vũ Hội (Vũ Thư) cho thu nhập cao.

Chị Hiền chăn nuôi dê
Gia đình chị Tô Thị Hiền, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) lựa chọn con dê “làm đầu cơ nghiệp”. Với 400m2 chuồng trại, chị Hiền nuôi hơn 100 con dê sữa, dê thịt. Chị sử dụng nguồn cám gạo ủ cùng với bột ngô, muối ăn và cỏ mulato của Thái Lan để cho dê ăn giúp đàn dê được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, sản lượng sữa tăng từ 1,8 - 2 lít/con. Chị Hiền cho biết: Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào khẩu phần ăn giúp dê dễ hấp thụ chất dinh dưỡng, từ đó cho sữa ngọt hơn, nhiều hơn so với nuôi bằng những thứ cỏ khác. Gia đình tôi đầu tư hệ thống máy thanh trùng, máy ủ, phòng lạnh để bảo quản các sản phẩm từ sữa dê như sữa uống, sữa chua đóng hộp. Sau gần 5 năm nuôi dê, gia đình tôi đã gây dựng được thương hiệu và có được thị trường, toàn bộ sản phẩm đều có các cửa hàng trên địa bàn huyện đặt mua. Gia đình tôi dự tính năm 2022 sẽ nhập thêm 70 con dê thuần chủng của Thụy Sĩ và Pháp về để nuôi bởi đây là giống dê có sức khỏe tốt, thời gian cho sữa lâu hơn, sản lượng sữa luôn đạt từ 2,8 - 3 lít/con; đồng thời liên kết với 15 hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện để nuôi dê sữa, dê thịt nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Với mô hình này, sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu về gần 1 tỷ đồng/năm.

Mô hình nuôi dê lấy thịt và sữa của chị Tô Thị Hiền, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) thu về gần 1 tỷ đồng/năm.

 “Cam Bố Hạ giúp tôi làm giàu”
Đó là chia sẻ của nông dân Vũ Thị Hoa, thôn Trần Phú, xã Tây Đô (Hưng Hà) khi nói về giống cam Bố Hạ được gia đình chị trồng trong vườn nhà. Với 1 mẫu đất chuyển đổi từ diện tích cấy lúa kém hiệu quả, gia đình chị Hoa đã đầu tư gần 300 triệu đồng để mua 100 gốc cam Bố Hạ, 60 gốc táo, đào ao thả nuôi các loại cá truyền thống như cá trắm, cá chép. Để tiết kiệm công chăm sóc, gia đình chị đã đầu tư gần 100 triệu đồng cho hệ thống tưới nước và phun thuốc tự động; sử dụng nguồn phân chuồng, lá cây ăn quả ủ cho hoai mục rồi bón cho cây trong vườn. Chị Hoa chia sẻ: Thời gian đầu khi gia đình đưa giống cam Bố Hạ về trồng, rất nhiều người khuyên ngăn bởi thị trường lúc đó chỉ ưa chuộng cam sành, cam vinh… Thế nhưng, sau hơn 5 năm đưa vào trồng, cây cam Bố Hạ đã giúp gia đình tôi có nguồn thu nhập cao. Tôi bán cam tại vườn với giá bình quân từ 40.000 - 50.000 đồng/kg. Giống cam Bố Hạ có màu vàng tươi, quả to, tròn, đẹp mắt, cùi hơi dày, da hơi sần và thường chín gần dịp tết Nguyên đán, giống cam này càng để lâu cho vỏ héo lại thì ăn càng ngon nên được nhiều người tìm mua. Sau khi trừ chi phí, mô hình của gia đình tôi thu về hơn 600 triệu đồng/năm.

Mô hình trồng cam Bố Hạ, táo, đào ao thả cá của gia đình chị Vũ Thị Hoa, thôn Trần Phú, xã Tây Đô (Hưng Hà) cho thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm.

Việc sản xuất thực phẩm an toàn là hướng đi đúng đắn, bền vững của ngành nông nghiệp nói chung, nhiều nông dân Thái Bình nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, nông dân Thái Bình cũng như nông dân các địa phương khác vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp, hộ sản xuất nông sản sạch còn nhỏ lẻ, chưa kiểm soát được chi phí đầu vào dẫn đến sản phẩm đầu ra có giá thành cao. Trong khi đó, nhận thức của người dân về nông nghiệp sạch vẫn còn hạn chế, thích mua nông sản giá rẻ thay vì sử dụng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông sản sạch. Chính vì thế, những mô hình nông nghiệp sạch như của chị Hương, chị Hiền, chị Hoa cần được nhân rộng để người dân có thêm cơ hội tiếp cận những sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, người nông dân cần nhất là sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp giúp họ có thêm nhiều kiến thức khoa học kỹ thuật, giúp họ về vốn, giống, tạo mối liên kết chặt chẽ “bốn nhà”, đưa nền nông nghiệp ngày càng phát triển.

Hồng Quân