Thứ 7, 16/11/2024, 02:23[GMT+7]

Quỳnh Châu Đổi thay từ chăn nuôi

Thứ 3, 26/02/2013 | 08:39:17
1,259 lượt xem
Về Quỳnh Châu (Quỳnh Phụ) hôm nay, không ít người ngỡ ngàng trước sự đổi thay của mảnh đất này, những ngôi nhà mái bằng kiên cố hai, ba tầng mọc lên nhanh chóng, nhiều nông dân đã vươn lên làm giàu trên quê hương mình bằng đôi bàn tay cần cù, khối óc sáng tạo, tấm lòng hăng say lao động sản xuất. Từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 10% đến nay chỉ còn 8,8%, thu nhập đạt 19 triệu đồng/người/năm.

Gia trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Phạm Văn Huân, thôn Khả Lang (Quỳnh Châu).

Chủ tịch UBND xã - Lưu Xuân Huân cho biết: Chính quyền xã luôn xác định “phải đổi mới cách nghĩ, cách làm, từng bước xóa đói giảm nghèo, giúp người dân vươn lên làm giàu” nên ngay từ những năm 2004, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, mà trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; quan tâm vận động nhân dân xây dựng kinh tế gia đình theo mô hình VAC. Chính sự chủ động chuyển hướng này đã tạo ra bước đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế rất đáng mừng.

 

Từ độc canh cây lúa, đến nay nông nghiệp đã phát triển toàn diện theo hướng đa canh, đa con. Khác hẳn với cách tư duy tiểu nông trước kia, nhân dân xã Quỳnh Châu giờ đây sẵn sàng bỏ hàng chục triệu đồng đấu thầu dài hạn các ô ruộng lớn, úng trũng, cấy lúa kém hiệu quả để tập trung cải tạo, đào ao nuôi thả cá kết hợp với chăn nuôi gà, vịt, xây chuồng trại chăn nuôi lợn. Đến nay, toàn xã có 50 trang trại, gia trại, với gần 6.000 con lợn, 240 trâu bò, gần 43.000 con gia cầm. Hàng năm, Ban chăn nuôi thú y thường xuyên phối hợp với Chi cục Thú y huyện, Trường trung cấp Nông nghiệp Thái Bình, các đoàn thể trong xã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm; hỗ trợ phòng dịch; các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm... Đồng thời không ngừng đầu tư nâng cấp hệ thống tưới tiêu thủy lợi nội đồng tại các vùng chuyển đổi. Sau vài năm thực hiện chuyển đổi, các mô hình chăn nuôi tổng hợp ở Quỳnh Châu đã thu được những kết quả đáng phấn khởi: Mỗi gia trại, trang trại chăn nuôi vài chục đến vài trăm con lợn, hàng ngàn con gia cầm, thu lợi nhuận từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm. Vùng chăn nuôi tập trung có quy mô lớn, bà con nông dân thường nuôi thả những con vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: lợn nái ngoại, vịt siêu trứng, cá rô phi đơn tính, gà ta.... Tại các mô hình VAC, bà con đều kết hợp chăn nuôi gia súc với gia cầm để tận dụng thức ăn thừa cho cá.

 

Theo chân đồng chí cán bộ thú y xã, chúng tôi đến thăm gia trại của gia đình anh Phạm Văn Huân, thôn Khả Lang. Sau khi xã có chủ trương cho nông dân đấu thầu đất cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, anh Huân đã mạnh dạn chuyển đổi trên 1.200 m2 để thả cá kết hợp với nuôi lợn vào năm 2009. Ban đầu vốn ít, chưa có kinh nghiệm anh nuôi trên 20 con lợn thịt và đào ao thả các loại cá truyền thống như trôi, trắm, mè. Sau hơn một năm, khi đã tích luỹ được chút vốn cộng với nguồn vốn vay của ngân hàng anh bắt tay xây dựng 2 khu chuồng trại nuôi trên 100 con lợn thịt và 20 lợi nái siêu nạc. Tận dụng nguồn thức ăn thừa, anh đã kết hợp nuôi cá mè, trôi, trắm, rô phi đơn tính. Nhờ tính cần cù, chịu khó học hỏi, tuân thủ tốt yếu tố phòng dịch bệnh và được sự nhiệt tình hướng dẫn của khuyến nông viên xã nên gia trại không xảy ra dịch bệnh. Mỗi năm, anh thu lãi từ 100 - 150 triệu đồng.

 

Cũng với chí làm giàu như anh Huân, chúng tôi  đến thăm trang trại chăn nuôi lợn thịt của gia đình bác Trần Trọng Phách, thôn Hoàng Xá. Năm 2003, sau khi xã có chủ trương cho nông dân đấu thầu vùng đất úng trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, vợ chồng bác đã mạnh dạn dồn đổi ruộng, đầu tư vốn chuyển đổi trên 3 mẫu. Những ngày đầu bắt tay vào công việc, 2 vợ chồng bác phải đối mặt với “vô vàn” khó khăn, như: thiếu vốn, kinh nghiệm, kiến thức khoa học kỹ thuật, dịch bệnh... Với trên 100 triệu đồng từ nguồn tiền tiết kiệm của gia đình và thế chấp sổ đỏ, bác Phách đã quy hoạch, xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn thịt siêu nạc. Nhưng số tiền đó chỉ như “muối bỏ bể”, mới chỉ xây dựng xong 4 khu chuồng trại đã hết. Bác đành tính lấy ngắn nuôi dài, từng bước mở rộng mô hình. Được đồng lãi nào lại trả nợ và tiếp tục đầu tư vào sản xuất. Hiện tại, trang trại của bác nuôi trên 50 con lợn nái ngoại siêu nạc, trên 200 lợn thịt và gần 2 mẫu ao thả các loại cá truyền thống. Mỗi năm gia đình bác xuất bán ra thị trường từ 3 - 4 lứa lợn thịt, trên 1.000 đầu lợn con, 10 tấn cá, mang lại nguồn thu nhập trên 400 triệu đồng.

 

Sự thành công của các mô hình chăn nuôi ở Quỳnh Châu không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết vấn đề việc làm mà còn góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ của bà con nông dân sang hình thức nuôi trang trại, tập trung khép kín, cách khu dân cư, bảo đảm vệ sinh môi trường, hạn chế tối đa ô nhiễm do chất thải.

 Minh Nguyệt

 

  • Từ khóa