Thứ 7, 16/11/2024, 04:46[GMT+7]

Thành phố Thái Bình: Khát vọng vươn lên Kỳ 2: Mở rộng không gian đô thị

Thứ 6, 25/02/2022 | 08:31:58
9,980 lượt xem
Là đô thị hạt nhân có vai trò tạo sự liên kết, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, những năm qua, thành phố Thái Bình đã tập trung quy hoạch, chỉnh trang đô thị, thực hiện tốt công tác quản lý trật tự đô thị. Điều dễ nhận thấy sau những nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền là kết cấu hạ tầng kinh tế thành phố ngày càng phát triển, hiện đại; không gian đô thị được mở rộng; nhiều khu đô thị, công trình kiến trúc khang trang, ấn tượng đã làm thay đổi diện mạo thành phố.

Tuyến đường Chu Văn An kéo dài hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Hạ tầng giao thông là trụ cột 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Xác định hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ là nút thắt căn bản trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ đây bài toán đặt ra đối với thành phố là làm sao để thu hút nguồn lực nhằm khơi thông và từng bước gỡ nút thắt về giao thông. Vì vậy, thành phố đã đẩy mạnh đầu tư phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Trong giai đoạn vừa qua, với hàng loạt các công trình, dự án trọng điểm được hoàn thành và đưa vào khai thác, không chỉ nâng cao năng lực giao thông của thành phố mà còn trở thành điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan, mở rộng không gian đô thị, là niềm tự hào của người dân thành phố.

Từ vài tuyến đường chính như Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Lý Bôn... nay đã mở ra nhiều tuyến phố huyết mạch, thênh thang tạo nên những trục kinh tế xương sống cho định hướng quy hoạch thành phố hướng tới đô thị xanh, hiện đại. Giao thông thành phố giờ đã được nối dài với nhiều tuyến đường mới như vành đai phía Nam, đường Võ Nguyên Giáp, đường Kỳ Đồng kéo dài, đường Lê Quý Đôn, đường Chu Văn An kéo dài, cầu vượt sông Trà Lý... Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách thành phố ước đạt 2.349 tỷ đồng cho 215 danh mục công trình, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 170 công trình, từng bước giúp thành phố tháo được nút thắt về giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Nếu như trước đây, thành phố về phía Tây Bắc chỉ dừng lại ở đường Trần Thái Tông, thì nay đô thị đã rộng hơn rất nhiều, tạo ra một bộ mặt hoàn toàn khác với những khu phố thương mại, những khu dân cư hiện đại. Để có được như vậy, bên cạnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thì nguồn vốn huy động từ xã hội hóa cũng đóng góp rất lớn. Trong đó phải kể đến các nguồn lực đầu tư xây dựng đường Kỳ Đồng kéo dài đoạn từ Trần Thủ Độ đến quốc lộ 10, với chiều dài trên 1,6km, bề rộng 45m, lòng đường mỗi bên rộng 10,5m, dải phân cách giữa rộng 8m, vỉa hè rộng 8m. Tuyến đường đã tạo lập cửa ngõ phía Tây Bắc với trục đại lộ và khu đô thị hiện đại, đồng bộ, xứng tầm với sự phát triển mạnh mẽ của thành phố, sánh vai với sự phát triển của các tỉnh, thành phố trong khu vực. Không những thế, đây còn là dự án đầu tiên tại Thái Bình được thực hiện theo hình thức xây dựng - chuyển giao. Trong điều kiện ngân sách nhà nước trung ương và địa phương còn hạn hẹp, việc thu hút nguồn lực từ doanh nghiệp phục vụ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của thành phố là chủ trương, định hướng, quyết sách đúng đắn và cần thiết. 

Ông Nguyễn Văn Biền, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân (thành phố Thái Bình) cho biết: Đường Kỳ Đồng kéo dài đã kết nối trung tâm thành phố với cực phát triển phía Tây Bắc, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm thay đổi diện mạo xã Phú Xuân.

Gỡ nút thắt mặt bằng 

Theo tiến trình đô thị hóa, diện mạo thành phố hôm nay đã sáng, xanh, sạch, đẹp và văn minh hơn. Những tòa nhà cao tầng, khu đô thị, khách sạn, trung tâm thương mại, những tuyến đường, tuyến phố mới là những dấu ấn nổi bật mà người dân thành phố có thể vui mừng, tự hào. Nhưng để có được thành quả đó là sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, sự chung tay góp sức, đồng lòng của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), chỉnh trang đô thị. 

Ông Hoàng Văn Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố chia sẻ: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố xác định là phải làm tốt công tác đền bù, hỗ trợ GPMB. Coi hiệu quả công tác GPMB là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá năng lực công tác của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, kiên trì vận động nhân dân, bảo đảm lợi ích của người dân trên cơ sở đúng quy định của pháp luật, từ đó tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Nhiều dự án trọng điểm như tuyến đường bộ từ thành phố đi cầu Nghìn, đường 454, đường từ thành phố qua cầu Tịnh Xuyên đến huyện Hưng Hà, đường Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng... đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB. Tuy nhiên, đối với những trường hợp cố tình chây ỳ, thành phố kiên quyết xử lý, tổ chức cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật, như dự án đường Kỳ Đồng kéo dài; cải tạo, chỉnh trang khu tập thể 4 - 5 tầng phường Lê Hồng Phong, đường Chu Văn An kéo dài, bến xe khách phía Tây... 

Bà Trần Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Thái Bình cho biết: Những năm gần đây, nhiều công trình hạ tầng lớn trên địa bàn thành phố được triển khai, nhất là xây mới, mở rộng các tuyến đường. Các phường Hoàng Diệu, Tiền Phong, Trần Lãm hay xã Vũ Chính, Vũ Phúc, Phú Xuân... là những địa bàn phải thực hiện GPMB đối với đất ở, đất nông nghiệp của hàng nghìn hộ gia đình, cá nhân để phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông với diện tích đất lớn. Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, trong quá trình GPMB dự án, Trung tâm luôn thực hiện công khai, minh bạch thông tin đối với người dân. Phối hợp tổ chức họp dân, lắng nghe, chia sẻ và đối thoại với dân về những vấn đề đặt ra hoặc những vấn đề người dân thắc mắc, qua đó bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người có đất bị thu hồi. Trong năm 2021, thành phố đã tổ chức lập 47 phương án bồi thường, hỗ trợ với số tiền gần 79 tỷ đồng; thanh toán chi trả trên 92 tỷ đồng cho 562 lượt hộ gia đình, cá nhân, diện tích 9,6ha đất; hoàn thành GPMB 13 dự án...

Bà Vũ Thị Thà, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Thăng Long

Những năm qua, không gian đô thị của thành phố được mở rộng về nhiều hướng, với việc xây dựng các khu đô thị hiện đại, đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Sự hiện diện của các khu đô thị mới như Petro Thăng Long, Dragon City, Vũ Phúc không chỉ góp phần tích cực giải quyết căn bản nhu cầu nhà ở của người dân mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nên những không gian sống tốt hơn.

Ông Tống Văn Phúc, Trưởng thôn Lạc Chính, xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình

Nút thắt tại tuyến đường Chu Văn An kéo dài đoạn qua thôn Lạc Chính, xã Vũ Chính đã tồn tại hơn 10 năm nay làm ảnh hưởng đến việc đi lại của của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhưng với quyết tâm cao của các cấp chính quyền từ tỉnh, thành phố đến xã, thôn, tết Nhâm Dần 2022 tuyến đường đã hoàn thành. Bà con nhân dân rất phấn khởi khi tuyến đường mới khang trang, hiện đại, sạch đẹp, góp phần giảm ùn tắc giao thông, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

(còn nữa) 

Minh Nguyệt