Thứ 7, 16/11/2024, 02:19[GMT+7]

Phát triển kinh tế VAC ở Thái Thụy

Thứ 5, 28/02/2013 | 07:59:54
1,530 lượt xem
Năm 2012, tuy ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn do sự tác động của thiên tai, dịch bệnh, nông dân thiếu vốn sản xuất… song kinh tế VAC ở Thái Thụy vẫn được duy trì và phát triển. Nhiều hộ gia đình đã tích cực đầu tư tiền của, công sức, có cách làm hay sáng tạo cải tạo vườn tạp, xây dựng các mô hình gia trại, trang trại cho thu nhập cao vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Trang trại vùng chuyển đổi của xã Thái Đô (Thái Thụy) giúp nhiều nông dân thoát nghèo.

Bà Đồng Thị Quý, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn huyện cho biết: Hội Làm vườn Thái Thụy hiện có 5.663 hội viên. Những năm gần đây, kinh tế VAC hiện là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình nông dân nên trong các kỳ sinh hoạt, Hội đẩy mạnh việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, huyện về các trọng tâm phát triển kinh tế; vận động cán bộ, hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa, đặc biệt là ở những vùng úng trũng cấy lúa kém hiệu quả, góp công, góp sức tham gia xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, huyện và các xã, thị trấn đều phát động phong trào “Tết trồng cây”, giao chỉ tiêu mỗi người dân ít nhất trồng được một cây xanh trở lên vừa để tạo bóng mát, bảo vệ môi trường nhưng cũng sẽ mang lại lợi ích kinh tế.

Trong năm 2012, Hội Làm vườn phối hợp với Hội Nông dân huyện tổ chức 129 buổi tập huấn kỹ thuật trồng rau sạch, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học, nuôi trồng thuỷ - hải sản, nuôi con đặc sản, cải tạo vườn, ao... thu hút 5.800 lượt hội viên tham gia. Hội làm vườn các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm hay trong phát triển kinh tế vườn-ao-chuồng, hướng dẫn nông dân biết cách quy hoạch cải tạo vườn, ao, xây dựng chuồng trại bảo đảm phát triển sản xuất mà không ảnh hưởng tới môi trường, trồng nhiều cây ăn quả, cây cảnh, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Ngoài ra, tổ chức hội còn tổ chức cho nhiều hội viên tham quan mô hình VAC điển hình ở trong và ngoài huyện, cử hội viên tham dự các lớp sơ cấp chăn nuôi thú y, lớp tập huấn do Hội Nông dân huyện và Hội Làm vườn tỉnh tổ chức. Phối hợp với Hội Nông dân huyện tín chấp với các tổ chức tín dụng đưa 15,8  tỷ đồng về cho 658 hội viên vay đầu tư phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập.

Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, được tham dự các lớp tập huấn, dạy nghề kết hợp với các hoạt động hỗ trợ của tổ chức hội đã giúp cho nhiều nông dân Thái Thụy đổi mới nhận thức, tư duy trong sản xuất. Không chỉ cấy lúa, trồng cây màu ngoài đồng, bà con còn tận dụng mọi mảnh vườn, từng cái ao, khu đất hẹp ngay tại gia đình đầu tư cho sản xuất. Hầu hết các diện tích vườn tạp trên địa bàn nay đã được cải tạo trồng hoè, cây cảnh, mây, cây ăn quả. Đặc biệt, Thái Thụy là huyện dẫn đầu phong trào trồng hoè của tỉnh. Năm 2012, toàn huyện trồng được 1.560 cây hoè, nâng tổng số hoè cho thu hái lên khoảng 12 vạn cây, cho sản lượng nụ hoè gần 100.000 tấn/năm. Ngoài thị trường Trung Quốc, nụ hoè của Thái Thụy còn  được xuất khẩu sang thị trường Nhật, Đông Âu đem lại nguồn thu nhập khá cho nhiều gia đình.

Cùng với cải tạo vườn tạp, một số hội viên khác đầu tư xây dựng chuồng trại, đào ao thả cá phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tạo thế “chân kiềng” trong phát triển VAC. Vì vậy, chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán trong khu dân cư giảm dần, chăn nuôi tập trung theo hướng gia trại, trang trại ngày càng phát triển. Toàn huyện hiện có 2 khu chăn nuôi tập trung: Thụy Ninh và Thái Thọ, 103 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí mới và 2.800 gia trại các loại, nhiều vùng chuyển đổi đem lại nguồn thu nhập lớn. Điểm nổi bật nhất trong phát triển kinh tế VAC ở Thái Thụy thời gian qua là ngoài các cây, con truyền thống có giá trị, các hộ còn mạnh dạn đưa các cây, con mới vào sản xuất thâm canh như cá rô đồng giống mới, cá rô phi đơn tính, cá lóc bông, cua đồng, baba, cá sấu, hươu, thanh long ruột đỏ, ruột tím, hoa cây cảnh, chuối tiêu hồng, táo giống mới… đã làm phong phú thêm các sản phẩm cây trồng, vật nuôi của địa phương.

Điển hình như anh Trần Ngọc Hiếu - Chủ tịch Hội Làm vườn xã Thụy Duyên không chỉ tích cực tổ chức hướng dẫn các hội viên phát triển kinh tế VAC, anh còn đầu tư mở rộng trang trại, cung cấp cá sấu giống, tư vấn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho 45 hộ nuôi vệ tinh, cho thu lãi trên 3 tỷ đồng năm 2012. Anh cũng là một trong những nông dân tiêu biểu của Thái Bình được đi dự hội nghị tổng kết phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi toàn quốc, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Hay như anh Phạm Bá Thưởng, hội viên Hội Làm vườn xã Thụy Hưng, được tổ chức Hội tín chấp cho vay 100 triệu đồng cùng với nguồn vốn tự có, anh đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp  trên diện tích 2 mẫu ở vùng chuyển đổi nuôi 10 con lợn nái, 70 đến 80 con lợn thịt, 500 con gà, trồng 3 sào ổi bo, đào ao nuôi cá, mua 1 máy làm đất đa năng phục vụ bà con lúc mùa vụ. Năm 2012, thu nhập của hai vợ chồng đạt 80 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Nhằm khai thác lợi thế vùng bãi bồi ven sông Trà Lý, anh Phùng Đức Giang, thôn Tuân Nghĩa (xã Thái Thành)  đã mạnh dạn đầu tư nuôi 10 con trâu sinh sản, mỗi năm cho 5-6 nghé con, thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, còn hàng trăm hội viên làm vườn ở Thái Thụy có cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế VAC có nguồn thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/năm.

Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2013 Hội Làm vườn huyện Thái Thụy phấn đấu sẽ kết nạp thêm 300 hội viên. Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: tuyên truyền vận động hội viên tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ cây, con giống, vốn, đào tạo nghề cho nông dân, tập huấn khoa học kỹ thuật, đặc biệt là chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp sạch… để nhiều gia đình có thêm cơ hội đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa