Chủ nhật, 24/11/2024, 05:01[GMT+7]

Kiểm soát tốt sâu bệnh hại để vụ lúa xuân giành thắng lợi

Thứ 5, 05/05/2022 | 09:16:10
9,750 lượt xem
Đến ngày 5/5, toàn tỉnh có trên 7.000ha lúa trỗ bông. Mặc dù tình hình sâu bệnh hại trên lúa xuân giảm hơn cùng kỳ nhiều năm, tuy nhiên ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là từ nay tới cuối vụ.

Nông dân xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: Lúa xuân năm 2022 trên địa bàn tỉnh sinh trưởng tương đối tốt song không đồng đều giữa các trà. Lúa xuân trỗ bông chậm hơn so với cùng kỳ nhiều năm từ 7 - 15 ngày; các huyện phía Bắc tỉnh lúa trỗ tập trung từ ngày 5 - 15/5, các huyện phía Nam tỉnh lúa trỗ bông tập trung từ ngày 10 - 25/5, một số diện tích phải gieo cấy lại do rét đậm, rét hại trỗ bông cuối tháng 5, đầu tháng 6. Điểm thuận của vụ xuân năm nay là các đối tượng dịch hại phát sinh muộn hơn, quy mô gây hại thấp hơn so với cùng kỳ vụ trước. Những ngày qua, cán bộ bảo vệ thực vật đã tăng cường công tác điều tra đồng ruộng, kiểm tra diễn biến của sâu bệnh gây hại lúa để có biện pháp kịp thời khuyến cáo, hướng dẫn nông dân phòng, trừ đạt hiệu quả.

Ông Nguyễn Xuân Kiều, Giám đốc HTX DVNN xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) cho biết: Vừa qua, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố có thông báo về một số loại sâu bệnh đang phát sinh, chúng tôi đã kiểm tra đồng ruộng và phát hiện có sâu cuốn lá, rầy đang gây hại, bệnh đạo ôn tỷ lệ nhiễm bệnh ít. HTX đã phân loại các trà lúa đồng thời đánh giá mật độ, lứa sâu, từ đó xác định các diện tích cần phải phun trừ để khuyến cáo bà con nông dân các biện pháp xử lý hiệu quả, kịp thời. Vụ xuân năm nay bà con rất vất vả và tốn kém khi phải gieo cấy lại, giá phân bón tăng cao; do vậy, giám sát, phòng, trừ sâu bệnh càng phải thực hiện tốt hơn để tránh thiệt hại kép cho nông dân.

Tiền Hải là huyện ghi nhận mật độ sâu bệnh hại cao: sâu cuốn lá nhỏ nở rộ từ ngày 2 - 6/5; dự kiến mật độ trung bình từ 50 - 70 con/m2, nơi cao 100 - 200 con/m2, cục bộ 300 - 400 con/m2. Rầy các loại nở rộ từ cuối tháng 4, mật độ nơi cao từ 1.000 - 2.000 con/m2, cục bộ 3.000 - 5.000 con/m2. Bệnh khô vằn phát sinh và gây hại từ cuối tháng 4, tỷ lệ nhiễm bệnh trung bình 1 - 3% diện tích, nơi cao 10 - 20%, cục bộ từ 50 - 70% diện tích. Để bảo vệ lúa xuân, huyện phát động chiến dịch phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ cho toàn bộ diện tích, kết hợp phòng, trừ rầy, bệnh khô vằn từ ngày 3 - 6/5. Ngay từ ngày đầu phát động chiến dịch, tranh thủ thời tiết tạnh ráo, nhiều nông dân đã xuống đồng tập trung phun thuốc.

Từ ngày 3 - 7/5, trên đồng ruộng có đợt sâu cuốn lá nhỏ nở rộ, đây được dự báo là lứa sâu gây hại chính trong vụ, phân bố không đồng đều giữa các trà lúa và gây hại trực tiếp tới bộ lá đòng của cây lúa. Ngoài ra, rầy lứa 2 sẽ nở rộ trùng với thời điểm sâu cuốn lá nở rộ, vì vậy ngành nông nghiệp phát động đợt phun thuốc phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại từ ngày 3 - 7/5 cho diện tích có mật độ sâu cuốn lá nhỏ từ 20 con/m2 trở lên, chủ yếu trên trà lúa trỗ bông sau ngày 5/5 trở đi (khoảng 60.000ha); diện tích nhiễm rầy với mật độ từ 800 con/m2 trở lên. Sau phun thuốc 3 - 5 ngày phải tổ chức kiểm tra và chủ động phun lại lần 2 nếu mật độ sâu sống còn trên 20 con/m2. Ngoài ra, các địa phương rà soát đánh giá tình hình sinh trưởng của lúa xuân, bón bổ sung phân NPK cho trà lúa trỗ bông sau ngày 20/5, bón phân kali cho trà lúa trỗ bông từ ngày 5 - 20/5; khuyến cáo nông dân phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông cho trà lúa trỗ bông trước ngày 5/5 (phun lần 1 vào thời điểm lúa thấp tho trỗ, lần 2 khi ruộng lúa trỗ thoát hoàn toàn).

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn nông dân trước khi phun cần pha thuốc trong chai 0,5 - 1 lít, đậy nắp, lắc đều cho tan (dung dịch mẹ) sau đó mới cho vào trong bình và pha thêm nước cho đủ lượng nước thuốc cần phun. Khi phun thuốc phải đi xuôi theo chiều gió, đi chậm phun kỹ các tầng lá lúa, sau phun thuốc 3 giờ nếu gặp mưa phải phun lại ngay theo đúng nồng độ hướng dẫn.

Ngân Huyền