Thứ 7, 16/11/2024, 02:49[GMT+7]

Chủ động phòng trừ sâu bệnh trên lúa xuân

Thứ 6, 22/03/2013 | 08:13:30
1,809 lượt xem
Với tình hình thời tiết hiện nay và diễn biến sinh trưởng, phát triển của lúa xuân, cũng như sâu bệnh trong thời gian qua, theo nhận định của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) một số đối tượng sâu bệnh sẽ gây hại chính. Chính vì vậy các địa phương và bà con nông dân cần thực hiện phương châm phòng bệnh là chính, bằng việc tăng cường kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh, xử lý kịp thời không để lây lan trên diện rộng.

Nông dân Vũ Thư chăm sóc lúa xuân. Ảnh: Thành Tâm

Với tình hình thời tiết hiện nay và diễn biến sinh trưởng, phát triển của lúa xuân, cũng như sâu bệnh trong thời gian qua, theo nhận định của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) một số đối tượng sâu bệnh sẽ gây hại chính, gồm: Sâu cuốn lá nhỏ, đục thân hai chấm, rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ; bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá, bệnh virus, bệnh đen lép hạt… Chính vì vậy các địa phương và bà con nông dân cần thực hiện phương châm phòng bệnh là chính, bằng việc tăng cường kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh, xử lý kịp thời không để lây lan trên diện rộng.

Thực tế cho thấy, bệnh đạo ôn đã phát sinh trên mạ ở vụ xuân sớm và nặng hơn so với cùng kỳ nhiều năm, hầu hết các diện tích mạ BC15, Xi23, nếp địa phương gieo trên nền ruộng đều bị nhiễm từ rải rác đến 5%, cục bộ có ruộng bị lùn lụi. Mặc dù các địa phương đã được thông báo và hướng dẫn cách phòng trừ bệnh đạo ôn gây hại mạ, lúa, nhưng nhiều nơi vẫn không thực hiện nghiêm túc, do đó bệnh có cơ hội lây lan và phát sinh rộng. Theo điều tra của Chi cục BVTV, đến trung tuần tháng 3, toàn tỉnh có gần 4.000 ha lúa bị nhiễm đạo ôn, các vết bệnh chủ yếu là vết cấp có khả năng lây nhiễm rất cao nếu không được phòng trừ kịp thời. Dự báo, bệnh đạo ôn hại lúa sẽ phát sinh và gây hại nặng trên diện rộng từ sau ngày 20/3 đến trung tuần tháng 4, một số giống có nguy cơ nhiễm nặng là BC15, Q5, Xi23, lúa Nhật, nếp địa phương…

Ngoài bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ trưởng thành lứa 1 sẽ vũ hóa trong trung tuần tháng 3, sâu non hại trà lúa sớm từ giữa đến cuối tháng 3, mật độ nơi cao từ 10 - 20 con/m2; sâu trưởng thành lứa 2 rộ từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 4, sâu non hại trên diện rộng từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 trên trà lúa xuân sớm, trong đó các huyện phía Nam mật độ phổ biến từ 70 - 100 con/m2, nơi cao 250 - 300 con/m2; các huyện phía Bắc có mật độ từ 50 - 80 con/m2, nơi cao 150 - 200 con/m2. Đối với rầy cám lứa 2 sẽ rộ từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, gây hại chủ yếu trên lúa xuân sớm, ở giai đoạn chính vụ ôm đòng, ngậm sữa, mật độ phân bố rộng từ 500 - 1.000 con/m2, nơi cao 3.000 - 7.000 con/m2, ổ xấp xỉ 10.000 con/m2 và khả năng gây cháy vào cuối tháng 4, đầu tháng 5… Bên cạnh đó, một số đối tượng khác như chuột, ốc bươu vàng, bọ trĩ, bệnh sinh lý… sẽ gây hại cục bộ vào đầu vụ; nhện, sâu cắn gié hại cuối vụ.

Để chủ động phòng, trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại trên lúa xuân, các địa phương cần triển khai các biện pháp tổng hợp từ khâu chăm sóc, phát hiện và phòng trừ sớm sâu bệnh. Hiện nay, ngành Nông nghiệp đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ của đơn vị tăng cường công tác điều tra, phát hiện sâu bệnh kịp thời, đồng thời tổ chức tập huấn các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các địa phương. Đặc biệt là bệnh đạo ôn đang là mối nguy hại lớn cho lúa xuân, do đó các HTX DVNN cần phát động các hộ xã viên thường xuyên kiểm tra tất cả các chân ruộng của gia đình mình, khi phát hiện các vết bệnh hình thoi, màu xám tro cần tranh thủ thời tiết khô tạnh để phun thuốc trừ đạo ôn kịp thời. Theo khuyến cáo của Chi cục BVTV, bà con nông dân cần dùng thuốc đặc hiệu để phòng trừ bệnh đạo ôn, như FILIA 525SE, KATANA 20SC, BEAM 75WP…; nồng độ và lượng nước phun theo khuyến cáo trên bao bì. Riêng đối với diện tích lúa bị bệnh đạo ôn nặng, bị lùn lụi cần phải vơ, tiêu hủy các lá bệnh, sau đó tiến hành phun thuốc 2 lần, mỗi lần cách nhau 5 ngày.

Ngoài ra, phải vệ sinh đồng ruộng, cắt sạch cỏ bờ, giữ đủ nước, không để ruộng cạn, không bón đạm đơn và không dùng các chất kích thích sinh trưởng, tập trung bón hết lượng kali khi lúa đẻ nhánh rộ. Đối với sâu cuốn lá nhỏ, cần bám sát đồng ruộng từ ngày 20/4 để phòng trừ vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 nhằm bảo vệ lá công năng và lá đòng cho các trà lúa xuân. Đồng thời theo dõi diễn biến của rầy lưng trắng xuất hiện trung tuần tháng 4, kết hợp phát hiện sớm nguồn bệnh lùn sọc đen và có kế hoạch phun phòng trừ.

Vụ lúa xuân năm 2013, toàn tỉnh gieo cấy được gần 81.000 ha, trong đó lúa gieo thẳng 23.175,6 ha; lúa ngắn ngày 93%, gồm giống BC15, TBR1, Q5, CNR36… Thời vụ lúa xuân cơ bản được gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất, chênh lệch thời vụ giữa các địa phương không lớn, do vậy đến nay các trà lúa xuân đang sinh trưởng, phát triển khá tốt. Để bảo đảm cho vụ xuân giành thắng lợi toàn diện, trước mắt các địa phương cần tập trung phòng trừ bệnh đạo ôn, các đối tượng khác chưa đến ngưỡng vì vậy để tránh lãng phí thuốc và ô nhiễm môi trường, khi phun phòng trừ bệnh đạo ôn bà con nông dân không kết hợp với bất kỳ loại thuốc nào khác.

Nguyên Bình

  • Từ khóa