Thứ 7, 16/11/2024, 00:46[GMT+7]

Thành phố: Kinh tế phục hồi nhanh

Thứ 6, 15/07/2022 | 06:03:59
16,118 lượt xem
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Thái Bình đều đạt và vượt so với kế hoạch.

Sản xuất tại Công ty Cổ phần Damsan.

Các ngành sản xuất, kinh doanh phục hồi và tăng trưởng rất cao so với cùng kỳ năm trước.
6 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị sản xuất của thành phố đạt trên 21.380 tỷ đồng, tăng 15,61%; trong đó, sản xuất công nghiệp tăng 20,73% so với cùng kỳ. Thương mại, dịch vụ từng bước phục hồi và phát triển mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 18,47%. Hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng cao, giá trị xuất khẩu ước đạt 624,8 triệu USD, tăng 21,67%, giá trị nhập khẩu ước đạt 452 triệu USD, tăng 28,94%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải hành khách tăng trên 30%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 1.873 tỷ đồng, đạt 55% dự toán, tăng 31,5% so với cùng kỳ. Để đạt kết quả cao như vậy, ngay từ đầu năm UBND thành phố đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị song song với công tác chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19. 

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: UBND thành phố đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của trung ương, của tỉnh. Đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch cụ thể, theo từng cấp độ để vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa bảo đảm sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, góp phần giảm thời gian, chi phí cho nhà đầu tư và doanh nghiệp, tạo môi trường thông thoáng, hấp dẫn, thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và khởi nghiệp. Thường xuyên, định kỳ tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách thực chất, giúp các doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thành phố (DDCI) năm 2022. Nhờ đó, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét, đã cơ bản tháo gỡ một số điểm nghẽn, nút thắt và khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư để giải phóng, khơi thông các nguồn vốn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Dây chuyền sản xuất sợi của Công ty TNHH Bông Thái Bình.

Thành phố hiện có trên 2.600 doanh nghiệp hoạt động, chiếm 45% tổng số các doanh nghiệp toàn tỉnh, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề đa dạng. Hàng năm, các doanh nghiệp đã nộp gần 60% tổng thu ngân sách trên địa bàn và tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động với thu nhập ổn định. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp luôn nhận được sự đồng hành từ phía các cấp chính quyền, nhất là khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. 

Ông Phạm Đình Phú, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tấn Thành (khu công nghiệp Phúc Khánh) cho biết: Những tháng đầu năm 2022, dịch Covid-19 bùng phát mạnh nên hoạt động sản xuất, lắp ráp xe máy điện của Công ty cũng bị ảnh hưởng do nhiều công nhân mắc Covid-19. Nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, sự chủ động thực hiện tốt “5K” của doanh nghiệp, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Hoạt động sản xuất, kinh doanh dần trở lại bình thường. 6 tháng đầu năm 2022, năng suất và doanh số bán hàng tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2021, tạo việc làm ổn định cho gần 100 lao động với thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, những tháng cuối năm 2022, thành phố tiếp tục triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính, rà soát, phân cấp, phân quyền để thực hiện rõ ràng, minh bạch, bảo đảm quy trình quy định và tăng cường sự phối hợp của các phòng, ban, đơn vị, địa phương trong giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là về đất đai, xây dựng, môi trường. Thực hiện đồng bộ các giải pháp thu chi ngân sách nhà nước; khai thác các nguồn thu, đẩy mạnh công tác kiểm tra chống thất thu thuế, tích cực đôn đốc thu nộp ngân sách, thu hồi nợ đọng thuế. Thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm những khoản chi chưa cần thiết. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án trọng điểm, dự án xử lý nút thắt giao thông; rút ngắn tiến độ thực hiện các dự án và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022.


Minh Nguyệt