Thứ 7, 16/11/2024, 00:31[GMT+7]

Động lực mới cho “tam nông”

Thứ 2, 01/08/2022 | 08:19:27
16,813 lượt xem
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (NN, ND, NT) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây được xác định là nghị quyết quan trọng cho “tam nông” phát triển nhanh và bền vững.

Mô hình trồng dưa trong nhà màng của ông Nguyễn Thái, xã Bình Định (Kiến Xương) thu lãi 300 triệu đồng/năm.

Nông dân là chủ thể

Trong Nghị quyết số 19-NQ/TW, Trung ương đánh giá: Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về NN, ND, NT, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, NN, ND, NT nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết. Thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gặp nhiều khó khăn. Xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, nhiều nơi chưa chú trọng đúng mức đến phát triển sản xuất, tạo sinh kế, xây dựng đời sống văn hóa; ô nhiễm môi trường nông thôn gia tăng...

Để giải quyết những khó khăn và bất cập trên, Nghị quyết số 19-NQ/TW đề ra quan điểm NN, ND, NT là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn. Mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Chú trọng xây dựng nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, có ý chí, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường; được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước tiếp cận các dịch vụ của đô thị.

Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo...

Cơ giới hóa khâu gieo cấy.

Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại

Xác định NN, ND, NT là mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, cơ chế hỗ trợ phát triển “tam nông”. Các chủ trương, chính sách đã và đang đi vào cuộc sống, tạo nên thay đổi đáng kể về phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Hình thức tổ chức sản xuất đã chuyển dịch theo hướng ưu tiên phát triển sản xuất có năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị hàng hóa cao. Đến nay, toàn tỉnh có trên 22.000ha đất nông nghiệp được tập trung, tích tụ để sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản cho hiệu quả kinh tế cao. Hình thành và phát triển 22 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến lĩnh vực nông nghiệp, một số địa phương bước đầu ứng dụng công nghệ cao trong việc sử dụng phân bón, giống, tưới tiêu nước để phát triển sản xuất. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bước đầu đạt được những kết quả khả quan, phát huy được nhiều sản phẩm lợi thế của địa phương, vai trò cộng đồng được nâng cao. Hết năm 2021, toàn tỉnh có 64 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện, thu nhập của người dân nông thôn tăng cao (năm 2020, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 4 lần so với năm 2010), tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm nhanh. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, môi trường nông thôn được quan tâm và cải tạo.

Bước sang giai đoạn mới, trước nhu cầu thế giới chuyển sang sản phẩm chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc, hướng đến các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, trách nhiệm xã hội, Thái Bình xác định đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển công nghiệp chế biến, thích ứng với biến đổi khí hậu, kết nối bền vững các chuỗi giá trị trong, ngoài tỉnh và toàn cầu. Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò, vị thế của người tham gia sản xuất, tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn. Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị.

Đồng chí Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Xuất phát từ quan điểm này, Thái Bình sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành, lĩnh vực nông nghiệp, trong đó chú trọng xây dựng các vùng chuyên canh bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật tại các vùng sinh thái nông nghiệp của tỉnh: vùng lúa chất lượng cao, vùng rau an toàn, vùng nuôi ngao... Xây dựng mô hình nông nghiệp sinh thái ba tầng tại các xã ven sông; kết nối du lịch trải nghiệm gắn với tiêu thụ nông sản địa phương, tạo việc làm, gia tăng giá trị nông sản. Huy động các nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng, miền, địa phương theo chuỗi liên kết sản xuất kinh doanh. Xây dựng cơ sở hạ tầng liên xã, cấp huyện, vùng, bảo đảm tính kết nối theo hệ thống...


Đồng chí Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hưng Hà

Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó giải pháp đầu tiên là nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Đây là điểm mới của Nghị quyết, nhấn mạnh vai trò chủ thể của nông dân và là nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu, có tính quyết định đến sự thành công trong tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Ở Hưng Hà, vai trò của người dân luôn được Đảng bộ, chính quyền huyện quan tâm, chú trọng phát huy. Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 17/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã chỉ rõ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, tiến tới giàu có, văn minh, trong đó giải pháp đầu tiên là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Hưng Hà phấn đấu đến năm 2025 có 5 khu dân cư NTM kiểu mẫu, có thêm từ 6 xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.


Đồng chí Trần Tuấn Sỹ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bình Định (Kiến Xương)

Bám sát nghị quyết đại hội đảng các cấp, định hướng của trung ương, của tỉnh về phát triển NN, ND, NT, xã Bình Định đang nghiên cứu ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM, trong đó đề ra mục tiêu trở thành xã NTM kiểu mẫu vào năm 2025. Xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, trên cơ sở phát huy thế mạnh, chúng tôi xác định tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó tập trung đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất, xây dựng thương hiệu gạo thông qua chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); quy hoạch vùng 25ha chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản trên ao bán nổi; phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao... nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng NTM hiệu quả, bền vững.


Ngân Huyền