Thứ 7, 16/11/2024, 00:23[GMT+7]

Hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và bền vững

Thứ 5, 11/08/2022 | 16:44:03
12,020 lượt xem
Sáng ngày 11/8, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”.

Các đồng chí: Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Kim Cứ, Ủy viên Ban Thường vụ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Bình.

Video: 11822-HO_TRO_DOANH_NGHIEP_CHU_DONG_THICH_UNG_PHUC_HOI_NHANH_PHAT_TRIEN_BEN_VUNG.mp4?_t=1660223040

Các đồng chí: Lê Văn Thành, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Minh Khái, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương dự hội nghị. Tại điểm cầu Thái Bình, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan, các doanh nghiệp tiêu biểu.

7 tháng đầu năm có hơn 130.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Về quy mô, tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng hơn 37% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện cả nước có 871.275 doanh nghiệp đang hoạt động, có 49,2% số doanh nghiệp xu hướng sẽ tốt lên, 35,8% số doanh nghiệp tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định so với quý II/2022. Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra những cơ hội, thách thức và đề xuất với Chính phủ chỉ đạo 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai ngay trong ngắn hạn và có tính dài hạn để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện; đồng thời đề nghị các hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp thực hiện 10 nhiệm vụ, giải pháp để vượt qua khó khăn, đón bắt cơ hội, phục hồi sản xuất, kinh doanh nhanh và bền vững.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Bình. 

Sau khi các đại biểu thảo luận đề xuất một số giải pháp tháo gỡ tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, kết luận hội nghị, Thủ tướng  Phạm Minh Chính chia sẻ với những khó khăn doanh nghiệp, biểu dương cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực vượt lên giành được những kết quả đáng mừng. Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, kinh nghiệm, chủ động tận dụng thời cơ, giải quyết tốt các thách thức quyết tâm vươn lên góp phần đưa đất nước phát triển hùng cường.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, kiên trì thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động. Thúc đẩy mạnh mẽ các loại thị trường bảo đảm công khai, minh bạch, an toàn; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp quốc gia, đẩy mạnh xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, cải cách thủ tục hành chính; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổng rà soát mọi vướng mắc của doanh nghiệp, có kế hoạch xử lý hiệu quả, kịp thời, dứt điểm thuộc thẩm quyền. Thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư công để kích hoạt các nguồn lực xã hội trong đó có doanh nghiệp để đầu tư phát triển; làm tốt công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược, công khai đầy đủ thông tin thị trường giúp doanh nghiệp hoạch định đầu tư, sản xuất hiệu quả.

Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương sớm tháo gỡ vướng mắc trong các lĩnh vực: thuế, phí, lệ phí, phát triển vùng nguyên liệu, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất, kiểm soát dịch Covid-19, kết nối cung cầu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quy hoạch phát triển hạ tầng chiến lược phục vụ phát triển kinh tế, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phòng chống tiêu cực, không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt.

Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp phát huy vài trò bảo vệ, hỗ trợ, kết nối giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cùng nhau đổi mới, tái cấu trúc doanh nghiệp, tìm ra cơ hội phát triển. Trong đó chú ý đầu tư mạnh cho khoa học công nghệ, nâng cao trình độ tay nghề người lao động, mở rộng thị trường, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Để sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực quản trị, mô hình sản xuất, kinh doanh, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, nêu cao tinh thần tự lực tự cường, tự tôn dân tộc. Tập trung xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam có bản lĩnh, giàu lòng yêu nước, có khát vọng vươn lên làm giàu cho mình và cho đất nước. Mỗi doanh nhân, doanh nghiệp thực sự là một chiến sĩ xung kích, quả cảm, giành chiến thắng trên mặt trận kinh tế đóng góp đắc lực vào công cuộc xây dựng dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, văn minh.

Tin: Khắc Duẩn
Ảnh:  Thành Tâm