Thứ 7, 16/11/2024, 00:18[GMT+7]

Nông dân tiêu biểu toàn quốc kể chuyện làm kinh tế

Thứ 2, 22/08/2022 | 08:45:50
11,683 lượt xem
Trong chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức, anh Phạm Xuân Thủy, xã Vũ Đoài (Vũ Thư) vinh dự là một trong hai nông dân của Thái Bình được bình chọn “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022.

Anh Phạm Xuân Thủy trang bị hệ thống cho ăn tự động trong chăn nuôi gà.

Dám nghĩ, dám làm

Trong cuộc gặp gỡ với anh Thủy, ấn tượng ban đầu với chúng tôi là sự gần gũi, cởi mở, chân chất. Thế nhưng, khi được tìm hiểu, tham quan trang trại, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, khâm phục ý chí làm giàu, đặc biệt là tinh thần dám nghĩ, dám làm của người nông dân đã vượt qua hơn 200 nông dân tiêu biểu được đề cử trong cả nước, trở thành 1/100 nông dân xuất sắc năm 2022.

Dẫn chúng tôi thăm trang trại chăn nuôi rộng 7ha trên con đường bê tông rộng rãi, thẳng tắp, anh Thủy chia sẻ: Khu chăn nuôi của tôi trước đây là cánh đồng trũng, ngập úng quanh năm. Sau khi cây đay hết thời, người dân chuyển sang trồng cam nhưng cũng không phù hợp nên nơi này gần như bỏ hoang cỏ mọc quá đầu người. Năm 2012, khi xã có chủ trương chuyển đổi vùng cấy lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi, được sự tạo điều kiện của chính quyền các cấp, tôi mạnh dạn tích tụ 1ha đầu tư xây dựng trang trại nuôi gà thương phẩm. Thời điểm đó, tôi đang kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thấy người chăn nuôi trống chuồng, bỏ chuồng nhiều do chăn nuôi không hiệu quả, tôi đánh liều bỏ vốn liếng đầu tư gom đất xây dựng chuồng trại.

Bắt tay vào tạo dựng trang trại từ những viên gạch đầu tiên, chở từng xe gạch vỡ làm con đường từ ngoài đường chính vào trang trại, lên nền, đổ cát để xây dựng một trại nuôi gà đầu tiên với quy mô khoảng 3 vạn con, lấy ngắn nuôi dài, đến nay anh Thủy đã xây dựng được 11 trại nuôi gà, 2 trại lợn khép kín, quy mô chăn nuôi khoảng 100.000 con gà thịt, 1.000 con lợn/lứa.

Thành công từ những thất bại

Xây dựng chuồng trại khép kín với hệ thống làm mát: quạt thông gió, dàn mát, dàn phun mưa giúp điều hòa nhiệt độ ổn định khu vực chuồng nuôi. Bên trong chuồng là hệ thống máng nước, máng ăn tự động được sắp xếp hợp lý, phù hợp với từng ô ngăn cách nhằm tạo không gian thoải mái. Với sự đầu tư bài bản, khoa học đã giúp anh Thủy chăn nuôi ổn định, có lãi. 

Anh Thủy tiết lộ: Dù từ đầu năm đến nay giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nhưng do giá gia cầm ổn định ở mức cao nên người chăn nuôi có lãi. Từ đầu năm đến nay, tôi đã xuất bán được một lứa lợn 1.000 con và gần 200.000 con gà, doanh thu gần 4 tỷ đồng, trừ chi phí lãi khoảng 1,7 tỷ đồng.

Để có được thành công như hôm nay, anh Thủy từng trải qua hai lần mất mát, thiệt hại hàng tỷ đồng. “Đó là thời điểm năm 2019, khi bệnh dịch tả lợn châu Phi càn quét các hộ chăn nuôi, trong một đêm tôi buộc phải tiêu hủy 64 tấn lợn, thiệt hại 1,3 tỷ đồng. Sau mất mát đó, tôi quyết định thực hiện nghiêm túc quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Khách có thể vào thăm trại gà chứ trại lợn “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, chỉ có công nhân chuyên biệt ở đó đảm nhiệm công việc chăm sóc, vệ sinh, mọi hoạt động kiểm tra, giám sát tôi thực hiện qua hệ thống camera. Nếu không bảo đảm an toàn sinh học thì dịch bệnh tấn công bất cứ lúc nào. Còn chăn nuôi gà phải chọn mua nguồn giống uy tín, tiêm các loại vắc-xin đầy đủ và chỉ dùng kháng sinh cho đàn gà trong khoảng 21 ngày, sau đó đến khi xuất chuồng là nói không với kháng sinh để bảo đảm chất lượng. Lần thứ hai, tôi mất trắng mấy vạn con gà do sự cố điện khiến quạt thông gió bị ngắt. Đàn gà bị chết ngạt gần hết, thiệt hại trên 1 tỷ đồng. Sau đó, tôi quyết định trang bị hệ thống báo động kép cho trang trại để bảo đảm khi có sự cố, hệ thống sẽ sớm kích hoạt” - anh Thủy chia sẻ.

Anh Phạm Xuân Thủy trang bị hệ thống cho ăn tự động trong chăn nuôi gà.

Ngoài việc nâng cấp, tự động hóa các khâu trong chăn nuôi, anh Thủy đã xây dựng cơ sở chế biến, phối trộn thức ăn chăn nuôi để giảm chi phí, bảo đảm chất lượng sản phẩm đồng thời trong thời gian tới xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến thịt gà. Không chỉ phát triển kinh tế, trang trại của anh Thủy còn tạo việc làm với thu nhập ổn định cho 15 lao động tại địa phương.

Đánh giá về điển hình “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022, ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Hội Nông dân tỉnh đánh giá cao mô hình phát triển kinh tế từ chăn nuôi của anh Phạm Xuân Thủy. Bằng cách làm sáng tạo, đột phá trong ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi, đặc biệt, với tư duy mới, anh Thủy đã tự tìm tòi cách tiêu thụ sản phẩm hiệu quả và bền vững không chỉ cho gia đình mà còn tiêu thụ giúp nông dân trong xã. Thời gian tới, hội nông dân các cấp sẽ tiếp tục đồng hành cùng hội viên bằng nhiều chương trình hiệu quả, thiết thực. Hy vọng năm 2023 và các năm tiếp theo, Thái Bình sẽ có thêm nhiều “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.

Ngân Huyền