Thứ 7, 16/11/2024, 00:33[GMT+7]

Vũ Hòa nỗ lực ngăn chặn dịch tai xanh lây lan trên diện rộng

Thứ 3, 09/04/2013 | 08:02:47
1,244 lượt xem
Chính thức công bố dịch ngày 04/04/2013, tính đến hết ngày 07/04/2013, tổng số lợn mắc bệnh của xã Vũ Hòa (Kiến Xương) là 53 con ở 25 hộ của 2 thôn ( thôn 1 và thôn 2). Trong đó, số lợn chết đã xử lý là 01 con lợn nái, số lợn đang giám sát, điều trị là 52 con (36 lợn nái, 16 lợn thịt).

Các cán bộ thú y xã Vũ Hòa (Kiến Xương) phun hóa chất khử trùng khu vực phát bệnh.

Là nơi có nhiều cơ sở, thu mua, vận chuyển lợn cả trong tỉnh và các tỉnh lân cận, đặc biệt là Nam Định - nơi đã xuất hiện dịch lợn tai xanh; cùng với những diễn biến phức tạp của thời tiết trong giai đoạn chuyển mùa; thái độ chủ quan lơ là trong phòng chống bệnh của người dân là những nguyên nhân khiến dịch bệnh tai xanh bùng phát tại Vũ Hòa. Ngày 30/03/2013, lợn của một số hộ chăn nuôi ở xã Vũ Hòa có biểu hiện ốm với các triệu chứng sốt cao, bỏ ăn, da đỏ. Qua kiểm tra, trên địa bàn xã có 12 hộ chăn nuôi thuộc địa bàn thôn 1 có 28 con lợn ốm. Mẫu gửi xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh tai xanh.

Ngay sau khi công bố dịch, huyện Kiến Xương chỉ đạo lập 3 chốt kiểm dịch tại các đầu mối giao thông liên xã và tiến hành tiêu hủy 3 con lợn thịt không rõ nguồn gốc vận chuyển từ địa phương khác vào xã. Vũ Hòa cũng đã thành lập 2 tổ kiểm tra lưu động, tiến hành ký cam kết với 50 hộ buôn bán, giết mổ gia súc trong địa bàn xã đồng thời sử dụng hóa chất, vôi bột để tiêu độc, khử trùng tại thôn có dịch và các thôn khác. Xã yêu cầu các hộ chăn nuôi ký cam kết không bán chạy, không giết mổ lợn bệnh để tránh lây lan dịch; tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng và tích cực điều trị số lợn bị bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Ngày 7/4, Chi cục Thú y phối hợp với Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch huyện Kiến Xương, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch xã Vũ Hòa tổ chức tiêm vacxin tai xanh cho 763 con lợn trong diện phải tiêm. Xã đã sử dụng 134 kg hóa chất Benkocid, 700 kg vôi để khử trùng, tiêu độc.

Nghiêm cấm các hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn và các sản phẩm từ lợn tại chợ của xã và các điểm chợ tạm, yêu cầu các hộ buôn bán thịt lợn ngừng hoạt động. Đẩy mạnh tuyên truyền trên đài truyền thanh xã về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch, quy định bắt buộc phải tiêu hủy lợn chết và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Ông Nguyễn Minh Vượng, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Kiến Xương cho biết: Công tác phòng chống dịch bệnh tai xanh được thực hiện đồng bộ, tuy bước đầu được khống chế song bệnh có diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh và lây lan rộng, đặc biệt tại các bến đò, phà giáp ranh với Nam Định nơi được coi là nguyên nhân chính gây nên dịch bệnh tại địa phương.

Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù chính quyền xã yêu cầu các hộ buôn bán, giết mổ thịt lợn ngừng kinh doanh song ở chợ Lịch Bài của xã vẫn còn hiện tượng người dân buôn bán thịt lợn. Khi được hỏi về quy định cấm bán thịt lợn, người bán hàng "vô tư” trả lời "đấy là cấm bán thịt lợn bệnh thôi, lợn còn khỏe, còn sống thì vẫn được bán!" Một số hộ dân ở đây cho biết, mặc dù xã xuất hiện dịch bệnh song hiện tượng giết mổ "chui" vẫn diễn ra, vì lợi ích kinh tế trước mắt, bất chấp khuyến cáo, quy định của địa phương. Cũng theo một số hộ chăn nuôi ở đây, hiện tượng lợn ốm, bỏ ăn đã xuất hiện từ lâu nhưng do xảy ra với số lượng ít người dân chủ quan cho rằng nguyên nhân do thay đổi thời tiết nên đã không khai báo, chỉ khi bùng phát trên diện rộng họ mới khai báo.

Để hạn chế  mức thấp nhất thiệt hại dịch bệnh gây ra đồng thời khống chế không để lây lan ra các địa phương khác cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp, ngành, sự phối hợp tự giác, tích cực của người dân. Chỉ khi người dân thực sự hiểu, thực sự vào cuộc thì dịch bệnh mới được đẩy lùi nhanh chóng và triệt để.

                  Bài, ảnh: Lưu Ngần

  • Từ khóa