Thứ 6, 15/11/2024, 22:32[GMT+7]

Gia tăng giá trị nông sản từ phát triển sản phẩm OCOP

Thứ 3, 20/09/2022 | 07:49:48
14,226 lượt xem
Nhờ xác định đúng thế mạnh, đặc trưng của từng địa phương, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ. Nhiều sản phẩm OCOP đã đạt chứng nhận 3, 4 sao không chỉ mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương mà còn giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng gia tăng giá trị nông sản.

Gian trưng bày gạo chợ Gốc của HTX Thương mại dịch vụ và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh (Kiến Xương).

Khai thác giá trị sẵn có

Chợ Gốc - thương hiệu gợi nhớ một chợ miền quê trên bến dưới thuyền, từ xa xưa đây là nơi giao thương hàng hóa của vùng sông nước. Nơi đây còn được biết đến bởi sự trù phú, cây lúa được gieo cấy trên mảnh đất phù sa màu mỡ, nguồn nước tưới dồi dào. Khai thác tiềm năng ấy, được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, thương hiệu gạo chợ Gốc được định hình cùng sự ra đời của HTX Thương mại dịch vụ và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh. Gạo chợ Gốc sử dụng giống lúa TBR225, gieo cấy trên vùng tập trung diện tích trên 200ha, áp dụng quy trình sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính. HTX từng bước số hóa đồng ruộng thông qua việc xóa bỏ bờ ngăn, hình thành cánh đồng lớn tạo thuận lợi thực hiện đồng bộ cơ giới hóa các khâu làm đất, làm mạ khay, cấy máy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sơ chế, chế biến và bảo đảm tất cả các hộ trong vùng cấy cùng một giống, thu mua, tiêu thụ 100% sản phẩm cho người dân. Gạo chợ Gốc mang lại giá trị thu nhập cao gấp 1,2 - 1,3 lần so với gạo ngoài thị trường. 

Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh cho biết: Để đáp ứng hoạt động của mô hình, HTX bảo đảm các dịch vụ trong suốt quá trình sản xuất đến bao tiêu sản phẩm; đầu tư hệ thống máy sấy 30 tấn/ngày, 1 bộ máy xay xát, đóng gói với quy mô 5 - 6 tấn/ngày. Năm 2021, sản phẩm gạo chợ Gốc được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. HTX đã xây dựng trang web, giới thiệu và bán hàng qua một số sàn thương mại điện tử, nhờ đó chất lượng, thương hiệu gạo chợ Gốc được đông đảo người tiêu dùng trong nước biết đến.

Trồng dâu nuôi tằm là nghề truyền thống nhiều đời nay ở xã Hồng Phong (Vũ Thư). Người nuôi đã chủ động đổi mới, chuyên nghiệp hóa các công đoạn sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa kén tằm thành sản phẩm OCOP đặc trưng của vùng đất bãi phù sa sông Hồng. 

Ông Trần Ngọc Anh, Giám đốc HTX NN Vũ Hồng, xã Hồng Phong cho biết: Xã Hồng Phong hiện có gần 300ha trồng dâu với trên 1.000 hộ nuôi tằm, cung cấp ra thị trường gần 400 tấn kén tằm, doanh thu đạt khoảng 40 tỷ đồng/năm. Với mong muốn khôi phục và phát triển nghề truyền thống, những năm gần đây, người nuôi tằm ở Hồng Phong đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng khoa học kỹ thuật trong nhân trứng giống tằm chuẩn, nâng cao năng suất. Nhộng tằm ré tỷ lệ đạm cao hơn nhộng tằm lai, được thị trường ưa chuộng. Việc tham gia và đạt chứng nhận OCOP hạng 3 sao được kỳ vọng nâng tầm thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị, thu nhập cho người nuôi tằm.

Sau hơn 2 năm triển khai, đến nay, toàn tỉnh có 64 sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao, 4 sao. Đạt kết quả này là nhờ tỉnh xác định đây là chương trình quan trọng; tập trung phát huy các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP. Từ đó, tỉnh triển khai thực hiện theo định hướng không chạy theo phong trào mà theo quy luật cung cầu; trong đó, gắn với phát huy lợi thế, tiềm năng, đặc trưng của từng địa phương.

Nâng cao giá trị hướng đến xuất khẩu

Thái Bình hiện có trên 80.000ha đất sản xuất nông nghiệp, thuận lợi cho việc phát triển các loại cây: lúa, khoai tây, ngô, ớt, hành, tỏi, rau màu các loại... với nhiều nông sản chủ lực: gạo, lúa giống, ngao... nên ngay trong thời gian đầu triển khai đề án chương trình OCOP, ngành nông nghiệp đã đặt ra định hướng phát triển nông nghiệp tập trung vào các sản phẩm truyền thống, thế mạnh này.

Bên cạnh đó, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm tham gia chương trình OCOP bằng những giải pháp cụ thể như: Định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; thành lập điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá mở rộng thị trường, hỗ trợ quản lý chất lượng, bảo hộ thương hiệu...

Năm 2020, toàn tỉnh có 17 sản phẩm OCOP đầu tiên đạt xếp hạng 4 sao, trong đó có 2 sản phẩm đủ điều kiện đăng ký tham gia sản phẩm 5 sao cấp quốc gia. Năm 2021, toàn tỉnh có thêm 47 sản phẩm OCOP, trong đó có 25 sản phẩm nông sản thực phẩm, đặc biệt có 6 sản phẩm gạo mang thương hiệu Thái Bình. Các sản phẩm sau khi được công nhận và sử dụng nhãn hiệu OCOP đã tạo niềm tin đối với người tiêu dùng cũng như đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại. Ngoài ra, OCOP cũng sẽ là cơ sở pháp lý, điều kiện cần thiết để từng bước mở rộng thương hiệu trong nước và phát triển ra thị trường quốc tế.

Năm 2022, Thái Bình phấn đấu có trên 20 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP; củng cố, phát triển, nâng cấp hạng sao các sản phẩm OCOP cho những sản phẩm đã đạt điểm tương đương 2 sao, 3 sao; lựa chọn từ 1 - 2 sản phẩm đạt 90 điểm trở lên đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng sản phẩm 5 sao cấp quốc gia; 100% các cơ sở sản xuất tham gia chương trình OCOP được hỗ trợ tư vấn nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, phát triển sản phẩm; 100% sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền chứng nhận đạt sao phải in logo thứ hạng sao, có mã số, mã vạch để truy xuất nguồn gốc theo quy định.


Ngân Huyền