Thứ 6, 15/11/2024, 18:33[GMT+7]

Phát triển “hạt nhân” kinh tế nông thôn

Thứ 2, 26/12/2022 | 08:14:04
7,503 lượt xem
HTX nông nghiệp được xem là “hạt nhân” của kinh tế nông thôn, có vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thời gian qua, tỉnh ta tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương củng cố hoạt động của các HTX nông nghiệp để nâng cao hiệu quả về kinh tế.

Làm thủy lợi phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2022 - 2023 của HTX DVNN xã An Ninh (Quỳnh Phụ).

Sản xuất manh mún, thiếu lao động trong nông nghiệp là nguyên nhân tăng chi phí đầu vào, hiệu quả sản xuất trên đơn vị canh tác thấp. Xác định được điều đó, hai năm qua, HTX DVNN xã An Ninh (Quỳnh Phụ) đã đầu tư mua sắm 3 máy cấy, 1 máy làm đất, 2 máy phun thuốc trừ sâu, 1 máy bón phân để phục vụ thành viên. Dịch vụ của HTX đã có sức cạnh tranh và làm “lành mạnh hóa” các dịch vụ phục vụ cho sản xuất tại địa phương. HTX còn đứng ra quy tụ 8 máy gặt của địa phương và các máy tỉnh ngoài về phục vụ nông dân với giá hợp lý, bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương. HTX DVNN xã An Ninh cũng là điểm sáng của khối kinh tế tập thể với cách làm sáng tạo nhằm khôi phục sản xuất, xóa bỏ ruộng hoang tại địa phương. Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc HTX cho biết: Với máy móc trang bị giúp chủ động sản xuất, HTX đã mạnh dạn đứng ra vệ sinh đồng ruộng khôi phục diện tích người dân để hoang không gieo cấy. Tổ chức sản xuất có hiệu quả ở vụ đầu, từ vụ thứ hai, HTX bàn giao lại cho các cá nhân tích cực sản xuất, động viên khuyến khích họ bằng cách miễn phí dịch vụ trong 2 năm. HTX tiếp tục khôi phục các diện tích khác. Cách làm này được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá rất cao. Với giải pháp có hiệu quả, từ chỗ diện tích bỏ hoang không canh tác năm cao nhất đến hơn 80ha cho đến nay diện tích bỏ hoang không đáng kể. Năm 2021, HTX đã xóa bỏ được 8ha, năm 2022 được 29ha ruộng bỏ hoang.

Làm thủy lợi phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2022 - 2023 của HTX DVNN xã An Ninh (Quỳnh Phụ).

Không chỉ có cách làm sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động, sản xuất, HTX đã quy hoạch được vùng tập trung diện tích 15,2ha, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa các khâu sản xuất đồng thời bao tiêu đầu ra ổn định, từng bước hướng tới xây dựng thương hiệu gạo của địa phương, thay đổi tư duy sản xuất cũ, manh mún, truyền thống.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 344 HTX nông nghiệp, trong đó 315 HTX tổ chức lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, 29 HTX thành lập mới, riêng năm 2022 có 6 HTX thành lập mới. Có trên 250 HTX tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với tổng diện tích gieo trồng có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm đạt trên 10.000ha/năm. Đã có 18 HTX nông nghiệp xây dựng được 21 thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có nhãn mác, bao bì, trong đó có 14 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Vùng trồng cây hương thảo chiết xuất tinh dầu của HTX SXKD DVNN Hoàng Minh (xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ).

Đồng chí Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Có thể nói, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh những năm qua có nhiều chuyển biến quan trọng về nội dung hoạt động, từng bước thích ứng với cơ chế thị trường, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong truyền tải, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển sản xuất nông nghiệp, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Trên hành trình đó, xuất hiện thêm nhiều HTX kiểu mới liên kết hiệu quả, từng bước khẳng định vai trò, vị trí nòng cốt trong phát triển kinh tế của địa phương.

Thành viên HTX DVNN xã Minh Tân (Đông Hưng) tạo dáng cho cây phát lộc phục vụ thị trường tết.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, quá trình phát triển HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế: quy mô, năng lực hoạt động của nhiều HTX còn nhỏ, nguồn lực thấp; trình độ cán bộ quản lý còn hạn chế; năng lực tổ chức các hoạt động dịch vụ và sản xuất, kinh doanh chưa đủ mạnh để cạnh tranh trong cơ chế thị trường...

Để HTX nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới, cần có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích thành lập mới các HTX chuyên ngành, chuyên lĩnh vực theo lợi thế của từng địa phương; nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm quản lý và tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh cho cán bộ và thành viên các HTX nhằm đáp ứng nhu cầu công việc, qua đó từng bước thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ của kinh tế hộ để mạnh dạn góp vốn giúp HTX thay đổi về chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Ngân Huyền