Thứ 6, 15/11/2024, 18:46[GMT+7]

Tiền Hải: Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển

Thứ 3, 27/12/2022 | 08:28:06
15,999 lượt xem
Để phát huy lợi thế từ biển, những năm qua huyện Tiền Hải tập trung quy hoạch, đầu tư phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, gắn phát triển kinh tế biển với bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững nhằm từng bước xây dựng huyện trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Hệ thống phân phối khí tại khu công nghiệp Tiền Hải.

Vượt lên bao thách thức của vùng đất ven biển, Tiền Hải luôn đi đầu trong công cuộc khai hoang lấn biển cũng như đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn hiện nay. Với 23km chiều dài bờ biển, vị trí thuận lợi có quốc lộ 37B và 5 tuyến đường tỉnh dài 49,3km chạy qua địa bàn, cùng với đó tuyến đường bộ ven biển đang được thi công và có khu khí mỏ từ xưa là cái nôi của ngành dầu khí Việt Nam nên kinh tế Tiền Hải rất đa dạng, phát triển cả nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khai thác kinh tế biển. Đặc biệt, huyện có 15 địa phương nằm trong Khu kinh tế Thái Bình là Đông Trà, Đông Long, Đông Xuyên, Đông Hoàng, Đông Minh, Đông Cơ, Đông Lâm, Tây Giang, Nam Cường, Nam Thắng, Nam Thịnh, Nam Thanh, Nam Hưng, Nam Phú và thị trấn với diện tích 12.214,8ha.

Ông Trần Lâm Thao, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Phát huy những lợi thế đó, Tiền Hải đã có nhiều giải pháp cùng các cấp, các ngành của tỉnh có bước đi, cách làm thích hợp để quy hoạch, phát triển vùng kinh tế ven biển một cách đồng bộ, qua đó góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng của địa phương. Một bước đột phá trong quy hoạch là năm 2022 huyện được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1370/QĐ-TTg, quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Hải Long nằm trong Khu kinh tế Thái Bình. Theo quyết định, quy mô sử dụng đất của KCN 296,97ha, địa điểm tại các xã: Đông Trà, Đông Long, Đông Xuyên. Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Hải Long do Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng KCN Bảo Minh làm chủ đầu tư; tổng vốn đầu tư 2.213,988 tỷ đồng. KCN Hải Long nằm sát tuyến đường bộ ven biển, sông Trà Lý và nhiều tuyến đường trục trong Khu kinh tế nên có vị trí thuận lợi về giao thông cả đường bộ và đường thủy. Đây sẽ là một trong những địa điểm đầu tư hấp dẫn mới tại huyện Tiền Hải nói riêng, tỉnh Thái Bình nói chung cho các nhà đầu tư bên cạnh các KCN khác trong Khu kinh tế. Cùng với đó, Tập đoàn Geleximco đã ký thỏa thuận đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô Geleximco tại KCN Tiền Hải với tổng số vốn gần 19.000 tỷ đồng; giai đoạn 1 dự tính dự án được đầu tư 7.000 tỷ đồng, bắt đầu xây dựng từ quý I/2023, hoàn thành đưa vào hoạt động từ quý III/2024, sử dụng khoảng 1.200 lao động; giai đoạn 2 dự kiến được đầu tư 11.800 tỷ đồng, xây dựng, đưa vào hoạt động từ năm 2030, sử dụng từ 2.500 - 3.000 lao động. Nhà máy hướng đến sản xuất dòng xe ô tô thân thiện với môi trường.

Ngoài KCN Tiền Hải, trên địa bàn huyện còn có 5 cụm công nghiệp với tổng diện tích 298,3ha, thu hút trên 20.000 lao động. Trong đó, cụm công nghiệp An Ninh mới được thành lập với tổng diện tích 49,87ha, có hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu xây dựng các dự án sản xuất, kinh doanh quy mô lớn. Với nhiều giải pháp đồng bộ, năm 2022, trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, Tiền Hải đứng đầu 8 huyện, thành phố. Nhiều doanh nghiệp mở rộng nhà xưởng, tăng quy mô sản xuất, nhiều dự án mới được triển khai. Có 11 dự án đầu tư vào địa bàn huyện với tổng vốn đầu tư 7.451 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất 47,6ha, dự kiến sử dụng 3.255 lao động.

Sản xuất phụ kiện ô tô tại Công ty TNHH Toyoda Gosei (khu công nghiệp Tiền Hải).

Song song với phát triển công nghiệp, Tiền Hải đã triển khai bước đầu đồ án quy hoạch chung đô thị mới xã Nam Phú đến năm 2040. Theo quy hoạch, đô thị mới xã Nam Phú có diện tích 2.450ha, gồm 11 phân khu chức năng: khu trung tâm hành chính, khu đất hỗn hợp, khu cây xanh, khu du lịch, khu trung tâm văn hóa thể thao, khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, khu cảng Ba Lạt, khu dân cư hiện trạng, các khu ở mới, khu nghĩa trang, khu tôn giáo, tín ngưỡng. Ngoài ra, Tiền Hải cũng quan tâm phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Trong đó, phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển và trên biển theo hướng đa dạng về đối tượng nuôi, ứng dụng công nghệ cao và bảo vệ môi trường nuôi bền vững; ưu tiên đẩy mạnh khai thác thủy sản, hải sản ở những vùng biển xa bờ, gắn khai thác bền vững với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy hải sản. Huyện hiện có 402 phương tiện hoạt động nghề cá. Năm 2022, tổng sản lượng thủy sản đạt 98.661 tấn, trong đó, nuôi trồng đạt 72.616 tấn; sản lượng khai thác đạt 26.045 tấn. Diện tích nuôi tôm công nghệ cao đạt 95ha và tăng dần theo từng năm.

Năm 2023 và những năm tới, thời cơ, vận hội mới đang mở ra tương lai tươi sáng cho Tiền Hải. Để đạt được những thành tựu, huyện tiếp tục thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo 5 giải pháp trọng tâm, 3 nhiệm vụ đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII đã đề ra. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư vào Khu kinh tế và các khu, cụm công nghiệp. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân...


 Mạnh Thắng