Thứ 7, 16/11/2024, 01:18[GMT+7]

Ngân hàng Thái Bình Tự hào truyền thống 62 năm xây dựng và phát triển

Thứ 2, 06/05/2013 | 08:25:31
856 lượt xem
Cách đây 62 năm, ngày 6/5/1951, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam - tiền thân của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được thành lập theo Sắc lệnh số 15/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đánh dấu sự khởi đầu của hệ thống tiền tệ quốc gia độc lập và mở ra trang sử hào hùng của ngành Ngân hàng Việt Nam.

Lãnh đạo NHNN Chi nhánh tỉnh trao chứng chỉ tốt nghiệp lớp kỹ năng lãnh đạo, quản lý điều hành cho giám đốc quỹ TDND cơ sở xuất sắc.

Tháng 9/1951, Đại lý Ngân hàng Quốc gia tỉnh Thái Bình được thành lập trên cơ sở tiếp nhận hai tổ chức Ty tín dụng sản xuất và Ngân khố quốc gia (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Thái Bình). Trải qua những cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ chống xâm lược giải phóng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội đến công cuộc đổi mới hiện nay, Ngân hàng Thái Bình đã từng bước lớn mạnh và trưởng thành.

Bám sát định hướng của ngành, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mạng lưới hoạt động của hệ thống Ngân hàng Thái Bình không ngừng được mở rộng và phát triển. Đến nay, ngoài Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ và ngân hàng, trên địa bàn tỉnh có 14 ngân hàng, 1 Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương, 85 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Các tổ chức tín dụng đã thành lập 9 chi nhánh cấp III, 132 phòng giao dịch, 13 quỹ tiết kiệm, 47 quỹ tín dụng nhân dân mở rộng địa bàn hoạt động sang 70 xã và 285 điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại các xã, phường, thị trấn thực hiện chức năng kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng. Với mạng lưới phân bố rộng khắp các địa bàn trong tỉnh, hệ thống Ngân hàng Thái Bình cơ bản đáp ứng nhu cầu dịch vụ, tiện ích ngân hàng cho nền kinh tế và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Trong những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, có hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và nhân dân, sự quyết tâm của đội ngũ cán bộ hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Thái Bình đã đạt được kết quả khá cao và toàn diện. Trong công tác huy động vốn, các tổ chức tín dụng đã thực hiện đa dạng hóa các hình thức huy động, điều hành linh hoạt lãi suất, đổi mới tác phong và lề lối giao dịch, tiếp tục cung ứng ra thị trường các sản phẩm huy động vốn hấp dẫn, tạo thuận lợi và bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền. Số dư nguồn vốn huy động tăng nhanh qua từng năm.

Năm 1986, nguồn vốn huy động toàn địa bàn chỉ đạt 238 triệu đồng thì đến năm 2006 đạt 3.909 tỷ đồng và năm 2012 đạt 18.381 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng huy động vốn bình quân giai đoạn 2006 - 2010 là 31,7%/năm và giai đoạn 2011 - 2012 là 25,7%/năm. Đến 31/3/2013, nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 19.400 tỷ đồng, tăng 32,4% so cùng kỳ năm 2012. Nguồn vốn huy động tăng ổn định giúp Ngân hàng Thái Bình chủ động đầu tư, tăng trưởng tín dụng, đồng thời giúp các doanh nghiệp, cá nhân, hộ sản xuất duy trì và ổn định sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động, đóng góp nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.

Cùng với công tác huy động vốn, Ngân hàng Thái Bình đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đầu tư vốn phục vụ các mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến 31/12/2012, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 24.300 tỷ đồng, tăng 17,8% so với năm 2011, vượt 7,8% so với kế hoạch, cao hơn gấp 2 lần so với mức tăng trưởng dư nợ chung toàn quốc; tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân giai đoạn 2006 - 2010 là 32,2%/năm và giai đoạn 2011 - 2012 là 20,5%/năm. Đến  31/3/2013, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 24.300 tỷ đồng, trong đó cho vay ngắn hạn chiếm 58,6%, cho vay trung và dài hạn chiếm 41,4%. Bên cạnh việc đẩy mạnh huy động vốn và cho vay các thành phần kinh tế, toàn ngành luôn chú trọng, quan tâm đến nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm đầu tư đúng hướng, hiệu quả. Nợ xấu đến 31/3/2013 chiếm 1,7% tổng dư nợ.

Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và Nghị quyết 13 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, từ năm 2011 - 2012, Ngân hàng Thái Bình đã tích cực triển khai, thực hiện có hiệu quả các giải pháp, tổ chức các hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn giảm mặt bằng lãi suất cho vay khoảng 5 - 7%/năm (từ 18 - 20%/năm xuống còn 11 - 15%/năm) giúp các doanh nghiệp, hộ sản xuất giảm số lãi tiền vay gần 145 tỷ đồng. Sang năm 2013, trước diễn biến tình hình kinh tế, xã hội tiếp tục gặp khó khăn, Ngân hàng Thái Bình đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Đến 31/3/2013, lãi suất cho vay bằng VNĐ toàn ngành đã điều chỉnh xuống mức tối đa 15%/năm; mặt bằng lãi suất cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh phổ biến từ 12% - 14%/năm, lãi suất cho vay giảm khoảng 1-1,5%/năm so với cuối năm 2012, giúp khách hàng giảm lãi suất vay vốn khoảng 20 tỷ đồng.

Toàn ngành tăng cường đầu tư cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, số dư cho vay đến 31/12/2012 trên 10.200 tỷ đồng, chiếm 42,1% tổng dư nợ cho vay, với 265,9 ngàn khách hàng còn dư nợ. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Ngân hàng Thái Bình đã cho vay trên 50 ngàn cá nhân, hộ sản xuất trên địa bàn 70 xã điểm xây dựng nông thôn mới, dư nợ đến cuối tháng 3/2013 đạt 2.037 tỷ đồng, chiếm 19,9% dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn tỉnh.

Bên cạnh công tác huy động và cho vay vốn, Ngân hàng Thái Bình tăng cường công tác hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, không ngừng nâng cấp, đổi mới, áp dụng các chương trình thanh toán hiện đại vào hoạt động. Toàn ngành đã đầu tư lắp đặt 103 máy ATM, phát hành 402.000 thẻ thanh toán các loại; thực hiện trả lương qua tài khoản ngân hàng cho gần 1.200 tổ chức với 83.000 người lao động nhận lương qua tài khoản. Công tác thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng, công tác an toàn kho quỹ luôn được bảo đảm. Hoạt động của Đảng bộ, chi bộ trong ngành, các tổ chức đoàn thể được duy trì nền nếp, chất lượng; công tác thông tin, tuyên truyền tiếp tục được đổi mới, tăng cường; các hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa thường xuyên được quan tâm, chú trọng…

Những kết quả nổi bật toàn ngành đạt được trong 62 năm qua luôn gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình, sự phối hợp của các cấp, ngành trong tỉnh…; sự quan tâm của các thế hệ trong ngành; sự cộng tác, gắn bó của các doanh nghiệp, hộ sản xuất, nhân dân trong tỉnh. Đặc biệt, sự cố gắng, nỗ lực, đoàn kết, những đóng góp công sức, trí tuệ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành đã góp phần đưa Ngân hàng Thái Bình phát triển ngày càng bền vững, hiệu quả...; nhiều tập thể, cá nhân trong ngành đã được Đảng, Nhà nước trao tặng các phần thưởng cao quý trong 62 năm xây dựng và phát triển.

Tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của 1 ngành kinh tế quan trọng trên địa bàn, Ngân hàng Thái Bình đang tiếp tục phấn đấu đạt và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra hàng năm theo định hướng của ngành, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, góp phần cùng các cấp, các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới.

Đinh Ngọc Thạch

Tỉnh ủy viên, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình

  • Từ khóa